TP.HCM nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ

25/03/2014 - 21:56

PNO - PNO - Chiều 25/3, hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 17 đã bế mạc. Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải phát biểu khẳng định: thực hiện 6 chương trình đột phá vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên mà TP.HCM phải làm, gắn với...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ông Hải nhận định, việc Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX đề ra 6 chương trình đột phá là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cả trước mắt và lâu dài phát triển TP, vừa phù hợp với chủ trương chung của Trung ương về thực hiện các nội dung đột phá chiến lược và tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh.

Xây dựng nền hành chính phục vụ

Theo nhận định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, tác động của các chương trình khá toàn diện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện dân sinh; có chương trình kết quả thực hiện chưa đậm nét lắm, nhưng có chương trình đã mang lại kết quả ấn tượng, được nhân dân đồng tình, như chương trình giảm ùn tắc giao thông.

TP.HCM no luc xay dung nen hanh chinh phuc vu

Nhiều công trình hạ tầng giao thông đã làm thay đổi bộ mặt TP.HCM.

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đề nghị UBND TP cần nghiêm túc tiếp thu hơn 300 ý kiến của đại biểu tại hội nghị lần này về 6 chương trình đột phá, bổ sung, làm rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm tới; phân kỳ nhiệm vụ từng năm đối với từng vấn đề, tránh nêu nhiệm vụ chung chung; đồng thời làm rõ những công việc cần phải làm thường xuyên sau năm 2015.

Đối với chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm tới là đưa mô hình chính quyền đô thị vào thực tiễn TP từ năm 2016.

“Tuy chúng ta còn chờ quyết định của Trung ương, nhưng nội dung trọng tâm là xây dựng thể chế, như cơ chế phân cấp, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp và chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp. Nói chung là chuẩn bị cả ba khâu: thể chế, bộ máy và con người” - ông Lê Thanh Hải nói. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu và tập trung thực hiện cải cách hành chính. Theo ông, mục tiêu của TP là xây dựng nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đây cũng chính là bản chất của chính quyền nhân dân.

Về chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP, ông đề nghị cần tập trung nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, chủ thể chính trong phát triển công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xe buýt - 10 năm tới vẫn là phương tiện giao thông công cộng chính

Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, hiện nay TP.HCM mới đạt hơn 11% đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng là quá thấp đối với một đô thị hơn 8 triệu dân. Trong 10 năm tới, ngay cả khi hoàn thành vài tuyến đường sắt nội đô thì vai trò của xe buýt vẫn là yếu tố quyết định, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chính của TP.

“Hiện nay nổi lên vấn đề trợ giá xe buýt, hiệu quả sử dụng hệ thống xe buýt; kích cỡ xe phù hợp; phương thức điều hành; cơ chế hỗ trợ của Nhà nước… Đây là vấn đề cần phải tập trung, lắng nghe ý kiến của nhân dân; ý kiến của chuyên gia để xây dựng hệ thống xe buýt phù hợp”- Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ đạo.

Về chương trình giảm ngập, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan phải lắng nghe ý kiến chuyên gia để có giải pháp toàn diện hơn. Theo ông, việc xây dựng hồ điều tiết nước (để xử lý tình huống mưa cộng hưởng với triều cường) chậm trễ 3 năm rồi là rất khó chấp nhận. TP phải tập hợp trí tuệ các nhà khoa học để xây dựng giải pháp đa dạng trong chống ngập, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các kế hoạch đầu tư trước mắt, lâu dài vì chống ngập đối với TP.HCM là bài toán lớn trong quản lý và phát triển đô thị.

Đào tạo nguồn nhân lực phải đi đôi với sử dụng hiệu quả

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải dành nhiều thời gian phân tích rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém và nhấn mạnh những giải pháp thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP.HCM.

Theo ông, nguồn nhân lực là “xương sống” của quá trình phát triển TP và đất nước, là “xương sống” của nhiệm vụ tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nên chương trình này nhất thiết phải gắn với chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phải đi đôi với sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trước tiên trong hệ thống chính trị. Riêng vấn đề đào tạo đại học, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị phải có cơ chế phối hợp thường xuyên và có hiệu quả giữa ĐH Quốc gia và hệ thống đại học trên địa bàn TP để xác định cung - cầu nguồn nhân lực, định hướng nội dung, ngành nghề đào tạo, hỗ trợ chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài.

Về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị TP, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: TP đang trong quá trình chuyển chất để đi lên thành một TP công nghiệp và dịch vụ có tầm cỡ và ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á; TP cũng đang đề nghị Trung ương cho triển khai mô hình chính quyền đô thị. Điều này đòi hỏi TP phải có một đội ngũ cán bộ quản lý, một nguồn nhân lực có đạo đức, chuyên nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp cao.

“Đối với đội ngũ này, không chỉ yêu cầu về các bằng cấp đào tạo chính quy, mà cần thiết phải có một quá trình rèn luyện, đào tạo, nhất là đào tạo về nghề nghiệp chuyên sâu, những kỹ năng nghề nghiệp thực tế từ các trường đào tạo nghề nghiệp. Tôi đề nghị cần nghiên cứu chương trình đào tạo bổ sung cho nhu cầu này. Đây là một yêu cầu quan trọng cho việc thành công hay không khi chúng ta triển khai mô hình quản lý chính quyền đô thị” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ rõ.

LYNH VY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI