Từ vụ thảm sát ở Bình Phước: chúng ta đang làm gì với thông tin?

13/07/2015 - 15:29

PNO - PN - Những ngày này, vụ thảm sát sáu người ở Bình Phước hầu như tràn ngập trên các mặt báo, trên các trang mạng, sóng phát thanh, truyền hình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tu vu tham sat o Binh Phuoc: chung ta dang lam gi voi thong tin?

Có lẽ cũng đã lâu, mới thấy có một vụ việc, nhiều người hồi hộp theo dõi tường thuật từ các cơ quan chức năng để biết thông tin, hồi hộp chờ đợi kết quả các cuộc thẩm vấn, điều tra… Người ta hỏi nhau, người ta băn khoăn chuyện này chuyện nọ từ động cơ giết người cho đến lòng trắc ẩn… Rất nhiều những rúng động, kinh sợ, căm phẫn, thậm chí có cả nghi ngờ, đổ tội cho người đã chết - người không còn cơ hội để đính chính, phản bác.

Có thể hiểu tính chất nghiêm trọng của vụ án đã gây chấn động đời sống thường nhật. Sự thương cảm trước những cái chết oan khuất, tức tưởi; sự giận dữ ghê sợ trước tội ác; ngay cả sự tò mò bình thường cũng thúc đẩy người ta tìm hiểu thông tin kia mà. Và người ta hoàn toàn có quyền được biết những thông tin ấy.

Và rồi truyền thông, nhất là báo điện tử và mạng xã hội đã làm gì? Thông tin. Thông tin. Và dồn dập thông tin. Những thông tin như hình ảnh của em bé may mắn còn sống sót thì… có ích gì cho bản thân em hiện tại? 10, 15 năm nữa, khi em bắt đầu tìm hiểu mình là ai thì những rối rắm kinh khủng của ngày hôm nay có ích gì cho em? Những hình ảnh, những nỗi đau hay sự bàng hoàng của gia đình nghi phạm có ích gì cho sự còn sống hay đã chết của cả nạn nhân và nghi phạm. Những thông tin kiểu “nghi phạm vụ thảm sát Bình Phước và fan của quỷ đỏ MU” có ích gì cho độc giả? Ngay cả thông tin em bé còn sống là con của ai giúp sáng tỏ được điều gì ngoài những suy diễn vu vơ và thỏa mãn sự tò mò.

Có bao nhiêu nỗi đau đã thành đề tài “chém gió” trên bàn nhậu?

Có bao nhiêu cuộc đời đau khổ đã được khai thác chỉ để thỏa mãn sự tò mò?

Có bao nhiêu cái chết, bao nhiêu tai nạn, bao nhiêu đau thương - oan trái - bị khoét sâu mỗi ngày như một cách bào mòn sinh lực của những người đang sống?

Có bao nhiêu người mỗi ngày không dám mở báo ra vì thấy quá nhiều hoang mang, quá nhiều sợ hãi, quá nhiều tăm tối?

Tôi từng biết nhiều người thầy, đàn anh, đồng nghiệp nghĩ tới nghĩ lui, cân nhắc khi quyết định có nên đưa thông tin này kia lên báo. Và họ chọn cách không đưa, dù họ đã phải “ăn dầm nằm dề” cùng nguồn tin. Hoặc họ chọn cách đưa tin đúng lúc.

Lượng thông tin khổng lồ trong vụ án Bình Phước có bao nhiêu thông tin đúng? Bao nhiêu thông tin đơn giản là cách “câu view”? Bao nhiêu bạn đọc đủ bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, đủ để phẫn nộ trước cái ác, đủ để biết xót thương trước những phận người oan khuất?

Đâu là cách mà những người làm truyền thông đang muốn hướng tới? Chúng ta đang sống với thông tin, bằng thông tin. Liệu có lúc nào khi đang bị vây bủa, quay cuồng trong thông tin ta chợt giật mình nghĩ đến câu thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương: “Ôi, ta đã làm chi đời ta?”.

Quả thật, ta đã làm chi đời ta với những thông tin như thế?

SƠN Ý

Đừng làm thay việc công an!

KHÔNG NÊN SUY LUẬN VÔ CĂN CỨ

Khi cơ quan chức năng điều tra, khoanh vùng đối tượng, bắt được nghi can, nghi phạm thì dư luận nên dừng lại. Chờ đợi điều tra, khám xét, dựng lại hiện trường… Đi tới việc mở phiên tòa để đưa vụ án ra xét xử là cả một hành trình dài đấu tranh “cân não” và đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn.

Trong khi chúng ta là người dân, chỉ nhìn và suy luận sự việc bằng cảm tính, nên tốt nhất là giữ những cảm xúc và nhận định riêng cho mình. Cần theo dõi quá trình điều tra, thông tin sẽ lần lượt được công khai trên báo chí chính thống khi có thể, và chờ đợi kết quả của phiên tòa sẽ mở.

Ngọc Trúc - Hội Sân khấu TP.HCM

DÙ VÔ TÌNH HAY CỐ Ý, DƯ LUẬN ĐỀU ĐÃ XÂM PHẠM QUYỀN CON NGƯỜI

Vì sao mọi người lại cứ thích làm thay việc của công an? Đáng nói, khi các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống đưa tin chừng mực, thì rất nhiều tờ báo đã “vào cuộc”, “điều tra” với đủ chiều kích của dư luận theo chiều hướng suy luận cá nhân. Dù vô tình hay cố ý, những người đang đưa ý kiến bàn luận, thậm chí là tác giả nhiều bài báo được các trang tin đăng tải này đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người.

Luật gia Phan Thanh Minh - CLB Nữ trí thức Q.3, TP.HCM

DƯ LUẬN LỆCH LẠC, QUÁ ĐÀ

Qua vụ án này, chứng tỏ thị hiếu công chúng đang đi theo chiều hướng quá lố, quá đà. Ngay từ đầu, dư luận cho thấy họ muốn nắm không chỉ các thông tin cơ bản từ vụ án theo báo chí chính thống đăng tải. Họ cho rằng nó ít quá so với một vụ án “ly kỳ, hấp dẫn” như họ vẫn nghĩ. Dường như tâm lý đám đông vẫn muốn vụ án được đặc tả, càng chi tiết, càng rùng rợn thì… càng tốt. Thậm chí kết luận của cơ quan điều tra vẫn không làm người ta thỏa mãn.

Theo tôi, xu hướng dư luận này cần phải được định hình lại. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình các nạn nhân để suy nghĩ. Không phải tự nhiên mà Bộ Công an đề nghị công luận “hãy thôi làm phiền”; trả lại sự bình yên cho gia đình và người thân của người bị hại.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

FACEBOOK DẬY SÓNG “BẺ LÁI” THÔNG TIN

Có lẽ chưa bao giờ có một vụ án được bàn luận xôn xao như vụ thảm sát này. Các facebooker ngang nhiên trở thành “điều tra viên, bình luận viên” về vụ án. Họ tranh thủ mọi diễn đàn hỏi nhau: Bắt được hung thủ chưa, người đó là đối thủ cạnh tranh? Là người lao động bị gia đình ông chủ này xử ép? Hay chính là bà giúp việc kia?... Dư luận đủ chiều kích, gây hoang mang.

Chiều ngày 10/7, khi cơ quan điều tra công bố hình ảnh hai nghi phạm, thì ngay tối hôm đó, những trang mạng lại bàn tán, bày tỏ nghi ngờ tính xác thực của việc điều tra, trong khi chính ban chuyên án cho biết, quá trình điều tra vẫn tiếp diễn.

Đại Dương - Hội Nhà báo TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI