Tự tử vì quá nghèo: “Cứ tưởng nói cho vui”

04/03/2016 - 07:31

PNO - Trước khi tìm đến cái chết, anh Bửu ra gặp lãnh đạo xã trình bày một số vấn đề nhưng lãnh đạo cứ tưởng anh “nói cho vui”.

Hành động cuối đời

Ngày 3/3, người thân đã đưa anh Võ Trung Bửu ở tổ 2A, thôn Quý Phước 2, xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) về nơi an nghỉ cuối cùng trước sự xót xao của dự luận cả nước. Anh Bửu tự tử vào đêm ngày 29/2 vì gia cảnh quá nghèo.

Theo lời anh Huỳnh Chánh (anh ruột của chị Trang), sự việc xảy ra vào khoảng 20h30 ngày 29/2, sau khi ăn trứng vịt lộn cùng gia đình, anh Bửu ra cây sầu đâu bên hông nhà treo cổ tự tử. “Trước đó, Trang đi làm về có mua mấy trứng vịt lộn cho cả gia đình, vì thiếu 1 trứng nên Trang đưa tiền cho cháu lớn mua thêm nhưng hàng quán đã đóng cửa. Bửu chỉ ăn 1 trứng rồi nhường lại cho các cháu ăn. Ăn xong, Bửu cũng có nói chuyện với gia đình kiểu dặn dò. Trong lúc các cháu học bài, Trang lo sửa sang nhà cửa thì Bửu đã hành động dại dột” - anh Chánh kể.

Trước cái chết của chồng, chị Trang khóc hết nước mắt kể, 2 người lên nghĩa vợ chồng từ năm 1988, có với nhau 3 người con. Tuy nhiên, do anh Bửu có căn bệnh về thần kinh, lúc tỉnh lúc mê nên gia đình lầm vào hoàn cảnh khó khăn vì phải lo tiền thuốc men chạy chữa. Mấy năm nay, để có tiền lo cho cả gia đình, chị Trang xin vào làm cho một công ty may với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Bị cái nghèo, cái khổ đeo bám, nhiều lúc tủi thân, buồn phiền nhưng sợ chồng biết lại nghĩ quẩn nên chị cố nuốt ngược nước mắt vào trong mà vui vẻ sống.

Tu tu vi qua ngheo: “Cu tuong noi cho vui”
Các con của anh Bửu có nguy cơ phải bỏ học trước cái chết của cha.

"Chiều 29/2, tôi vừa đi làm về thì anh chạy lại dắt xe giúp tôi, tôi thấy lạ nên hỏi hôm nay anh có khỏe không. Anh cười nhưng trên mặt anh toát một chút gì đó buồn buồn. Đến tối, lúc phụ tôi nấu cơm, anh lại nói anh làm chồng mà bất tài quá, anh sống chỉ làm gánh nặng cho em thôi. Kiếp này anh nợ em nhiều quá, hi vọng kiếp sau sẽ bù đắp được cho em. Em ở lại cố gắng chăm sóc các con và cha mẹ giúp anh. Đừng để các con đói… Nghĩ bệnh tình của anh tái phát, nói năng không suy nghĩ, lại đang tất bật với việc nhà nên chị Trang cũng không để ý nhiều, ai ngờ..." - chị Trang đau xót nhớ lại.

Xin hộ nghèo mà không được

Trước khi tìm đến cái chết, anh Bửu cũng đi gặp nhiều hàng xóm để nói chuyện "để lại vợ con, nhờ mọi người giúp đỡ". Còn chuyện chính quyền xã không xét hộ nghèo cho anh Bửu, nhiều người bức xúc và cho rằng tổ và thôn không sâu sát và không thật sự hiểu hoàn cảnh gia đình anh nên cũng không đề xuất trường hợp này lên xã.

Một người dân trong vùng cho biết: “Cái xóm này, nhà nó cực nhất. Vậy mà không biết sao đi xin công nhận hộ nghèo miết không được, nó chán một phần là chuyện đó. Nhiều khi, có các chương trình từ thiện cho người nghèo, mà không hiểu sao gia đình Bửu không có. Nếu xã thật sự quan tâm, xét hộ nghèo cho Bửu thì liệu rằng có xảy ra sự việc đau lòng hôm nay”.

Chị Trang đem chuyện không được công nhận hộ nghèo thắc mắc với chính quyền xã, thì được một cán bộ xã nói anh Bửu đã được nhận trợ cấp nên không thể là hộ nghèo. Theo chị Trang, số tiền trợ cấp mà anh Bửu được nhận mỗi tháng 260.000 đồng.

Ông Trần Phương Ái - Phó Chủ tịch HĐND xã Bình Quý cho biết trước đây gia đình anh Bửu là hộ nghèo. Nhưng kể từ khi áp dụng các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều thì nhà anh Bửu “rớt xuống” cận nghèo. Cũng theo lời ông Ái, buổi sáng ngày xảy ra vụ việc, anh Bửu có đến tìm ông và Trưởng Công an xã trình bày một số việc.

 “Cứ nghĩ nói chuyện cho vui vì bệnh tình Bửu lâu nay thế, không ngờ xảy ra vụ việc. Trên tinh thần, chúng tôi sẽ hỗ trợ tài chính để gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Ái cho biết thêm.

Thành Xuân (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI