Thương quá, học sinh ơi!

18/11/2014 - 17:24

PNO - PNO - Hôm 14/10 vừa rồi, VTV6 phát chương trình “Những đứa trẻ hay chuyện”, một cậu bé là khách mời đã phát biểu hồn nhiên: “Theo em, trong nhà trường, học sinh là người chịu nhiều tầng áp bức nhất”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu nói của em làm cho mọi người cười ồ lên, tôi cũng thế. Nhưng ngẫm lại những điều đã chứng kiến, tôi thấy cần phải kể ra đây để xã hội hiểu hơn, quan tâm hơn đến các em học sinh.

Tôi xin bắt đầu từ tiểu học. Một em bé lần đầu tiên bước vào lớp 1, bao nhiêu là háo hức, bao nhiêu là bỡ ngỡ. Bé Bống hàng xóm nhà tôi cũng thế, sáng sớm đã thấy xúng xính đồng phục đứng chờ mẹ ở cổng. Các ông các bà đi tập thể dục qua ai cũng chúc Bống đến trường vui vẻ, con bé càng hưng phấn, mặt mũi rạng ngời.

Bài trong diễn đàn:

-20/11, nhà giáo phát khùng với… phong trào

-Thầy như thế, sao trò kính trọng được?

-Xà bông, khăn mặt và phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam

-Khổ vì danh xưng ‘kĩ sư tâm hồn’

Sau buổi học thứ nhất, Bống về bắt mẹ bỏ hết bảng, vở đã chuẩn bị vì cô giáo dặn: “Tất cả học sinh phải dùng bảng Hán Minh, vở 4 ô li, giấy vở phải dày, phải có miếng kê tay... bạn nào không có cô sẽ không cho vào lớp”. Thế là mẹ Bống lại hớt hải ra nhà sách “tậu” đúng hiệu các đồ dùng theo yêu cầu của cô giáo, miễn sao con mình vui là được.

Vào học chính thức, cả tuần tôi không thấy con bé đâu. Chủ nhật đi chợ gặp mẹ Bống, cô ấy bảo: “Làm gì còn thời gian cho Bống sang nhà bác chơi. Sáng sớm con bé chưa tỉnh ngủ đã được mẹ dựng dậy, mẹ con cuống cuồng rửa mặt đánh răng thay quần áo, vác ba lô lên xe, chạy ra đầu phố mua gói xôi, con vừa ngồi sau lưng mẹ vừa nhai vội vàng, nhất định là hai mẹ con phải phóng nhanh, vì con phải bước qua cánh cổng trường trước 6 giờ 45 phút, nếu không sẽ bị sao đỏ ghi tên, cô giáo sẽ đánh đòn.

Buổi trưa tan học, tất cả học sinh được cô lùa lên xe ô tô, loại xe 24 chỗ nhưng chỉ có khung còn nội thất là thùng xe rỗng, xếp ghế ngang để nhồi nhét đủ 35- 40 em. Xe đưa các bé về nhà cô, một khoảng sân được lợp tôn nóng hầm hập dùng làm lớp học, chỗ ăn cơm, để đồ dùng. Một căn phòng chưa đầy 12m2 ngổn ngang chiếu gối dùng làm chỗ ngủ, thay đồ, sinh hoạt…của gần 40 em.

Buổi chiều học thêm ở nhà cô, làm toán trước cho bài ngày mai trên lớp và luyện viết chữ. Gần 6 giờ tối, mẹ đi làm về mới ghé đón con, về đến nhà lại tắm giặt cơm nước, xong lại học bài cô cho về nhà (lớp 3, 4, 5 còn phải chép văn mẫu và học thuộc lòng nữa), có khi vừa làm vừa ngủ gật, mẹ giặt đồ xong chỉ biết bế con vào giường cho ngủ. Sáng mai dậy lại tiếp tục vòng tuần hoàn như thế. Chủ nhật được nghỉ thì phải tranh thủ chở đến trung tâm để học Tiếng Anh”.

Thuong qua, hoc sinh oi!

Nguồn ảnh minh hoạ: internet.

Mẹ Bống kể lể một thôi một hồi như cố để tôi hình dung được tốc độ quay cuồng đến ngộp thở của cô bé học sinh lớp 1. Tôi an ủi: “Chắc cháu mới đi học nên mẹ con mới vất vả thế, chịu khó vài năm nó lớn hơn thì sẽ đỡ cô ạ”.

Vừa nghe xong, mẹ Bống thở dài: “Không đâu bác ạ, càng lớn học càng khổ. Nghe chị Bình ở khu mình kể: Từ ngày con học cấp 2, chị ấy stress nghiêm trọng. 5 năm học tiểu học cũng vất vả thật nhưng cứ chịu khó thức khuya dậy sớm thì vẫn sắp xếp được, vì cứ giao con cho cô giáo buổi sáng, yên tâm đi làm, tối về đón. Việc học thêm môn gì, học bao nhiêu, thậm chí có hôm viết nhầm bài chính tả vừa viết hôm trước hoặc làm phải đề toán chưa học…cũng chả sao. Còn lên đến lớp 6 thì thôi rồi: sáng 7 giờ đến 9 giờ học thêm toán tại nhà cô dạy toán ở phố bên, 9 giờ 30 đến 11 giờ học thêm văn ở nhà cô dạy văn gần trường, trưa mua cơm hộp ăn rồi vào lớp học chính khóa, học xong phải ghé nhà cô dạy lí tận quảng trường học thêm, ngày hôm sau cũng y vậy cho các môn tiếng Anh, hóa học, có cháu còn học thêm 2 - 3 thầy cô cho 1 môn (cô thì học vì nghe nói dạy hay, cô thì học vì nghe nói chuyên luyện thi, còn cô giáo đang dạy thì học vì sợ bị “đì”)…

Bố mẹ đi làm cả ngày không đưa đón được, thế là “khoán trắng” cho ông xe ôm đầu phố. Mẹ đi làm vừa làm vừa lo, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm nhưng có lúc con không dám bắt máy vì trường cấm học sinh dùng điện thoại. Tối nào con cũng về nhà với bước chân nặng nề và vẻ mặt bơ phờ….Hết năm lớp 6, sang lớp 7, vợ chồng chị Bình bàn nhau và quyết định: chị nghỉ việc ở nhà chăm lo đưa đón con, vì theo anh chị, con bé đang tuổi dậy thì, cứ bỏ mặc nó cho ông xe ôm, nhỡ có chuyện gì thì hối không kịp. Thế là chị Bình giã từ váy áo của nhân viên văn phòng, ngày ngày vào vai xe ôm đưa đón con chạy sô các tụ điểm học…”.

Nghe mẹ Bống kể, tôi góp ý: “Có lẽ các cô phải hướng dẫn các cháu biết tự học trong khả năng của mình, không phải cứ đua nhau đi học thêm là tốt đâu. Trẻ nhỏ còn phải có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, làm việc giúp gia đình và suy ngẫm về những trải nghiệm… có thế các cháu mới phát triển toàn diện chứ. Tôi thấy con bé Minh nhà chú Lộc đối diện nhà tôi, nó có đi học thêm bao giờ đâu, thế mà vẫn đỗ vào trường chuyên đấy thôi”.

Tôi vừa dứt lời, mẹ Bống đã thì thầm vẻ bí mật: “Thế bác chưa biết chuyện gì à? Con bé Minh sa sút lắm rồi. Ngày trước đúng là nó chưa bao giờ đi học thêm, nó đỗ trường chuyên thật nhưng vào đấy học là nó bị đuối. Trường chuyên họ học khiếp lắm bác ơi. Em dâu em dạy ở trong đó mà, thím ấy bảo chủ yếu là luyện gà, làm bài tập, giải đề thi liên miên. Thầy cô lên lớp chỉ cho chép bài, dặn dò là hết giờ. Việc học nội dung trong sách giáo khoa coi như được mặc định “học sinh phải tự biết”, tức là phải đi học thêm ấy. Con bé Minh tự học nhưng không đủ thời gian nghiền ngẫm, lên lớp lại không được hướng dẫn bài bản, thế là đuối. Nó áp lực quá đâm ra chán chường, rồi nghe nói lại vi phạm vi phiếc nội quy gì đó… chậc, tội ghê. Con bé rõ ngoan, không khéo nó gục mất”.

Chà, có lẽ đúng thế thật. Tôi nhớ lại có nhiều đêm khó ngủ, tôi đi dạo ở hành lang, lúc ấy là 2 - 3 giờ sáng mà phòng cháu Minh vẫn sáng đèn. Dạo gần đây cũng không thấy con bé ra khoảng sân khu tập thể để chơi bóng như trước nữa. Thỉnh thoảng tôi gặp cháu đi học về, đúng là thần thái phờ phạc, lo âu, chẳng được tự tin, sôi nổi như trước. Ôi, nếu con bé ấy mà gục như lời mẹ Bống nói thì tôi xót xa quá.

Cháu Minh từ trước tới nay vẫn là tấm gương mà khu phố nêu ra cho các em noi theo cơ mà, hơn nữa bố cháu cũng là giáo viên, sao có thể như thế được?

Câu chuyện với mẹ Bống làm tôi trăn trở. Các cháu học sinh ở xóm tôi vất vả thế ư? Tuổi thơ và những khát vọng của các cháu có được ươm mầm từ những năm tháng trên ghế nhà trường không khi mà việc học không còn là hạnh phúc mà trở thành áp lực thế này. Bao nhiêu năm cha ông ta đã đấu tranh, hi sinh để giành cho con cháu mình quyền được đi học. Vậy mà cái quyền đó lại đang trở thành gánh nặng với trẻ ư?

Đấy là tôi chưa nói đến những cháu khác có hoàn gia đình khó khăn, cái ăn, cái mặc và các khoản đóng góp trong trường, các khoản học thêm còn đang là nỗi ám ảnh với cha mẹ các cháu và chính các cháu thì “quyền” đi học còn trở nên nặng nề thế nào?

Tôi viết những dòng này như một sự chia sẻ đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cháu học sinh. Tôi hi vọng rằng, việc đổi mới trong đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành sẽ giúp định ra một “cái chuẩn” mới trong việc ghi nhận kết quả học tập, việc đánh giá học sinh. Từ đó định hướng ra cách dạy - cách học thực sự nhẹ nhàng và hiệu quả, giúp các cháu học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đi học. Có như vậy quyền học tập của các cháu mới được thực hiện đúng với ý nghĩa cao cả của nó.

HOÀ BÌNH (Biên Hoà, Đồng Nai)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI