Trao nhầm con ở Bình Phước: Đòi bồi thường không dễ

21/07/2016 - 05:43

PNO - Nếu hai bên không thỏa thuận được giá trị bồi thường hoặc người bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại thì số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Hai gia đình có quyền khởi kiện

Chiều ngày 20/7, liên quan đến vụ việc trao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước), Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết: "Bệnh viện đã nhận lỗi và xác định nguyên nhân là do sơ xuất của một số y tá, bác sĩ trong lúc làm việc nên đó chỉ là sự nhầm lẫn không đáng có chứ không phải vi phạm hình sự".

Theo ông Tuấn, để đòi lại quyền lợi cho mình thì 2 gia đình bị trao nhầm con hoàn toàn có quyền khởi kiện ban lãnh đạo bệnh viện gây ra những tổn thất cho mình. "Ở đây, có thể xác định có 2 tổn thất chính là vật chất và tinh thần. Về vật chất, các chi phí như giấy xét nghiệm ADN, đi lại trong quá trình thu thập chứng cứ... còn tổn thất về mặt tinh thần như ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, mặt tinh thần, tình cảm thường khó có tài liệu để chứng minh, định lượng" - ông Tuấn cho biết.

Nếu 2 gia đình không thể thống nhất thì phía bị hại hoàn toàn có thể khởi kiện. Tuy nhiên, nếu không đưa ra được bằng chứng chứng minh thiệt hại thì phía bệnh viện chỉ phải bồi thường tối đa 10 tháng lương tối thiểu theo quy định hiện hành.

"Số tiền này ban lãnh đạo bệnh viện có thể lấy của tập thể ứng trước để đền bù, sau đó có quyền yêu cầu những cá nhân liên quan đến vụ việc hoàn trả lại. Chậm nhất sau 3 năm, bị hại sẽ phải nhận được tiền đền bù" - ông Tuấn cho biết.

Trong vụ việc trao nhầm con ở Bình Phước, ông Tuấn nhận định 2 gia đình sẽ rất khó trong việc đưa ra bằng chứng chứng minh thiệt hại. Đặc biệt là với gia đình chị Thị Liên (ngụ xã Phước An, huyện Hớn Quản) đòi đền bù cả công chăm sóc trong 3 năm nuôi dưỡng cháu bé con chị Nguyễn Thị Trang (ngụ thị xã Bình Long).

Trao nham con o Binh Phuoc: Doi boi thuong khong de
Anh Khiên - chồng chị Trang rất nóng ruột khi chưa xác định được thời gian trao nhận lại con.

Ông Tuấn nói: "Rất khó để có giấy tờ gì có thể chứng minh chi phí nuôi cháu bé trong 3 năm đó. Hơn nữa, đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình chị Liên trong khi con đẻ của chị cũng được chị Trang nuôi dưỡng chu đáo. Chính vì thế, bệnh viện quyết định đền bù 10 tháng lương tối thiểu (tương đương 12 triệu đồng) là hoàn toàn hợp lý. Gia đình không nên nhùng nhằng kéo dài thời gian mà ảnh hưởng đến tâm lý của 2 cháu bé".

Luật sư Bùi Văn Thành - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong trường hợp gia đình chị Liên cố tình trì hoãn việc trao nhận lại còn thì phía gia đình chị Trang hoàn toàn có quyền khởi kiện lên tòa án, yêu cầu việc truy nhận cha mẹ cho 2 đứa trẻ. "Bằng chứng đã có, các bên cũng thừa nhận nên việc trao nhầm con nên không gì có thể ngăn cản 2 cháu bé được trở về đúng vị trí của mình" - ông Thành nhận định.

Trao nhận lại càng sớm càng tốt

Ông Thành chia sẻ, trong vụ việc trao nhầm con ở Bình Phước không nên đặt nặng chuyện kiện tụng, đưa nhau ra tòa để tranh chấp quyền lợi, tiền bạc mà điều quan trọng phải sớm giải quyết dứt điểm để không gây tổn thương tâm lý cho 2 cháu bé và gia đình.

"Người ngoài khi theo dõi thông tin, đặt mình vào hoàn cảnh của 2 ông bố, bà mẹ cũng đã cảm thấy sốc thì chắc chắn những người trong cuộc còn sốc gấp nhiều lần. Nhưng không phải vì thế mà trì hoãn việc trao nhận" - ông Thanh nói.

Nói về việc trao nhầm con ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, TS. Phạm Văn Lai - Viện Tâm lý học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, khó nhất trong sự việc này là giải quyết tâm lý, tình cảm chứ không phải là chuyện tiền bạc.

Ông Lai cho hay: "Một đứa trẻ dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó hay sung túc thì sự gắn bó của bé với bố mẹ, gia đình là vô cùng bền chặt. Nếu không có một lộ trình hòa nhập hai đứa trẻ mà cưỡng bức, tách bỏ cơ học, trao trả thuần túy như vật thì chắc chắn sẽ gây ra tổn thương tình cảm cả đời hai cháu bé. Có thể nếu không làm tốt công tác tâm lý, tư tưởng thì phần đời còn lại của các cháu luôn có cảm giác ám ảnh".

Ông Lai nói thêm về việc hòa nhập 2 đứa trẻ vào gia đình mới: "Ngoài sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để có lộ trình phù hợp thì tình cảm của bố mẹ cũng rất quan trọng. Bố mẹ phải thể hiện để đứa trẻ cảm nhận thấy chúng được yêu thương, tình cảm thật xuất phát từ tận đáy lòng để không có sự so sánh giữa bố mẹ trước và bố mẹ sau. Việc trao nhận diễn ra càng sớm càng tốt vì các cháu còn bé, giống như cây măng càng non càng dễ uốn mà không để lại bất kỳ dấu vết nào".

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI