Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của TP.HCM về kiềm chế lạm phát

08/12/2013 - 09:50

PNO - PNO - Ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội năm 2013, kế hoạch năm 2014 và công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết Giáp Ngọ năm 2014.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thu tuong danh gia cao dong gop cua TP.HCM ve kiem che lam phat

Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo tình hình KT-XH TP năm 2013.

 Báo cáo về những kết quả đạt được trong năm 2013 của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, TP đã tập trung triển khai các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước đi vào chiều sâu, lạm phát được kiểm soát, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định...

Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 ước tăng 9,3%; bình quân 3 năm tăng 9,6%. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 11,1%/năm; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 7,5%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,7%/năm…

Theo ông Lê Hoàng Quân, trong số 25 chỉ tiêu của năm 2013, TP đã đạt 21 chỉ tiêu, còn 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ xử lý nước thải y tế.

Tại buổi làm việc, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị có nghị quyết (hoặc kết luận) những nội dung cụ thể về thời gian tiến hành thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TP.HCM để làm cơ sở chính trị, pháp lý triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong thời gian chờ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, TP kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế tài chính - ngân hàng đặc thù đối với TP.

Cụ thể như tăng mức thưởng vượt thu cho ngân sách TP đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP là 30%; tăng tỷ lệ tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách TP trên tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP (không vượt quá 200% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm theo dự toán của HĐND TP quyết định) để TP có thể từng bước huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm…

TP cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách về phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp như: quy định cụ thể mức điều chỉnh giá thuê đất; có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với phần đất quy hoạch cho dự án công nghệ cao, để từ đó TP có chính sách miễn, giảm cho doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao đầu tư vào KCX, KCN.

Do khu vực ngoại thành của TP còn nhiều khó khăn, vì vậy, TP kiến nghị Thủ tướng cho các khu công nghiệp thuộc các huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) là những khu công nghiệp được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế.

Thu tuong danh gia cao dong gop cua TP.HCM ve kiem che lam phat

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao TP.HCM trong việc hoàn thành cơ bản về kinh tế - văn hóa - xã hội trong năm 2013. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương TP.HCM trong vai trò kiểm soát lạm phát. “TP.HCM đóng góp tích cực trong công tác kiềm chế lạm phát. TP.HCM cũng đã đóng góp cho cả nước về kiểm soát giá cả”. Theo Thủ tướng, TP.HCM rất sáng tạo trong kiểm soát giá cả hàng hóa, công tác bình ổn…

“Việc TP.HCM hoàn thành được nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đã đóng góp lớn vào nhiệm vụ chung của cả nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đồng tình với các giải pháp, chỉ tiêu đề ra trong năm 2014 của TP.HCM. Thủ tướng cho rằng 3 lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản của TP.HCM trong năm 2013 đều tăng cao hơn năm 2012, vì vậy TP.HCM cần tiếp tục có giải pháp để giữ vững tăng trưởng cao hơn nữa, khi đó TP sẽ kiểm soát được lạm phát, tăng trưởng kinh tế vĩ mô, giữ đà tăng trưởng ổn định kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và có nhiều cơ thu hút được đầu tư.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo TP.HCM cần chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch mà TP đề ra. TP cần tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế, ổn định kinh tế, gắn liền với 3 khâu đột phá. Muốn vậy, TP cần phải phát triển gắn với khu vực, liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, du lịch, giao thông, an ninh… TP.HCM không chỉ kiềm chế lạm phát mà phải kiểm soát cho được lạm phát; kiểm soát tốt tỷ giá thị trường vàng, giá trị tiền đồng Việt Nam; tiếp tục phát huy công tác ổn định thị trường. Đặc biệt, TP phải làm tốt hơn nữa công tác bình ổn giá và chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương về công tác này vì đây là giải pháp có lợi cho dân, cho cả nước.

Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP theo hướng chuyển dịch cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ năng suất thấp sang năng suất cao, đặc biệt là phát triển các ngành kinh tế có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2010 - 2015, TP cần tập trung cho khoa học công nghệ, phát triển ngành y tế kỹ thuật cao, góp phần cho tăng trưởng GDP của TP. Thủ tướng đánh giá cao việc TP đã tập trung phát triển nông thôn mới và đề nghị TP tiếp tục đẩy mạnh cho chính sách này.

Về những kiến nghị của TP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý và đề nghị TP.HCM và các bộ ngành liên quan tiếp tục cùng tìm giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

Báo cáo với Thủ tướng về công tác chăm lo Tết Giáo Ngọ 2014, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, đến nay về cơ bản, TP.HCM đã hoàn thành các bước chuẩn bị để đảm bảo công tác tổ chức chăm lo Tết cho nhân dân được chu đáo, đầy đủ, vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Cụ thể về hàng hóa, do nhu cầu Tết Giáp Ngọ dự báo tăng khoảng 20% so với tết Quý Tỵ nên tổng giá trị hàng hóa các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ là 7.581,7 tỉ đồng, tăng 40% so với Tết Quý Tỵ. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ là 4.901 tỉ đồng, tăng 62% so với Tết Quý Tỵ.

Về hệ thống phân phối hàng hóa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của Chương trình bình ổn thị trường được phân phối thông qua 3.281 điểm bán, tăng 3.033 điểm bán so với năm 2008. TP cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, cung, cầu hàng hóa tiêu dùng trước, trong và sau Tết.

TP.HCM đã chú trọng thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất , tinh thần cho các tầng lớp nhân dân TP và các căn cứ vùng kháng chiến. Đặc biệt, UBND TP tiếp tục chỉ đạo Công an TP mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội… để tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI