Tiền trường đầu năm: Biến tướng lạm thu

26/09/2013 - 10:48

PNO - PN - Sau những buổi họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm học 2013-2014, nghe giáo viên thông báo các khoản thu, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng nhiều PHHS cũng choáng váng. Lạm thu đang diễn ra ở các trường học với muôn hình vạn trạng, muôn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tien truong dau nam: Bien tuong lam thu

Các khoản lạm thu là nỗi lo của nhiều phụ huynh - Ảnh: P.Huy

Đóng cả tiền “chất đốt”

Một PH có con vào lớp 1 Trường tiểu học (TH) Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bức xúc: “Vừa rồi tôi đi họp PH, cô chủ nhiệm đưa ra gợi ý đóng góp rất nhiều khoản: sơn sửa lớp học, mua đèn, quạt, ti vi,… khoảng một triệu đồng. Dù nói là tự nguyện nhưng thực sự là bắt buộc vì tôi thấy lớp nào trong khối 1 cũng đóng số tiền như vậy. Tôi không nghĩ đây là khoản tự nguyện do PH đặt ra. Thử hỏi, mới ngày đầu đi họp, làm sao thống nhất được mức thu như vậy? Có chăng đây là sự sắp đặt của nhà trường nhưng núp bóng PH và tự nguyện. Mặc dù không muốn đóng góp nhưng tôi không dám lên tiếng vì sợ con mình bị ảnh hưởng. Không riêng gì tôi, nhiều PH đều có tâm trạng như vậy. Số tiền đóng góp gần một triệu đồng/HS sẽ đi đâu? Hiện tại bóng đèn, quạt, bàn ghế,… trong phòng học các cháu vẫn còn tốt. Không lẽ nhà trường bỏ toàn bộ để làm mới?".

Tại Bình Dương, nhiều PHHS của Trường TH Đông An (Dĩ An) ngỡ ngàng khi cầm phiếu thông báo đóng tiền ăn và tiền học buổi chiều cho con. Theo họ, phần lớn HS của trường đều là con em công nhân nên việc trường thu hai khoản cả triệu đồng một lần là quá cao, chưa kể có nhiều khoản rất lạ, như bảng thông báo ghi rõ tiền ăn tháng 8+9 là 540.000đ (lớp 1), các lớp còn lại là 570.000đ; tiền học buổi chiều là 150.000đ; dụng cụ vệ sinh cá nhân và chất đốt là 68.000đ; quản lý trưa là 150.000đ; cấp dưỡng phục vụ là 68.000đ; tiền vệ sinh là 15.000đ.

Mới đây, một PH lớp 2 Trường TH Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) phản ánh: "Không biết chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT học theo chuẩn nào mà nhà trường vừa yêu cầu mua sách Family and Friends lại phải tậu thêm hai quyển UK English theo chương trình Phonics. Tiền mua sách thì không nhiều nhưng trẻ học tiếng Anh lớp thường có bao nhiêu tiết đâu mà phải học nhiều loại sách đến thế!”. Qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ, một PH lớp 1 Trường TH Nguyễn Thanh Tuyền (Q.Tân Bình, TP.HCM) thắc mắc: “Con tôi mới vào lớp 1 tiếng Anh tăng cường, theo lịch thì đến học kỳ II mới học chính thức chương trình nhưng trường đã yêu cầu mua sách tiếng Anh ngay đầu năm học, lại mua đến hai loại. Chưa hết, khi chưa có quy định chính thức về các khoản thu thì trường thông báo đóng tạm ứng khoảng một triệu đồng".

Tại Hà Nội, không ít trường thông báo cho PH về việc triển khai sổ liên lạc điện tử

trong trường với giá dịch vụ 50.000đ/HS/tháng. Một PH có con học tại Trường TH Ba Đình cho biết: “Ở bậc TH, việc trao đổi thông tin điện tử có thể rơi vào tình huống thừa khi PH bị “làm phiền” vì thông báo con quên bút, quên khăn đỏ, nhưng không dùng dịch vụ này thì lại ngại với giáo viên”.

Tien truong dau nam: Bien tuong lam thu

Nhiều khoản thu khiến phụ huynh học sinh chóng mặt

Chống lạm thu: bất khả thi?

Trước sự bức xúc của PHHS, lãnh đạo của nhiều trường lại tỏ thái độ rất bàng quan. Ban giám hiệu Trường TH Lương Thế Vinh lấy lý do đi họp, sau đó hẹn sẽ trả lời bằng văn bản, nhưng sau một tuần, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Ở Trường TH Đông An, Bình Dương, lãnh đạo trường cũng bận đi họp, dù chúng tôi có gửi lại câu hỏi nhưng hiệu trưởng trường cho biết phải có ý kiến của Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An mới trả lời.

Thầy Phạm Trí Đức, Phó hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thanh Tuyền giải thích lý do việc mua hai bộ sách: “Dù đến học kỳ II mới vào chương trình chính thức nhưng do giáo viên tiếng Anh tăng cường là cơ hữu, nên ở học kỳ I, chúng tôi không để giáo viên “ngồi không” mà lên lớp tập cho các cháu làm quen, chứ không phải dạy bài học. Về tiền tạm ứng, trường có tổ chức bán trú nên cũng như mọi năm, PH sẽ đóng tạm ứng để nhà trường mua thức ăn, thiết bị phục vụ HS. Phòng GD-ĐT quận chỉ đạo chờ thống nhất chung của quận mới được thu nên chúng tôi đã thông báo không thu tạm ứng”.

Ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: Để chống tình trạng lạm thu ở các trường, vừa qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành khung quy định các khoản thu theo thỏa thuận để các trường thực hiện. Trên cơ sở đó, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế: có tổ chức bếp nấu (hoặc hợp đồng suất ăn), nhu cầu trang bị vật dụng phục vụ bán trú cho cá nhân HS (hoặc dùng chung lớp, dùng chung trường)… để xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể. Các khoản thu này phải được thống nhất với PH trước khi thực hiện và khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng HS.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Năm nay, lực lượng thanh tra của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với những khoản thu ở tất cả đơn vị trường học. Nơi nào có sai phạm thu, chi sẽ bị xử lý”. Thế nhưng, đã bao nhiêu năm qua, việc chống các khoản lạm thu đầu năm học đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Ngân sách được cấp quá eo hẹp buộc các trường phải vận động nguồn xã hội hóa để trang trải chi phí, mà ban đại diện cha mẹ HS thường là cánh tay nối dài để thu tiền. Có PH kể, nhiều khi ban giám hiệu chưa kịp ngỏ lời thì ban đại diện PHHS đã nhanh chóng lấy uy bằng cách tự đề xuất các khoản thu, các công trình tự nguyện... rồi áp đặt cho những PH khác, khiến tình trạng lạm thu vẫn tiếp diễn và ngày càng biến tướng.

 Tiêu Hà - Dung Nhi

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Sở sẽ tiếp nhận những trường hợp thu tiền trường đầu năm quá quy định mà bạn đọc phản ánh đến Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ (0966.182727- 0937.173678). Thanh tra Sở sẽ kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản qua Báo Phụ Nữ. Hoặc, PH gặp những vấn đề tương tự có thể gọi điện thoại đến Phòng Thanh tra Sở hay bộ phận tiếp công dân theo số 08.38.229.360.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI