Thủ khoa mê… nấu ăn

24/07/2014 - 16:55

PNO - PN - Cậu thủ khoa không ngần ngại chia sẻ với gia đình mong mỏi sẽ trở thành một người đàn ông hiện đại, học nấu ăn để có thể tự tay nấu cho gia đình bữa cơm ngon khi mẹ đi vắng và tương lai là đỡ đần việc nhà với… một...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Em chưa giỏi đâu”

Câu nói khiêm tốn ấy của Lê Khoa ắt sẽ khiến nhiều người hiểu nhầm, như một sự “sang chảnh”, bởi với kết quả thủ khoa khối A1 (27 điểm), ngành kỹ thuật máy tính Trường ĐH Quốc Tế mà Khoa vừa đạt được, phải hãnh diện, tự hào và có quyền… tự cao. Khoa giải thích: “Mỗi người một thế mạnh, ưu điểm riêng. Trong lớp, em không phải là một học sinh xuất sắc, vẫn bị thầy cô nhắc nhở nhiều, điểm 0 thì thường xuyên”. Sở dĩ bị điểm 0 hay nhiều lần ba mẹ bị nhà trường mời họp, Khoa kể, cũng bởi quan điểm học hơi khác lạ của mình: phải hứng thú, thoải mái mới học được. “Có những bài tập của môn này bắt buộc giải gấp nhưng em quên phéng do mải mê… lướt web, tìm tư liệu cho môn học khác thích hơn” - Khoa nói. Chuyện con trai học hành ngẫu hứng, đến mức từng phải học phụ đạo môn hóa vì bị điểm liệt, chị Trâm Khanh cũng không quá bận lòng. Họp phụ huynh cho con về, chị chỉ khuyên con nên lưu tâm đến những môn ngoài sở thích và giải thích cho con hiểu mối liên quan kiến thức giữa các môn để con tự ý thức, chấn chỉnh.

Từ nhỏ, Khoa cho biết chỉ thích học ở nhà, không muốn đi học kèm: Ngồi ở nhà tập trung học một tiếng mà “vô”, còn đi học thêm vừa tốn tiền vừa không tiếp thu được gì thì cũng vô ích, lại khiến cha mẹ lo lắng, sợ con “không bằng bạn”. Nhưng rồi nỗi lo ấy sớm qua đi khi Khoa thường xuyên nhờ mẹ mua các sách nâng cao rồi nhốt mình trong phòng riêng nghiền ngẫm. Học xen chơi. Chơi xen học. Giải nửa bài toán, Khoa có thể bỏ ngang đi nghe nhạc hoặc… lau nhà và ngược lại. Em cho biết, phương pháp học của mình là… lúc nào đầu óc thoải mái nhất thì mới ngồi vào bàn. Để ghi nhớ công thức, Khoa giải nhiều bài tập liên quan. Thậm chí, để tự nâng cao kiến thức cho mình, ngày còn học ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Khoa tự mày mò sáng tạo ra rất nhiều bài tập, bài thực hành rồi chia sẻ với các bạn, cùng các bạn tìm kiếm các cách giải hay.

Không áp đặt con học giỏi hay đòi hỏi con phải trở thành ông nọ bà kia là cách gia đình chị Trâm Khanh giáo dục con cái. Thế nên, chị phì cười khi nghe con thông báo, vì yêu thích được khám phá máy tính nên chọn ngành kỹ thuật máy tính để theo học; rồi tương lai, nếu phải đi mua bán, sửa chữa máy tính dạo con cũng vui lòng. Chẳng những ủng hộ con, chị còn không đặt nặng chuyện đậu rớt bởi cho rằng, có nhiều cách tiếp cận sở thích, đại học là con đường tốt nhất nhưng không phải là duy nhất. Do vậy, việc học hành, thi cử với Khoa chỉ như một cuộc dạo chơi, nhưng phải chơi hết mình: “Em cố gắng học hết chương trình rồi bình tĩnh làm bài, câu nào làm không được thì bỏ. Nếu quá đặt nặng chuyện đậu rớt, em đã không thể làm được bài, bởi bị cảm xúc lo lắng, hồi hộp, sợ hãi lấn lướt, chi phối” - Khoa chia sẻ.

Thu khoa me… nau an

Khoa rất thích phụ mẹ nấu ăn

Muốn là chàng trai hiện đại

Đam mê chuyên ngành máy tính nhưng nói về sở thích, dự định tương lai, Khoa gãi đầu: “Em thích nấu ăn và sắp tới sẽ đăng ký một khóa học nấu ăn”. Từ nhỏ, việc chứng kiến mẹ đi làm rồi về nhà “quẳng” cơn mệt mỏi qua một bên để tiếp tục “đánh vật” với giặt giũ, cơm nước cho gia đình đã sớm hình thành trong Lê Khoa ý nghĩ phải tự lập, có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Mẹ nấu cơm, con trai lau nhà, nhặt rau hay làm chân sai vặt thượng hạng! Những lần “tiếp cận” ấy, Khoa ý tứ hỏi thăm mẹ các “bí kíp” nấu ăn, cách phân loại áo quần để giặt giũ... Cậu thủ khoa không ngần ngại chia sẻ với gia đình mong mỏi sẽ trở thành một người đàn ông hiện đại, học nấu ăn để có thể tự tay nấu cho gia đình bữa cơm ngon khi mẹ đi vắng và tương lai là đỡ đần việc nhà với… một nửa của mình. Sự tự lập, tự lo cho bản thân còn thể hiện trong những lần Khoa muốn mình phải… mập hơn, cao lên; em lên mạng tìm hiểu phải ăn những món ăn gì, hay muốn có cơ bắp, môn thể thao nào là phù hợp.

Chị Trâm Khanh khẳng định, để con thoải mái chọn lựa hướng đi, không có nghĩa gia đình “bỏ mặc”, thiếu quan tâm. Ngược lại, đó là một quá trình quản lý, tìm hiểu, dõi theo sâu sát từ sở đoản, sở trường cho đến năng lực, tâm tư nguyện vọng của con. Những bữa cơm gia đình là dịp để cùng trao đổi, chia sẻ vướng mắc hoặc kể cho nhau nghe những vấn đề liên quan đến bản thân, cuộc sống. Năm lớp 3, Khoa đã được trang bị một chiếc máy tính riêng và chị Trâm Khanh rất ngạc nhiên khi con đặt ra những câu hỏi liên quan đến lập trình, phần mềm trong máy tính. Hay khi biết con mất nửa ngày chỉ để học thuộc một câu lịch sử, chị cũng không thấy buồn nếu điểm sử con không cao. “Khi đã hiểu con, chúng tôi chỉ việc tin tưởng và động viên, ủng hộ những điều con lựa chọn” - chị Trâm Anh cho biết.

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI