Từ 1/1/ 2016: Khám BHYT trên địa bàn quận, huyện ở TP.HCM sẽ thông tuyến

01/01/2016 - 17:47

PNO - Kể từ 1/1/2016, Luật Bảo hiểm y tế có một số điểm điều chỉnh, giúp người dân có thể dễ dàng đăng ký và thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh.

Báo Phụ Nữ đã trao đổi với bác sĩ (BS) Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM về những điều chỉnh này.

PV: Năm 2016, chi phí khám và điều trị sẽ thay đổi như thế nào đối với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), thưa BS?

BS Lưu Thị Thanh Huyền: Theo Bộ Y tế, trong năm 2016, giá viện phí sẽ tăng thêm 2-4 lần sau khi tính đủ các chi phí trực tiếp, cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và kết cấu tiền lương của nhân viên y tế. Các chi phí này trước đây do ngân sách chi trả, nay chuyển sang BHYT chi trả.

Việc điều chỉnh giá viện phí sẽ được thực hiện gồm hai lộ trình. Giai đoạn 1, mức giá viện phí gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ , phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật); việc điều chỉnh giá lần này chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT.

Riêng đối tượng chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được áp giá cũ. Còn giai đoạn 2 sau đó, giá viện phí mới sẽ gồm cả tiền lương và sẽ được tính chung cho mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh.

Tu 1/1/ 2016: Kham BHYT tren dia ban quan, huyen o TP.HCM se thong tuyen
Trong năm 2016, giá viện phí sẽ tăng thêm 2-4 lần - Ảnh mang tính minh họa: Internet

* Thưa BS, hiện Việt Nam còn bao nhiêu người chưa có thẻ BHYT? Người chưa tham gia BHYT sẽ thiệt thòi như thế nào? Khi tăng giá thì các bệnh viện, nhân viên y tế có tăng trách nhiệm?

- Việc điều chỉnh viện phí sẽ tác động mạnh tới khoảng 27% dân số đang không có thẻ BHYT, tương đương với khoảng 24 triệu người phải chịu gánh nặng rất lớn khi đi khám chữa bệnh. Điều này cũng góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân do người dân nhận thức được sự cần thiết tham gia BHYT.

Điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này là khi đã tính tiền phụ cấp, lương vào giá dịch vụ y tế thì cán bộ y tế và các bệnh viện phải thay đổi cơ bản nhận thức. Khi cơ quan BHXH và người dân trả tiền lương cho mình thì bắt buộc mình phải làm tốt mới có bệnh nhân, có nguồn trả lương, bệnh viện mới tồn tại được.

* Hiện một số người dân muốn đăng ký BHYT ban đầu tại trạm y tế phường/xã để khám, chữa những bệnh đơn giản như: ho, nhức đầu, sổ mũi hoặc đến nhận thuốc bệnh lý mạn tính định kỳ; nhưng khi bệnh nặng, họ muốn lên tuyến bệnh viện quận/huyện thì sẽ bị xem là trái tuyến. Năm 2016, khâu đăng ký và khám, điều trị với thẻ BHYT có thuận lợi hơn không?

- Theo khoản 4, điều 22, Luật BHYT sửa đổi bổ sung số 46 thì từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

Nếu người dân khám, chữa bệnh đúng những tuyến này thì đều có mức hưởng theo quy định như trường hợp khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT khi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện, góp phần giảm tải tuyến trên nhưng đảm bảo được lợi ích của người bệnh.

* Xin cảm ơn BS.

Văn Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI