Tín hiệu lạc quan từ những mô hình

13/04/2013 - 16:09

PNO - PN - Năm 2012, Hội LHPN TP đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều mô hình thí điểm, ba trong số các mô hình đó là: mô hình câu lạc bộ (CLB) Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội, mô hình Tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi...

Tin vui từ CLB Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội là mô hình đã triển khai ở 24 quận/huyện Hội, gồm 444 gia đình với hơn 1.450 thành viên. Chị Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.3, TP.HCM chia sẻ: “Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức sinh hoạt CLB với chủ đề thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, những biện pháp phòng ngừa các thủ đoạn của bọn tội phạm. Chương trình thu hút sự quan tâm của các thành viên trong và ngoài CLB. Hiện, mô hình đã ra mắt ở 13/14 phường Hội, điểm còn lại sẽ được triển khai trong tháng 4/2013”.

Các nội dung sinh hoạt CLB chủ yếu tập trung thông tin tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…; tổ chức các chuyên đề như: cùng con vượt qua mặc cảm, cảnh giác hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới…

Nhiều đại biểu đã góp ý sôi nổi về mô hình Tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni lông. Theo kế hoạch của Hội LHPN TP, mỗi phường/xã chọn một điểm là chợ hoặc một tuyến đường có nhiều cửa hàng bán lẻ để tuyên truyền, vận động tiểu thương hoặc chủ cửa hàng sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường. Mô hình nhanh chóng được hưởng ứng mạnh mẽ bởi ai cũng thấy lợi ích mô hình đang hướng đến, đã có 322/322 phường xã triển khai thực hiện.

Tin hieu lac quan tu nhung mo hinh

Mô hình túi giấy tặng tiểu thương của Hội PN P.5, Q.5 đang phát huy hiệu quả tích cực tại cộng đồng

Tuy nhiên, theo chị Lê Kim Tự - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.1, TP.HCM, việc thực hiện mô hình này còn gặp không ít khó khăn, bởi nhà cung cấp các loại túi thân thiện chưa mở rộng tiếp thị, sản phẩm chưa có nhiều kích cỡ phù hợp với người tiêu dùng. Còn chị Đặng Thọ Nhật - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp, TP.HCM thì cho biết, Quận Hội đã liên lạc với nhiều nhà cung cấp các sản phẩm túi tự hủy, túi thân thiện, nhưng thiếu nguồn hàng để cung ứng cho thị trường.

Đối tượng của mô hình Hỗ trợ phụ nữ có nhu cầu hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng là các phụ nữ hành nghề mại dâm hoàn lương từ Trung tâm Giáo dục - lao động - xã hội Phú Nghĩa trở về địa phương, có địa chỉ thường trú tại TP và giáo dục viên đồng đẳng có nhu cầu học nghề. Hiện, có chín chị hoàn lương theo học các lớp đào tạo kỹ năng như trang điểm, uốn tóc, kết hoa…. Sau khóa học, các chị được Hội LHPN TP giới thiệu, tư vấn, định hướng việc làm.

Một chị ở Q.Bình Thạnh đang theo học khóa trang điểm cho biết: “Chương trình của Hội PN đã giúp chúng tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được hỗ trợ học nghề (hai triệu đồng/người) mà không được hỗ trợ kinh phí mua dụng cụ học nghề; trong khi các nghề như trang điểm, cắt uốn tóc, làm móng… dụng cụ học rất đắt, khoảng 1,6 triệu đồng trở lên”. Khó khăn này cũng đã được Thành Hội tháo gỡ bằng cách tạm ứng kinh phí để các chị được tiếp tục hoàn thành khóa học. Sắp tới, Thành Hội cũng sẽ tạo điều kiện cho các chị được tham gia nhóm tín dụng tiết kiệm để được vay vốn làm ăn.

Bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP đề nghị: “Từ kết quả của những mô hình đang triển khai, Hội LHPN TP và các cấp Hội cần sâu sát, tạo điều kiện để chị em phụ nữ được tiếp cận, phát huy tối đa hiệu quả từ các mô hình đem lại. Bên cạnh đó, cán bộ Hội và lực lượng tuyên truyền viên phải kết hợp chặt chẽ, nắm bắt dư luận xã hội để phản ánh kịp thời những vấn đề trọng tâm của phụ nữ trong từng thời điểm đến Hội LHPN TP”.

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI