Tranh luận nóng bàn phím chuyện chơi tuyết: Sự thật buồn

27/01/2016 - 14:24

PNO - Khoảng 20 triệu người Việt sử dụng Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành tới 2,5 giờ "lang thang" trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh...

Năm nay, thời tiết Bắc Bộ giá lạnh kỷ lục, băng tuyết lại  xuất hiện ở những vùng núi cao. Và cũng như mọi năm, giới trẻ Việt thích thú đổ bộ về Tây Bắc thăm thú, trượt tuyết trong giá lạnh.

Những status khoe chơi tuyết chia sẻ trên facebook ngay lập tức thu hút ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Và rồi, lại diễn ra một cuộc tranh luận nảy lửa.

Tranh luan nong ban phim chuyen choi tuyet: Su that buon
Giới trẻ Việt thích thú chơi trượt tuyết trong giá lạnh (Ảnh Zing).

Cũng như mọi năm, nhiều ý kiến cho rằng, những kẻ đi ngắm tuyết là ích kỉ, vô tâm. Bởi cùng với niềm hân hoan tuyết trắng mà quên mất bao cảnh đói nghèo của bà con ngày giáp hạt, là mất mùa, là cái lạnh thấu xương khi những đứa trẻ vùng cao không có áo ấm để mặc.

Bạn Hoài Vũ không ngại gõ phím bày tỏ: "Các bạn vui chừng nào thì bà con nghèo miền Tây Bắc khóc chừng ấy, trâu bò, lợn và cả con nguời có thể chết bất cứ lúc nào. Trẻ em thiếu áo mặc ấm, nhà chóng trước chóng sau... Vậy có vui không?".

Đồng quan điểm với Hoài Vũ, là những bình luận nội dung: Thích thật đấy nhưng cái lạnh đang tàn phá những con người nghèo khắc khổ trên cao đấy bạn. Họ lạnh lắm rồi...

Đáp lại những ý kiến này, một loạt những comment đậm chất trải nghiệm, họ đưa ra hàng loạt những lý do về việc, người miền xuôi không cần phải quá quan tâm đến sự rét mướt, nghèo đói, thiếu thốn của những người vùng cao trong thời tiết giá băng này.

"Mấy bạn ấy không lên chơi thì tuyết có ngừng rơi, trời có ngưng lạnh được không? Không lên đó chơi thì người trên đó có hết nghèo không? Trẻ em có thêm quần áo mặc không...? Thời tiết ra sao là chuyện của trời đất, nước ta mấy khi có tuyết nên đi ngắm tuyết cũng bị săm soi, họ cũng phải đi học đi làm mới có tiền đi ngắm tuyết chứ có ăn cắp, ăn trộm đâu.

Tranh luan nong ban phim chuyen choi tuyet: Su that buon
Giới trẻ Việt đang sống ảo?

Mà có khi tranh thủ đi chơi, nhiều nhóm bạn còn không quên làm những hành động đẹp như mang thêm quần áo ấm, hay quyên góp tiền... Cho người nghèo nhưng không lên báo đài để cho mấy kiểu người thích soi, anh hùng bàn phím vào bình luận thiếu suy nghĩ ấy đi", bạn có tên facebook Vũ Luận bức xúc.

Bạn Quỳnh Dương cho rằng: "Hai việc ngắm tuyết và thương cảm là hai việc hoàn toàn khác nhau". Theo đó Dương phân tích, trâu bò chết, hoa màu mất mùa, người già trẻ em chịu cái lạnh thấu xương. Bù lại họ được hưởng lợi từ du lịch. Các bạn không muốn ai đi du lịch lên đây thì nguồn thu nhập cho dân địa phương khi mất mùa ở đâu ra. Thử cho mấy thánh phán đi du lịch miễn phí lên đây chắc mấy thánh từ chối"".

Tuy nhiên, không ít người bình thản hơn trước những tranh luận này. Đơn giản bởi lẽ, những tranh luận kiểu này ''đến hẹn lại lên''. Năm ngoái, tranh luận, chỉ trích rầm rộ, thì năm nay, tuyết vẫn cứ rơi, và giới trẻ cũng vẫn cứ lũ lượt kéo nhau lên Sapa ngắm tuyết... và lại tiếp tục tranh luận.

Thiết nghĩ, chuyện này cũng giống như những câu chuyện ngày thường mà chúng ta vẫn dễ dàng thường xuyên bắt gặp ở mạng xã hội Việt Nam. Trào lưu đổi ảnh đại diện tưởng niệm sự kiện, ủng hộ luật đồng tính tít bên... Mỹ, lời nhắn "Hãy như tôi...", "Nhắn tin: em yêu anh - thử phản ứng của chồng", "Tôi thấy A trên B"... cứ xuất hiện lại lôi kéo được sự tham gia đông đảo của cộng đồng mạng trong khi không phải ai cũng hiểu vì sao có trào lưu ấy. Và đương nhiên, lại có một cuộc tranh luận chỉ trích, thậm chí ném đá nhau không thương tiếc vì tội adua, vì hội chứng đám đông...

Duy có một điều mà chúng ta không thể không lưu tâm, theo số liệu thống kê 2015, Việt Nam mới là nước dùng Internet nhiều nhất thế giới cho việc lướt web và tán gẫu. Khoảng 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành tới 2,5 giờ "lang thang" trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh... Trong khi đó, năng suất lao động chỉ ở hàng top dưới trong khu vực và trên thế giới. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Nhìn những thống kê này, không hiểu các anh hùng bàn phím sẽ nghĩ gì?

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI