Trưởng phòng CSGT TP. Hà Nội: Không thể bỏ đèn vàng!

02/08/2016 - 12:55

PNO - Ông Thắng cho biết, người vượt đèn vàng bị xử phạt không phải là quy định mới, Nghị định 46 chỉ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với tín hiệu đèn giao thông.

Sáng ngày 1/8, tờ Dân trí dẫn lời Thượng tá Đào Vĩnh Thắng - Trưởng phòng CSGT TP. Hà Nội nói về việc "đèn vàng phạt như đèn đỏ" gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, được biết, việc xử phạt vượt đèn vàng đã có trong Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008. Nhưng chỉ đến khi Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 thì mức xử phạt cho hành vi này mới được nâng lên mức 2 triệu đồng.

Trước ý kiến cho rằng, với mức phạt mới nên bỏ đèn vàng, ông Thắng khẳng định: "Không thể bỏ tín hiệu đèn vàng. Lý do vì tín hiệu đèn vàng là dự lệnh để cho người tham gia giao thông khi qua các ngã ba ngã tư nhận biết rằng đang chuẩn bị chuyển sang đèn đỏ, khi đó phải dừng xe để nhường đường cho người đi bộ, nhường đường cho phương tiện ở hướng đường khác di chuyển.

Đèn vàng là dự lệnh để giảm sự nguy hiểm cho mọi người khi tham giao thông qua các điểm giao cắt, qua các khu vực đường hẹp, đoạn đường bị hạn chế tầm nhìn. Lúc này, đèn vàng nhắc nhở mọi người giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ, chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy giao thông và người thực thi công vụ".

Truong phong CSGT TP. Ha Noi: Khong the bo den vang!
Vượt đèn vàng có thể bị xử phạt như vượt đèn đỏ đang gây nhiều tranh cãi.

Ông Thắng nêu quan đểm: "Tôi cho rằng, các mức xử phạt hành chính và hình thức tước giấy phép lái xe trong Nghị định áp dụng đối với các hành vi vi phạm, hành vi gây cản trở giao thông, gây tai nạn và ùn tắc giao thông, cố tình không chấp hành luật giao thông… hoàn toàn đủ sức răn đe và mang tính nghiêm minh của pháp luật".

Trong khi đó, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia nói trên tờ Tiền phong, việc lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị CSGT xử phạt như vượt đèn đỏ là không phù hợp với luật giao thông đường bộ 2008 và không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng.

Theo ông Tạo, ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn tín hiệu màu vàng được xác định như sau: Khi lái xe đến nút giao phát hiện có tín hiệu đèn màu vàng sẽ nhanh chóng đạp phanh để dừng lại trước vạch dừng. Ô tô không dừng được ngay mà phải di chuyển một đoạn đường là quãng đường phanh. Chiều dài quãng đường phanh phụ thuộc vào loại ô tô, chất lượng hệ thống phanh, tình trạng mặt đường và khả năng phản ứng của lái xe.

Trong thực tế, thời lượng đèn vàng được xác định theo vận tốc quy định vào nút giao thông của xe và phải lớn hơn thời gian phanh trong bảng để đảm bảo các xe không bị phanh gấp, gây nguy hiểm cho lái các xe chạy phía sau.

Mối quan hệ giữa thời gian phanh và vận tốc bắt đầu phanh thể hiện rằng nếu thời lượng đèn vàng quy định nhỏ hơn giá trị trong bảng thì không đủ thời gian để lái xe dừng lại trước vạch dừng khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

"Với phân tích như trên, việc phạt lỗi vượt đèn vàng sẽ là không đúng luật, làm mất đi giá trị tồn tại của tín hiệu đèn vàng này. Chúng ta đang xây dựng văn hóa giao thông hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ trong lĩnh vực giao thông.

Việc phạt đèn vàng là không đúng nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức con người. Người lái xe không có lỗi mà vẫn bị phạt gây ra tâm lý bức xúc, bất bình, thậm chí là chống đối và có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông nói riêng và xã hội nói chung" - ông Tạo nói.

Khương Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI