Tỏa sáng tài năng trẻ

04/01/2015 - 07:31

PNO - PN - “Các em bằng hành động và cuộc sống đã thể hiện những đặc trưng tiêu biểu của thế hệ trẻ mà Đảng ta, nhân dân ta kỳ vọng xây dựng: có lòng yêu thương người, mong muốn mang lại cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho nhân dân,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáu gương mặt được Thành Đoàn TP.HCM tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2014” gồm Lê Yên Thanh (sinh viên khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), tiến sĩ Trần Hữu Lộc (giảng viên khoa thủy sản ĐH Nông lâm TP.HCM), Tạ Thùy Chi (phó ban quản lý nhà hát thực nghiệm Trường trung cấp Múa TP.HCM (Bộ VH-TT-DL), Nguyễn Thế Tiến (trinh sát đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM), Trần Quốc Tuyên (tổ trưởng tổ bảo trì phân xưởng mì Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Q.12) và Lê Thị Thanh Vân (Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM). Báo Phụ Nữ xin được giới thiệu bốn trong số sáu gương mặt nói trên.

Toa sang tai nang tre

Hết lòng với người khuyết tật

Tại lễ tuyên dương, khi được người dẫn chương trình giới thiệu lên sân khấu nhận bằng khen, huy hiệu thành phố, Lê Thị Thanh Vân, SN 1986 (Trưởng phòng tổ chức - hành chính - bảo trợ Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) đã không giấu được xúc động, chị gửi lời cảm ơn tới những người đã hỗ trợ mình hoàn thành tốt công việc.

Trong quá trình làm việc ở trung tâm, Vân luôn trăn trở một điều “người bình thường, lành lặn kiếm việc đã khó huống chi người khuyết tật”, nên đã tìm mọi cách để giúp đỡ các bạn. Là một cán bộ với chức năng và vai trò vận động các nguồn lực hỗ trợ, tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng tìm việc làm cho người tàn tật, Thanh Vân đã chủ động liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp để khảo sát tình hình học viên (HV) được giới thiệu, từ đó tham mưu chương trình cho phù hợp để HV có thể đáp ứng nhu cầu của các đơn vị.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Vân đã vận động tiền mặt và hàng hóa với tổng giá trị 886.605.000đ để tổ chức các chương trình cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Vân đã cùng đồng nghiệp chăm lo tốt bữa ăn hàng ngày cho 14.747 lượt HV, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho 245 lượt HV.

Toa sang tai nang tre

Thanh Vân và mẹ - ảnh: Phùng Huy

Anh Ngô Nam Hồng, một HV của trung tâm chia sẻ: “Với sự giúp đỡ tận tình của cô Vân và các thầy cô trong trung tâm, tôi không những được chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần mà còn được giới thiệu học nghề. Hiện tôi đã có nghề và có việc làm ổn định, tôi xin cảm ơn cô Vân và các cán bộ ở trung tâm”.

Chia sẻ niềm vui với con gái, bà Đào Thị Thành (mẹ Vân) xúc động nói: “Vân là con thứ tư trong gia đình, hồi nhỏ cuộc sống của Vân rất cực nên khi lớn lên, trong cuộc sống cũng như trong công việc, Vân luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Tôi mong con ngày càng trưởng thành và giúp ích cho xã hội nhiều hơn nữa".

Anh công nhân “say” nghề, mê sáng tạo

8 giờ tối, chưa kịp dắt xe vào nhà, nhận được tin giây chuyền sản xuất mì có sự cố, anh Trần Quốc Tuyên (SN 1988), tổ trưởng phân xưởng cơ điện, Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (CT Thiên Hương) Q.12 vội vã quay xe trở lại CT. Giải quyết xong sự cố, anh mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi.

Gần sáu năm công tác ở CT Thiên Hương, dù xuất phát chỉ là công nhân (tốt nghiệp khoa cơ khí động lực, ngành công nghiệp ô tô Trường cao đẳng nghề giao thông vận tải T.Ư3 - một ngành không liên quan đến công việc đang làm) nhưng anh Tuyên đã có gần chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi hàng tỷ đồng cho CT và nâng cao năng suất cho người lao động.

Toa sang tai nang tre

Anh Trần Quốc Tuyên

Một trong những sáng kiến tâm đắc nhất của anh là chế tạo xe đẩy hấp bún, tiết kiệm cho CT gần 680 triệu đồng. Trước đây, CT Thiên Hương thường phải nhập xe đẩy hấp bún từ nước ngoài với giá 1.500USD/chiếc. Thấy kết cấu xe rất đơn giản, anh Tuyên nghĩ tại sao mình không làm thử. Nghĩ là làm, cuối năm 2013, sau khi tính toán vật tư, đưa giá thành sản xuất xe chỉ còn 8,5 triệu đồng/chiếc. Được ban giám đốc duyệt, anh đã mất nửa tháng đi tìm phụ tùng. “Tôi phải đi tìm từng khung sườn xe, bánh xe chịu nhiệt, thử lên thử xuống vài chục lần. Suốt thời gian chế tạo xe, phải làm việc đến 9-10g đêm là chuyện bình thường. Có lúc tưởng đã thất bại, nhưng tôi tự nhủ không thể đầu hàng nên tiếp tục mày mò và đầu năm 2014 đã thành công. Hiện xe đẩy hấp bún đã hoạt động, xe chạy tốt, kiểu dáng đẹp, cơ động hơn và đặc biệt CT không phải tốn nhiều tiền nhập loại xe này nữa”, anh Tuyên phấn khởi.

Ngoài xe đẩy hấp bún, anh Tuyên còn mày mò chế tạo dây chuyền cháo công nghệ mới, giúp CT tiết kiệm hơn 200 triệu đồng. Không những thế, anh còn được biết đến với cải tiến dàn chén mì vắt vuông, sáng kiến này giúp CT tiết kiệm được hơn 199 triệu đồng, tạo điều kiện cho anh em tăng ca và tăng thêm thu nhập; cải tiến máy cắt giấy, tiết kiệm cho CT hơn 78 triệu đồng; chế tạo khuôn đùn bún, tiết kiệm được 91 triệu đồng.

Tiến sĩ trẻ duyên nợ với… tôm

Nhanh nhẹn, vui tính và rất thân thiện, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Trần Hữu Lộc (30 tuổi) - tiến sĩ (TS), giảng viên trẻ nhất của Khoa Thủy sản, trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TP.HCM. Nhìn anh, không ai nghĩ một người sang Mỹ làm nghiên cứu sinh lại có thể xắn quần lặn lội xuống các đìa tôm, dầm mưa dãi nắng cùng những người dân chân lấm tay bùn để nghiên cứu tìm ra các loại bệnh của tôm, giúp bà con thu được lợi nhuận cao.

Năm 2002, Lộc thi vào ngành nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông Lâm TP.HCM. Năm 2006, ra trường chưa có việc làm, anh đi xuống các vùng ngoại thành để tìm hiểu cách nuôi trồng thủy sản của bà con. Tiếp xúc với những người dân chuyên nuôi tôm, Lộc bắt đầu đặt ra những câu hỏi: Tại sao người dân bỏ ra cả tỷ đồng nuôi tôm, quanh năm vất vả nhưng tôm bị bệnh chết hàng loạt lại trở thành trắng tay? Tại sao mình không nghiên cứu về bệnh của tôm để người dân có hướng đi mới? Ý nghĩ làm gì để giúp đỡ bà con thu được lợi nhuận cao từ tôm luôn canh cánh bên anh. Sau những chuyến “thực địa” ấy, năm 2007, Lộc may mắn được trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhận vào làm việc, suốt thời gian ở trường, anh luôn cặm cụi tra tìm tài liệu về bệnh học thủy sản.

Toa sang tai nang tre

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc

Để trau dồi thêm kiến thức, trong quá trình làm việc Lộc đã nộp đơn xin học bổng nhiều nơi và liên lạc với giáo sư của nhiều trường ĐH ở Mỹ. Cùng lúc Lộc được nhận nhiều suất học bổng ở châu Âu, năm 2010, anh chọn sang Mỹ học TS ở trường ĐH Arizona chuyên ngành vi sinh và bệnh học trên tôm.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Mỹ, ngành nuôi tôm của Việt Nam và các nước Đông Nam Á xuất hiện một dịch bệnh lạ. Dịch bệnh này có tên Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay còn gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) chưa hề được ghi nhận và gây hậu quả rất nặng nề cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam. Chính vì vậy, Lộc quyết định thực hiện đề tài tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục dịch bệnh cho luận án TS của mình. Sau gần ba năm nghiên cứu, Lộc đã xác định được nguyên nhân của EMS/AHPNS và là tác giả chính thức công bố nguyên nhân của dịch bệnh này trên tạp chí chuyên ngành hàng đầu về lĩnh vực bệnh học Diseasis of Aquatic Organisms, đồng thời anh đã bảo vệ thành công luận án TS trong năm 2013.

“Thế giới gần như bất lực sau vài năm nghiên cứu nguyên nhân của dịch bệnh lạ này. Tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn. Có khi 5 giờ sáng tôi đã phải đi làm, đến các trại thực nghiệm hoàn thành công việc nghiên cứu một cách chuẩn xác rồi lại về trường học khi quần áo vẫn còn ướt. Học xong, tôi lại vào phòng thí nghiệm nghiên cứu tiếp, chiều đến hai trại thực nghiệm rồi lại quay lại trường làm việc tới khuya. Có ngày tôi làm việc đến 18 tiếng hoặc hơn là bình thường”. Lộc chia sẻ.

Về nước ngay khi bảo vệ thành công luận án TS đồng nghĩa với việc Lộc khước từ không ít lời mời làm việc ở nước ngoài. Hỏi anh sao lại về nước, anh cười hóm hỉnh “đi là để trở về, những nghiên cứu về bệnh lý của tôm trong đề tài TS của tôi dĩ nhiên ở Mỹ cũng cần nhưng nhiều nhà nông Việt Nam còn cần hơn và tôi muốn được giúp họ”.

Khắc tinh của tội phạm

29 tuổi, sáu năm công tác trong ngành, với niềm đam mê nghề nghiệp, thượng úy Nguyễn Thế Tiến - trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP.HCM đã cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc trong phòng, chống và truy bắt tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Những tháng ngày làm lính trinh sát, rong ruổi trên các nẻo đường để truy tìm tội phạm, được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo và đồng nghiệp, Tiến ngày càng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm. Từ tháng 3/2009 đến nay, Tiến đã trực tiếp và tham gia cùng đồng đội khám phá thành công hơn 150 vụ án hình sự, bắt giữ hơn 1.400 đối tượng, qua đó đã khám phá 16 chuyên án, triệt phá 532 băng nhóm, bắt giữ 1.230 đối tượng.

Toa sang tai nang tre

Thượng úy Nguyễn Thế Tiến

Trinh sát hình sự sống ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Tiến cùng đồng đội, những người cùng nhau đội nắng dầm mưa theo dấu tội phạm, có khi ăn dầm nằm dề ngày này tháng nọ, tỉnh này qua tỉnh khác để theo một chuyên án nào đó. Không chỉ phá án ngoài đường, Tiến còn phá án trên... facebook.

Nữ sinh viên ĐH Văn Lang bị giật giỏ xách về kể lại trên facebook với ba chi tiết: tên cướp mặc áo mưa, đi xe SH màu vàng chanh và biển số xe có một số 3 thì Tiến quyết tâm phá án. Chín giờ sau khi án xảy ra, Tiến đã tìm đến tận nhà tên cướp nhưng hắn chối, mẹ tên cướp còn đòi thưa kiện vì nhà giàu và con bà có chứng cứ ngoại phạm. Tuy nhiên, bằng vài câu hỏi nghiệp vụ, tên cướp đã cúi đầu nhận tội, tang vật được thu hồi trả cho nạn nhân.

Công việc của cảnh sát hình sự đặc nhiệm rất vất vả, nguy hiểm. Năm ngoái vào đúng thời điểm này, khi Tiến cùng đồng đội đang làm chuyên án ở An Giang thì nghe tin bố hấp hối nhưng lúc đó anh không thể về được. Nhắc đến gia đình Tiến bộc bạch: “Gia đình tôi rất thông cảm và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôi công tác”. Thành tích đạt được khá nhiều, nhưng khi được hỏi, Tiến chỉ khiêm tốn nói đó là thành tích chung của đơn vị.

 QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI