Tính mạng nguy kịch vì 'nuôi' đinh trong người

02/02/2015 - 16:43

PNO - PN - Nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng, thậm chí suýt bỏ mạng do để đinh, ốc vít quá lâu trong cơ thể mà không lấy ra theo lời dặn bác sĩ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đinh “chạy” từ cổ xuống… tim

Nằm dặt dẹo trên giường bệnh sau năm ngày được các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM mổ cấp cứu lấy hai cây đinh đâm vào tim, bệnh nhân Nguyễn Quốc Việt (51 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) thều thào: “Đã sống rồi! Vậy mà cả nhà tôi và nhiều BS tưởng không qua khỏi”.

Vợ ông Việt kể: “Cách đây hai năm, ở cổ bên trái của ổng có một cục u nhô lên. Khi đi khám ở một bệnh viện lớn, vị BS điều trị nói chồng tôi bị trật khớp ức đòn nằm ở cổ và khuyên nên mổ. Dù không có tiền nhưng vợ chồng tôi cũng chạy vạy được hơn tám triệu đồng cho ca mổ. Lúc mới mổ, thấy trên cổ có hai cục sắt u lên, thốn dữ lắm nhưng một tháng sau thì lặn mất tiêu. Cách đây một tuần, ổng bị đau bụng, ăn được vài muỗng cơm lại đau, tôi nghĩ ổng bị ngộ độc lòng heo mới nhậu tối hôm trước.

Nửa ngày sau, triệu chứng đau đột ngột dừng hẳn nhưng đến sáng hôm sau, vừa uống ly cà phê vào là ổng khó thở. Đưa đến BV Q.Bình Tân thì các BS nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim và sợ không qua khỏi, phải chuyển gấp qua BV Chợ Rẫy. Một giờ sau khi nhập viện, BS thông báo chồng tôi bị nhiễm trùng máu nhưng lúc này vẫn chưa biết có đinh vít ở tim. Vừa cầm tấm phim lên, sáu bảy BS cùng xem vì thấy vật lạ liền gọi tôi vô hỏi chồng tôi từng bị té hay trước đây có mổ xẻ hay không. Lúc đó BS mới xác định ổng bị hai cây đinh đang ép vào tim”.

TS-BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Lồng ngực, BV Chợ Rẫy cho biết: “Trước đây bệnh nhân Việt điều trị tổn thương khớp ức đòn và được một cơ sở gắn ba cây đinh vào để xuyên xương đòn. Thế nhưng, khi chúng tôi cầm kết quả bệnh trên tay thì nhận thấy, hai cây đinh đã “trôi” vào lồng ngực, chọc vào màng tim và gốc của động mạch phổi, gây tràn máu màng ngoài tim cấp phải mổ khẩn. Ngoài ra, còn một cây đinh “chạy” ngược lên cổ nhưng chưa gây nguy hiểm”.

Ngay vị trí thủng rách cơ tim gây chảy máu, BS đã khâu lại màng tim, màng phổi, mạch máu. Đây là một ca cấp cứu rất khó và bất ngờ nhưng đã qua được cơn nguy kịch, đang được theo dõi điều trị tiếp. Nếu bệnh nhân nhập viện trễ thì tim sẽ bị chèn ép tử vong ngay, may mắn trước đó đã được tuyến dưới cấp cứu nội tim mạch. Ứa nước mắt, vợ ông Việt mừng: “Từ trước giờ có khi nào nghe ốc vít nó chạy trong người đâu! BS cũng có kêu tái khám sau sáu tháng nhưng ổng không đi khám vì thiếu tiền”.

Mới đây, BV Nhân dân 115 TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân nữ C.M.D. 45 tuổi bị một cây đinh chạy từ khớp háng lên ổ bụng. Trước đó, bệnh nhân này bị trật khớp háng nặng nên BS bắn hai cây đinh vào để cố định tạm thời, đến khi phần mềm ổn định sẽ rút đinh ra. Bà D. được hẹn bốn tuần sau trở lại tái khám, thế nhưng đến bảy tháng sau bà mới trở lại điều trị vì một bệnh lý khác.

Vô tình nhìn vào kết quả chụp phim, các BS phát hiện cây đinh di chuyển từ khớp háng lên ổ bụng của bệnh nhân. Ngay lập tức, bệnh nhân được mổ để lấy đinh ra với chi phí đến 15 triệu đồng cho cuộc phẫu thuật; trong khi nếu lấy đinh đúng hẹn chỉ tốn khoảng ba triệu đồng. Theo các BS, bà D. may mắn vì được phát hiện sớm, nếu trễ hơn thì đinh có thể gây thủng ruột, nguy hiểm đến tính mạng.

Tinh mang nguy kich vi 'nuoi' dinh trong nguoi

Bệnh nhân Nguyễn Quốc Việt đang dần hồi phục sau ca phẫu thuật khẩn cấp

Đinh, vít để luôn trong người rất ít

BS Vũ Hữu Vĩnh khuyến cáo: Hầu hết các dụng cụ hiện nay chỉ để tạm thời một thời gian rồi lấy ra, rất ít dụng cụ được đặt vĩnh viễn như: khớp háng, khớp gối nhân tạo, những đinh vít đặt vào cột sống để tạo lực cho cơ thể…

Nhưng dù dụng cụ gắn vào tạm thời hay vĩnh viễn cũng phải khám đúng chỉ định của BS vì thực tế có những trường hợp đinh ốc vít đi lệch khỏi vị trí cũ, dễ gây nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt là đinh cố định các đầu xương, nhất là quanh lồng ngực có thể “tấn công” vào lồng ngực gây thủng tim, phổi, mạch máu lớn, đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh.

Còn nếu các đinh vít này đặt ở tứ chi có thể di chuyển chọc vào mạch máu. Người bệnh không được xử lý kịp thời có thể bị hoại tử vùng chi do mạch máu này chi phối, dẫn tới cắt cụt chi. Sau khi được cố định đinh nẹp, ốc vít… người bệnh thường được hẹn tái khám sau vài tuần đến vài năm, tùy theo bệnh.

Điển hình như những trường hợp đặt đinh trong điều trị gãy xương đòn, nâng ngực lõm hay đặt vít để cố định xương ức, xương sườn… buộc phải tái khám đúng hẹn. Ví dụ như điều trị gãy xương đòn có thể quy định sáu tháng phải rút đinh ra. Hay đinh gắn vào xương ức dù để vĩnh viễn cũng nên đi tái khám. Hoặc các dụng cụ cố định xương gãy sau khi xương đã lành thì có thể lấy ra nhưng cũng có khi để vĩnh viễn tùy vào chỉ định BS.

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP.HCM giải thích: Về nguyên tắc, những nẹp vít dùng trong các trường hợp gãy xương, đinh đóng vào trong tủy, hay vật liệu khớp nhân tạo gắn vào trong cơ thể… đều được kiểm định. Tuy nhiên, khi các dụng cụ này gắn vào xương mà khiến vết mổ bị rò dịch, chảy mủ, nhiễm trùng… thì nên lấy ra để loại trừ nguyên nhân gây viêm xương.

Biểu hiện của xương bị viêm là sốt, đau nhức nhiều. Hoặc có trường hợp vít, ốc, đinh bị bung, để lộ dưới da hay trồi ra dưới mông nên ngồi khó chịu, cũng nên lấy ra. Những trường hợp chỉ cố định tạm để chờ vết thương lành như: nắn trật khớp háng, khớp gối, khớp vai; những ca gãy xương phức tạp cần cố định tạm để chuẩn bị can thiệp cho cuộc phẫu thuật lần hai... đều phải lấy đinh ốc ra sau đó.

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI