Tiểu thuyết đàn bà

22/09/2013 - 19:54

PNO - PNCN - Tiểu thuyết đàn bà là nhan đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lý Lan. Bìa sách ghi rõ ràng vậy, nhưng vẫn có nhiều người nhầm lẫn đây là cuốn tiểu thuyết có tựa Đàn bà.

edf40wrjww2tblPage:Content

 1. Thực ra, nhà văn Lý Lan đã có dụng ý khi cài đặt chữ “tiểu thuyết” trong “tiểu thuyết”. Ở đây, tiểu thuyết vừa là một thể loại văn chương vừa là danh từ để chỉ sự phân biệt giữa “đại thuyết” và “trung thuyết”. Theo văn học cổ đại Trung Hoa thì “đại thuyết” là những cuốn sách lớn, kiểu khuôn vàng thước ngọc, cỡ như Kinh Thư, Kinh Thi. Còn “trung thuyết” chỉ những cuốn sách tầm cỡ vừa, do các sử gia viết. Cỡ như Sử ký Tư Mã Thiên thì được gọi là “trung thuyết”. Còn “tiểu thuyết” để chỉ những chuyện vụn vặt đời thường, như Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng...

Tieu thuyet dan ba

Cứ theo cách phân định đó thì Tiểu thuyết đàn bà, tức những chuyện vụn vặt của thế giới đàn bà. Chủ ý và cũng là cách chơi chữ của nhà văn Lý Lan vậy.

2. Lan man chuyện chữ nghĩa, chợt nhận ra rằng “tiểu thuyết đàn bà” không hề là những chuyện nhỏ, chuyện vặt, chuyện bếp núc, chuyện xó nhà… Mà, chuyện đàn bà, dẫu bé nhỏ vẫn khiến chúng ta có những cơn xúc động lớn. Vậy thì chuyện nhỏ mà không nhỏ vậy.

Để hầu quý bạn đọc, tôi xin kể một câu chuyện không chút hư cấu. Chuyện về mấy người đàn bà.

Người đàn bà thứ nhất.

Việc đầu tiên khi gặp tôi là chị chìa mấy ngón tay của bàn tay phải ra. Những ngón tay bị cắn cứa đầy vết sẹo. Chị bắt đầu kể: “Sau khi thằng con trai hiếu thảo bị tai nạn giao thông qua đời, em gái tôi chỉ muốn chết, nó đã nhiều lần cắn lưỡi, nhưng tôi kịp thời can ngăn. Những vết thẹo của bàn tay mà chú thấy là do em tôi cắn”… Chị vừa kể vừa kéo vạt áo chặm nước mắt.

Người đàn bà thứ hai.

Chị không nói gì, cũng không biểu lộ gì, dù tôi đang ngồi đối diện với chị. Câu chuyện của chị được kể qua lời của anh chồng.

Hai vợ chồng nghèo đều cùng quê Quảng Ngãi. Khoảng năm 1980, họ cùng gia đình đi kinh tế mới vào vùng Đạm Ri (Đạ Huoai - Lâm Đồng). Năm 1990 họ cưới nhau. Năm 1991 sinh đứa con trai đầu lòng. Năm 1993 sinh thêm cậu con trai nữa. Cả hai đều ngoan hiền, học giỏi. Họ sống hạnh phúc, chỉ khổ tội nghèo. Chồng phụ hồ, vợ hái tiêu thuê. Cách đây năm năm, khi những ngày giáp Tết gần kề thì anh chồng bỗng lăn ra bệnh, chị cũng không được khỏe nhưng vẫn phải ráng làm. Hôm đó, chị đang đứng trên chiếc thang cao bốn mét thì xây xẩm ngã nhào xuống. Kết quả, chị gãy đốt sống cổ số 6, dập tủy, bị liệt tứ chi vĩnh viễn.

Tháng 3/2013, người con trai thứ hai của chị đang trên đường đi lấy tiền bốc vác thuê về thì bị một xe du lịch gây tai nạn và mất sau đó một ngày. Đây là người con mà chị rất thương yêu vì đã thay người anh (đi học đại học ở TP.HCM) và thay cha chăm sóc mẹ. Thế mà tai nạn lại cướp em đi. Nghĩ tới con, chị chỉ muốn chết, nhưng vì bị liệt tứ chi, chị không biết làm gì hơn là cắn lưỡi.

Người đàn bà thứ ba.

Đó là người tôi chưa gặp và cũng không muốn gặp. Bởi, tôi không thể hình dung cuộc trò chuyện giữa chúng tôi sẽ như thế nào.

Người đàn bà thứ ba này được gọi là “bạn gái” của chồng. Nghĩa là sau khi vợ bị nằm liệt giường, người chồng đã có “bạn gái”. Gia đình bên vợ chấp nhận điều đó, như một sự “bù lỗ” vào sự “thua thiệt” của anh chồng. Tôi không dám phán xét anh chồng, vì mình chưa từng ở hoàn cảnh tương tự. Nhưng quả thật, tôi đã không ngừng nghĩ về chuyện đó.

Điều đáng nói ở đây là bây giờ “bạn gái” của chồng đã trở thành người chăm sóc cho vợ của chồng. Ở nơi hẻo lánh đó khó tìm người giúp việc và cũng không ai thích nuôi một người bị liệt tứ chi. Người thân trong gia đình thì ai nấy đều tất bật mưu sinh. Thế là “bạn gái” của chồng thành “Ôsin” nhà chồng. Tuy nhiên, chị ấy không làm không công mà nhận lương hằng tháng hẳn hoi.

“Tiểu thuyết đàn bà” của tôi xin được tóm tắt vậy. Còn lại những luận bàn, xin nhường cho độc giả, đặc biệt là độc giả đàn bà. 

Trần Nhã Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI