Trường chất lượng cao đang theo quy trình ngược?

01/08/2013 - 14:54

PNO - PN - Hiện nay TP.HCM có ba trường THPT công lập chất lượng cao (CLC) là các trường THPT Lê Quý Đôn (Q.1), Nguyễn Hiền (Q.11) và Nguyễn Du (Q.10). Nối tiếp cách làm của TP.HCM, năm nay TP. Hà Nội sẽ triển khai mô hình này tại 18 trường và đã...

Chất lượng cao = sĩ số thấp?

Trường CLC ở TP.HCM được xác định là trường đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tiếp cận với thiết chế tổ chức nhà trường của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu trên được cụ thể hóa tại Trường THPT Lê Quý Đôn là: lớp học chỉ 30 học sinh (HS) (thay vì 45 HS như trước); cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, phòng học máy lạnh, máy vi tính nối mạng, màn hình - máy chiếu; trường có hệ thống phòng bộ môn, phòng thực hành, thư viện, hội trường… đảm bảo cho HS có điều kiện học tập và hoạt động hai buổi/ngày tại trường. Sau nhiều năm thực hiện mô hình CLC tại Trường THPT Lê Quý Đôn, năm học 2012-2013 vừa qua, TP.HCM đã nhân rộng mô hình này thêm hai trường nữa là Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. Hiện các trường Nguyễn Hiền và Nguyễn Du đang cố gắng thực hiện những gì mà Trường Lê Quý Đôn đã và đang làm.

Truong chat luong cao dang theo quy trinh nguoc?

Ảnh minh họa: Trong giờ học của học sinh Trường Chất lượng cao Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM).. Nguồn ảnh: Báo Người Lao Động.

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì mô hình này chưa có sự khác biệt nhiều so với trường bình thường. Từ lâu, Trường THPT Nguyễn Huệ - một ngôi trường vùng ven Q.9 - cũng đã trang bị máy lạnh, máy tính, màn hình - máy chiếu, tủ kệ đựng đồ… cho tất cả các phòng học. Do vậy, điểm khác biệt còn lại của mô hình trường CLC so với trường thường chỉ còn là sĩ số HS/lớp thấp hơn (30 so với 45). Nhờ điều này mà giáo viên của trường CLC có điều kiện thực hiện các phương pháp dạy học cá thể hóa, chăm sóc đến từng HS, giúp HS phát huy năng khiếu và tính tích cực trong học tập. Vấn đề này từng được Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Quan điểm giáo dục mới không phải chỉ giáo viên ở Trường THPT Lê Quý Đôn mới biết, nhưng điều quan trọng là có được một thiết chế nhà trường phù hợp (cụ thể là sĩ số thấp) để tập thể sư phạm thực thi”.

Kết quả việc dạy và học tại Trường Lê Quý Đôn được Sở GD-ĐT ghi nhận: HS tốt nghiệp phổ thông 100%, đậu vào đại học, cao đẳng trên 90%, được xếp vào top đầu 200 trường của cả nước về kết quả thi vào đại học. Thành quả lớn nhất là sự năng động, tháo vát, tự tin của HS trong quan hệ xã hội, giao tiếp với mọi người xung quanh và ứng xử trước những tình huống trong cuộc sống. Chỉ số IQ (thông minh), EQ (cảm xúc) của HS tăng lên rõ rệt, đặc biệt là chỉ số CQ (sáng tạo). Tại Trường THPT Nguyễn Hiền, sau một năm triển khai mô hình CLC ở khối lớp 10, cũng cho thấy: “Có sự phát triển vượt bậc ở HS về mọi mặt, cả điểm số cũng như khả năng sử dụng tiếng Anh”, một lãnh đạo trường cho biết.

Ngoài những đánh giá về các chỉ số IQ, EQ, CQ và sự tự tin có tính chất định tính, những thành quả còn lại cũng là điều tất yếu, bởi ngoài những thuận lợi từ mô hình CLC mang lại thì “đầu vào” của các Trường Lê Quý Đôn và Nguyễn Hiền là có chọn lọc và thuộc top trên. Tuy nhiên, nếu xem tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp và ĐH-CĐ là “đích” mà mô hình CLC hướng đến thì e rằng sẽ không đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như tiệm cận được với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Hơn nữa, các trường bình thường cũng vẫn có tỷ lệ HS đỗ ĐH-CĐ ngang bằng và cao hơn Trường Lê Quý Đôn như các trường Nguyễn Hữu Cầu, Trần Phú, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Công Trứ (năm 2011), Trần Phú, Gia Định, Minh Khai, Bùi Thị Xuân (2012). Đó là chưa kể, để đậu ĐH, HS của trường vẫn phải đi học thêm như HS các trường khác.

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Lê Quý Đôn có cùng nhận xét: Nhờ các giờ học nhóm, học qua thuyết trình, học qua các chủ đề nên các cháu biết được thêm các kỹ năng khác như soạn bài và trình bày qua power point, quay video. Các cháu cũng tự tin hơn. Thầy cô giáo dạy rất nhiệt tình, thân thiện. Tuy nhiên, “bệnh” chạy theo thành tích vẫn chưa được khắc phục. HS vẫn bị nhồi nhét, nhất là vào thời điểm trước khi thi tốt nghiệp. Hầu hết HS đều phải học thêm, học luyện thi ĐH.

Riêng về khả năng sử dụng tiếng Anh để hội nhập, thầy cô cũng rèn luyện cho HS rất nhiều, thậm chí phụ đạo không lấy tiền, nhưng chỉ nhằm đối phó với thi cử. Còn để nghe và nói được tiếng Anh, hoặc để thi lấy các chứng chỉ quốc tế như Toefl, IELTS thì HS vẫn phải theo học tiếng Anh tại các trung tâm.

Thiếu một chương trình chất lượng

Theo TS Phạm Xuân Thanh (Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT), trong giáo dục, có rất nhiều định nghĩa về chất lượng, đó là sự vượt trội (hay sự xuất sắc); là sự hoàn hảo (kết quả hoàn thiện, không có sai sót); là sự đánh giá về đồng tiền (đáng giá để đầu tư); là sự chuyển đổi (chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác), nhưng riêng tại khu vực Đông Á thì định nghĩa “chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu” gần như không có sự tranh cãi. Vậy thì CLC sẽ là “sự phù hợp với mục tiêu ở mức cao”.

Oái oăm thay, “để có CLC thì điều kiện tiên quyết là phải có một chương trình tốt”, theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Nghĩa là, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như tiệm cận được với nền giáo dục tiên tiến của thế giới thì phải có một bộ chương trình tốt, tiên tiến và hội nhập. Mà điều này thì Việt Nam chưa có, vì dự kiến đến năm 2015 sẽ phải thay chương trình và sách giáo khoa.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Cao Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Úc, nói: “Để có CLC thì yếu tố số một phải có là chương trình tốt, thứ hai mới là giáo viên, thứ ba là phương pháp dạy học, thứ tư là điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học và cuối cùng là sĩ số HS/lớp”. Theo logic đó thì chúng ta đang làm ngược: giảm sĩ số, tăng cường cơ sở vật chất, thúc giục đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học nhằm tác động đến sự thay đổi cách thức học tập của HS. Cách làm này phần nào giúp cho chất lượng dạy học được nâng lên, nhưng chỉ là biện pháp tình thế, vì sự bất cập của chương trình (quá tải và nhiều nội dung không phù hợp), của cách thức kiểm tra - đánh giá vẫn còn nguyên. Đặc biệt, trong giáo dục phổ thông, nhiều nước trên thế giới đã tiến đến phân môn nhằm tạo ra sự hứng thú, phát huy năng lực, sự đam mê và tư duy độc lập cho từng cá nhân HS, đây là điều mà các trường CLC cần hướng tới.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập khẳng định: “Khi ta chưa có một chương trình - sách giáo khoa phổ thông có chất lượng tốt, vẫn phải dựa vào bộ chương trình và sách giáo khoa hiện hành, bị dư luận xã hội phê phán nặng nề và dự kiến sẽ phải bỏ đi sau hai năm nữa, thì làm sao có được CLC. May ra làm được phòng học CLC và cơ sở vật chất CLC!”.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI