Trợ giá xe buýt: không thể “làm tới đâu hay tới đó”

11/12/2013 - 12:10

PNO - PNO - Đại biểu HĐND TP.HCM Võ Văn Sen chất vấn: “TP trợ giá cho xe buýt trong 5 năm qua là 3.500 tỉ đồng, riêng năm 2013 hơn 1.400 tỉ. Sở có kế hoạch, chiến lược nào cho hoạt động của xe buýt khi phải sử dụng một số tiền lớn như...

edf40wrjww2tblPage:Content

TP.HCM "xài" quá sang

Đăng đàn tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa VIII sáng 11/12 là Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Tất Thành Cang, trả lời chất vấn các nội dung: Hiệu quả đầu tư, trợ giá cho phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt; chất lượng xe buýt và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt; việc bố trí, phân chia luồng tuyến xe buýt; giải pháp để gia tăng số lượng người tham gia sử dụng phương tiện xe buýt…

Tro gia xe buyt: khong the “lam toi dau hay toi do”

Đại biểu Lê Thị Ngọc Minh chất vấn về chất lượng xe buýt.

Đặc biệt quan tâm tới hiệu quả của việc trợ giá cho xe buýt thời gian qua, đại biểu (ĐB) Võ Văn Sen băn khoăn: TP trợ giá cho xe buýt trong 5 năm qua là 3.500 tỷ, riêng năm 2013 hơn 1.400 tỷ, đó là số tiền lớn. Với hiệu quả mà xe buýt mang lại hiện nay, thì việc trợ giá này có lãng phí không, hoặc có khâu nào lãng phí không? Có tuyến nào lãng phí không? Nếu có thì biện pháp nào để khắc phục trong thời gian tới? Nên chăng giảm tuyến hay đấu thầu chẳng hạn?

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Tất Thành Cang trả lời: Mục đích của việc trợ giá là để khuyến khích dân đi lại bằng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, dù giá nguyên liệu tăng, giá xăng dầu tăng nhưng Sở đã đề xuất không tăng giá xe buýt. Thực tế, có lúc giá nguyên liệu tăng hơn 200% nhưng giá xe buýt vẫn không tăng.

“Nếu tính từ 2002 đến nay, hơn 10 năm, năm đầu chỉ có 32 triệu lượt hành khách đi xe buýt, thì đến nay đã có gần 400 triệu lượt khách mỗi năm. Điều này cho thấy, với nhiều giải pháp quyết liệt của TP, trong đó có trợ giá, thì sản lượng hành khách đi xe buýt tăng hơn rất nhiều, và theo đó giảm được lượng người dân sử dụng phương tiện xe cá nhân” - ông Cang so sánh.

Tuy nhiên, ông Cang cũng thừa nhận trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của xe buýt đúng là chưa được như mong đợi, còn nhiều bất cập như: phân luồng, tuyến chưa hợp lý dẫn đến một số tuyến vắng khách; trùng tuyến còn nhiều; chưa ứng dụng được công nghệ thông tin, quản trị hiện đại để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý... “Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nhận thức của người dân chưa cao; do điều kiện hạ tầng giao thông, đô thị hiện hữu còn hạn hẹp; bố trí thiết kế bên trong xe buýt chưa hợp lý, có những xe còn nhếch nhác; công tác quản lý chưa hiệu quả, chưa phù hợp với điều kiện hiện hành” - ông Cáng nói.

ĐB Võ Văn Sen tiếp tục băn khoăn: “TP.HCM quá sang khi đã sử dụng nguồn ngân sách khá lớn như thế để trợ giá cho xe buýt. Với đà này, chắc chắn sẽ không dừng lại ở 1.400 tỉ đồng mà còn tăng nữa vào năm sau. Như vậy, Sở có kế hoạch, chiến lược nào cho hoạt động của xe buýt khi phải sử dụng một số tiền lớn như vậy để trợ giá? Mức “đèn đỏ” cho việc trợ giá này là ở đâu và đến lúc nào thì chấm dứt trợ giá? Cử tri TP không thể chấp nhận được việc làm tới đâu hay tới đó”.

ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết đồng tình: “Đã được trợ giá rồi mà hoạt động không đạt hiệu quả thì còn có lý dop nào khác ngoài những lý do trên hay không?”

Sẽ tiếp tục đầu tư cho xe buýt

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Tất Thành Cang cho rằng, muốn giảm trợ giá mà vẫn đảm bảo tăng hành khách thì cần nhiều giải pháp. Trong đó cần những giải pháp đột phá như mạnh dạn bỏ những tuyến không phù hợp; tạo cạnh tranh trong việc phân luồng tuyến xe buýt; tăng doanh thu từ các nguồn khác để trợ giá cho xe buýt, ví dụ như quảng cáo trên xe buýt chẳng hạn.

Tro gia xe buyt: khong the “lam toi dau hay toi do”

Ông Tất Thành Cang trả lời chất vấn sáng 11/12.

“Nhìn về lâu dài, ở một đô thị lớn như TP.HCM nhất thiết phải phát triển mạnh giao thông công cộng. Chúng ta phải tập trung các chính sách để tiếp tục hỗ trợ xe buýt. Sở đang phối hợp nghiên cứu triển khai thí điểm tuyến xe buýt nhanh dọc đường Võ Văn Kiệt, tuyến Bến Thành - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ngã tư An Sương. Sở cũng sẽ trình UBND TP phê duyệt đấu thầu và khai thác các luồng, tuyến xe buýt trên địa bàn TP để chậm nhất là đầu quý I/2014 sẽ triển khai” - ông Tất Thành Cang cho hay.

Nhiều ĐB cũng đã chất vấn về những bất cập hiện nay và băn khoăn đến nay giờ những bất cập này mới được giải quyết như: Việc phân luồng, tuyến chưa hợp lý; hiện tượng phân biệt những người đi vé tháng và đi vé ngày; thái độ phục vụ của nhân viên và tài xế thiếu niềm nở; có nhiều tuyến kết thúc sớm hơn so với nhu cầu của người dân; tình trạng trấn lột, mất trộm trên xe buýt; tình trạng “xe buýt là xe vua” vẫn còn tiếp diễn…

Ông Tất Thành Cang cho biết, Sở đã và đang làm việc với 24 quận huyện để xác lập lại sự phối hợp giữa Sở và quận huyện trong khảo sát phân luồng, tuyến xe buýt; nhà chờ; tìm và xác định vị trí bãi đất trống làm điểm dừng, đậu đầu và cuối tuyến; tham mưu rà soát đưa vào quy hoạch tăng thêm diện tích dành cho xe buýt… Sắp tới, Sở sẽ ký kết liên tịch với Liên đoàn Lao động TP để nâng cao ý thức phục vụ cho đội ngũ nhân viên và hơn 3.000 tài xế xe buýt hiện nay. Sở cũng sẽ phối hợp một đơn vị của Bộ Công an lắp đặt camera trước, trong và sau xe cho toàn bộ xe buýt được đầu tư mới sắp tới. “Chúng tôi nhận thiếu sót và sẽ khắc phục, sửa chữa trong thời gian sớm nhất” - ông Cang hứa.

Để tạo hình ảnh mới của xe buýt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Tất Thành Cang cho biết, Sở đã xây dựng đề án đầu tư 300 xe sử dụng CNG (khí nén tự nhiên) thay thế cho các loại nhiên liệu như xăng, dầu hiện nay. Hiện các sở ngành đang thẩm định để trình UBND TP.HCM có quyết sách đúng để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Cải thiện giao thông là một trong những chương trình đột phá của TP, góp phần đáp ứng nhu cầu người dân, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Và xe buýt là một trong những giải pháp để thực hiện chương trình đó.

Theo bà Tâm, để thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân là cả một quá trình. Bức xúc của người dân thì khá nhiều, nhưng nhìn một cách công bằng thì thời gian qua phương tiện lưu thông bằng xe buýt đã góp phần cải thiện tình hình giao thông của TP.HCM, góp phần giảm lượng xe cá nhân (trong điều kiện phương tiện này phát triển quá nhanh ở TP). Chưa thể nói hài lòng được nhưng đây là một sự cố gắng rất lớn của Sở Giao thông Vận tải nói riêng, của TP.HCM nói chung.

“Trợ giá xe buýt là cần thiết, đây là một yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Nhưng cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của việc trợ giá này bởi thực tế thời gian qua, hiệu quả đem lại của việc này chưa cao. Ngành giao thông vận tải TP.HCM cần nghiên cứu kỹ để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc này” - bà Tâm lưu ý.

Bà Tâm yêu cầu Sở cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng của xe buýt. Ngay trong năm 2014 cần phải điều chỉnh ngay và báo cáo với ĐB HĐND TP về việc phân tuyến, luồng xe buýt; cải thiện một cách tốt nhất về thái độ, chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên, tài xế xe buýt. “Vấn đề ở đây không phải là chạy nhanh hay không chạy nhanh và là vấn đề coi thường pháp luật để gây ra những vụ tai nạn giao thông thương tâm trong thời gian qua”.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI