Tôi không tin vào các danh hiệu

22/03/2015 - 12:01

PNO - PN - Thú thật là tôi không dám xem clip nữ sinh đánh hội đồng bạn. Tôi sợ là tôi sẽ không chịu nổi. Vì chỉ theo dõi tin tức qua những bài báo, tôi đã thấy ngộp thở. Trong các bài viết (của rất nhiều tờ báo) tôi thấy có một câu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Toi khong tin vao cac danh hieu

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Khá giỏi là gì cơ chứ? Tôi chắc rằng rất nhiều người trong chúng ta biết thực chất của danh hiệu khá, giỏi là gì. Trừ một số em khá giỏi thật sự, không ít em khi nhận danh hiệu khá hoặc giỏi đã gây ngỡ ngàng cho cha mẹ và chính các em cũng không khỏi bất ngờ.

Năm ngoái, lớp của con tôi có 39 học sinh giỏi trên sĩ số 44 em, 4 em học sinh khá. Một em kém ở lại lớp (em này bị chậm phát triển và được ở lại lớp theo nguyện vọng của phụ huynh). Cả lớp không có học sinh nào trung bình.

Tôi có một cô bé hàng xóm năm ngoái học lớp 6. Học lực theo lời mẹ em thì rất tệ. Văn luôn bị thầy phê “nghèo nàn ý tưởng”. Thậm chí mẹ là người thân thiết nhất, lúc nào cũng ở cạnh nhưng bài văn tả mẹ, em chỉ viết được vài câu. Toán thì thầy luôn góp ý “phải đi học thêm” vì em bị mất căn bản nặng (nhưng em không đi vì không thích học).

Thế nhưng, cuối năm học lại nghe mẹ em phấn khởi khoe em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến: “Mừng muốn chết!”.

Ngày xưa khi tôi đi học, cả lớp chỉ có 3 người đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thêm vài người khá. Số đông còn lại là trung bình và kém. Ai muốn đạt danh hiệu khá - giỏi, phải cố gắng thật sự chứ không như bây giờ, khá giỏi lúc nào cũng đông như kiến.

Và ngày đó, danh hiệu học sinh giỏi luôn là một bảo chứng cho hạnh kiểm tốt. Bởi ai hạnh kiểm xấu thì dù có học giỏi cũng không được duyệt xét.
Chức vụ lớp trưởng cũng thế. Cô giáo cho chúng tôi tự bầu ra, không những lớp trưởng mà còn tất cả các bạn trong ban cán sự lớp. Chúng tôi bầu ra những bạn học giỏi, có uy tín và tất nhiên là chúng tôi nghe lời các bạn ấy răm rắp khi cô rời khỏi lớp.

Còn đội Thiếu niên tiền phong, không phải ai cũng dễ dàng trở thành đội viên. Chúng tôi phải tham dự lớp đối tượng đội. Phải học chính trị, phải hiểu được giá trị của chiếc khăn quàng đỏ và phải phấn đấu rất nhiều. Thời ấy, khăn quàng đỏ trên vai luôn là một dấu hiệu để mọi người nhận ra một em bé ngoan, tin tưởng được và sẽ sẵn lòng giúp đỡ mọi người khi cần thiết.

Bây giờ thì lạm phát khăn quàng đỏ mất rồi. Em nào cũng được đeo, em nào cũng là đội viên, mà tôi chắc có rất nhiều em không hiểu gì về ý nghĩa và giá trị của chiếc khăn quàng mình mang trên vai cũng như trách nhiệm của người mang nó.

Toi khong tin vao cac danh hieu

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Lớp trưởng và ban cán sự lớp bây giờ cũng không căn cứ trên học lực, hạnh kiểm và uy tín cá nhân nữa, mà do cô giáo chỉ định. Và có trời mới biết các cô chọn theo tiêu chí nào.

Tôi đã từng rất bất ngờ khi biết cô hàng xóm chuyên nhờ tôi viết đơn từ, nhãn vở và sổ liên lạc cho con lại được cô giáo nhờ làm hội trưởng hội phụ huynh của lớp. Và con của cô ấy - chỉ được một ưu điểm duy nhất là cao to - được cô giáo chỉ định làm lớp trưởng.

Rồi cứ mỗi kỳ thi, cô giáo lại chuyển chỗ thằng bé xuống tận cuối lớp để trong giờ thi đọc tiếng Việt, thằng bé có thêm vài phút lẩm nhẩm ôn bài trong khi các bạn khác đang phải lần lượt thi phía trên.

Vì những thực trạng trên, tôi đã không thắc mắc tại sao cầm đầu nhóm đánh bạn là lớp trưởng. Tôi đã không thắc mắc tại sao những em khá giỏi và vai đeo khăn quàng đỏ lại có thể đánh hội đồng bạn mình một cách dã man đến thế.

Các danh hiệu, xét cho cùng đều chẳng có thể bảo đảm cho một em học sinh ngoan và được dạy dỗ cẩn thận. Bởi, rõ ràng các em ngoan hay không ngoan, giỏi hay không giỏi, không tùy thuộc vào các danh hiệu ấy. Vì thực chất mọi danh hiệu chỉ là những chiếc áo đẹp người lớn khoác lên các em một cách vô tội vạ, vì những mục đích của họ.

Nhưng tôi thấy đau. Đau thật sự. Người lớn, bằng cách này hay cách khác, đã làm hư các em rồi.

Cây nghiêng bên nào sẽ ngã về bên đó.Trong nhà trường đã thế, lớn lên bước ra ngoài xã hội rồi các em sẽ trở thành người như thế nào?

Để đào tạo nên một học sinh ngoan, giỏi, ai cũng biết, cần phải có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội (tất nhiên cả nỗ lực bản thân các em). Điều đó bây giờ thật khó.

Nhưng tôi mong có một ngày, những người có trách nhiệm sẽ nhìn lại và chấn chỉnh nhiều thứ, để khi gặp một em bé vai mang khăn quàng đỏ, là học sinh giỏi, là lớp trưởng, chúng ta có thể tin tưởng và tự hào về một công dân tốt và có trách nhiệm với xã hội sau này.

Trong khi chờ đợi ước mơ của mình thành sự thật, tôi chỉ biết “tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng cách cố gắng tạo cho con niềm tin gia đình là chỗ dựa bình an nhất, để con có chuyện gì, dù vui hay buồn, cũng có thể nói ra được với cha mẹ một cách thoải mái, không lo sợ. Có như thế, người lớn mới có thể can thiệp kịp thời khi điều xấu (hoặc mầm mống điều xấu) xảy ra với con mình.

Tôi vẫn còn đang cố gắng.

GIA THIÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI