Thầy giáo làng xây tổ ấm cho học trò nghèo

01/05/2015 - 08:18

PNO - PN - Đất lành chim đậu, lưu dân tứ chiếng đã quy tụ tại mảnh đất phương Nam tìm sự sống trong muôn vàn gian nguy chết chóc, tạo nên người phương Nam hào hiệp, nhân ái, thương người lỡ bước sa cơ. Người Sài Gòn - con cháu của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Về Củ Chi, người dân và học trò nghèo ở đây hay kể câu chuyện những thầy giáo ở Trường THPT Quang Trung chuyên đi xây nhà, giúp đỡ học trò nghèo đến lớp.

Thay giao lang xay to am cho hoc tro ngheo

Hai thầy trò, hai thế hệ quản lý trường THPT Quang Trung - Thầy giáo Lê Đình Hoe (bìa trái) và thầy giáo Nguyễn Văn Cải

Gắng học, thầy Hoe cất nhà cho!

“Tôi vừa vào năm hai đại học, bệnh tâm thần của mẹ tôi trở nặng, đi lang thang suốt ngày đêm. Người chị gái mới học đến lớp 5, phải nghỉ học đi làm nuôi cả nhà, cũng bị thất nghiệp. Họa vô đơn chí, căn chòi chống chọi không nổi với mưa gió sập luôn. Chỗ trú thân tạm bợ không còn, tiền chữa trị cho mẹ cũng không, rồi tiền học phí… tất cả như kéo tôi đến bờ vực, nguy cơ bỏ học chực chờ trước mắt. Khi ấy, thầy Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung mà tôi từng theo học, cùng trợ lý thanh niên là thầy Nguyễn Văn Hiếu (nay là Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM) đích thân đi xin dây điện cũ rồi vào tận nơi đo đạc, câu dây, kéo điện cho nhà tôi có đèn. Sau khi tìm cách gửi mẹ tôi trị bệnh miễn phí ở bệnh viện tâm thần, thầy gom góp, vận động được hơn tám triệu đồng để xây nhà cho mẹ con tôi. Ngày 30/4/2000 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời, tôi nhận căn nhà tình thương với lòng biết ơn vô hạn những người thầy của mình” - thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung nhớ lại những ngày gian khó.

Đó là căn nhà đầu tiên khởi đầu hành trình xây nhà tình thương cho học trò nghèo Củ Chi của thầy trò Trường THPT Quang Trung. Mới lo xong căn nhà cho Cải, lại có một học trò khác cha bệnh nặng, nhà sập không có chỗ trú mưa. Thầy Lê Đình Hoe sau giờ dạy lại rong ruổi đạp xe đi xin tiền sửa nhà cho đứa học trò khốn khó. Thêm một em nữa nhà bị tốc mái, thầy lại kiếm thêm vài triệu để sửa nhà…

Tiếng lành đồn xa, người dân và học trò ở xã nghèo xung quanh cứ truyền nhau câu nói: Không có nhà thì gắng học giỏi, vô trường Quang Trung, thầy Hoe cất nhà cho!

Buổi ban đầu khó khăn, thầy Hoe chỉ vận động đủ để sửa nhà tạm cho học trò có chỗ trú mưa, trú nắng. Năm 2002, khi cậu học trò cũ Nguyễn Văn Cải tốt nghiệp ĐH, quay về trường cũ, cùng thầy cô “rước người đi sau”, Hội Khuyến học của trường nhanh chóng ra đời. Thầy trò vận động nhiều nguồn gây quỹ học bổng giúp học sinh có tiền ăn học, việc xây nhà tình thương cũng bài bản hơn.

“Tôi cũng là người mồ côi cha từ nhỏ nên hiểu khó khăn của các em. Đi thăm học trò, thấy cảnh nhiều em phải sống trong những căn chòi rách nát, chỗ ngủ còn chẳng lành lặn lấy đâu ra chỗ học tử tế. Cha mẹ bệnh tật, chạy vạy từng bữa qua ngày còn không xuể, lấy đâu tiền đóng tiền học cho con. Tôi không chọn giúp các em vì nghèo khó mà ở sự cầu tiến, vươn lên. Các em có thể tiến xa nếu có một bàn tay đưa ra đỡ lấy lúc khó khăn. Cấp học bổng chỉ là giải quyết tức thời, cho các em có một mái nhà kiên cố, an cư lạc nghiệp mới lâu dài”, thầy Hoe bộc bạch.

Thay giao lang xay to am cho hoc tro ngheo

Thầy Cải đi khảo sát xây nhà tình thương cho học trò

Với cương vị là Chủ tịch Hội khuyến học, thầy Hoe cùng đồng nghiệp bắt tay tạo mái ấm cho học trò nghèo. Từ những căn nhà năm triệu đồng, dần dà có những căn nhà khang trang trị giá hơn 80 triệu đồng lần lượt được trao. Cứ đều đặn mỗi năm, thầy Hoe và Hội Khuyến học vận động được một - hai căn nhà. Không chỉ riêng học sinh Trường THPT Quang Trung, học sinh nghèo ở các trường thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng được giúp đỡ.

Vận động, góp tiền xong, thầy Hoe còn trực tiếp đi khảo sát đất đai, vị trí xây nhà, theo dõi việc xây dựng, thậm chí kiêm luôn vai trò… kiến trúc sư. “Tôi thiết kế tay ngang nên kiến trúc sư đọc không nổi đâu, chỉ có thợ biết xây thôi”, thầy Hoe dí dỏm. Một ngày trước khi nhập viện phẫu thuật, thầy vẫn đi khảo sát nền móng kịp xây nhà cho học trò trước mùa mưa đến. Xuất viện về nhà chưa được mấy ngày, thầy đã thấy lo lắng không yên. Bác sĩ cấm không cho chạy xe vận động mạnh, thầy bèn kêu thầy Cải chở đi xem tiến độ xây dựng vì chỉ lo làm không kịp giao nhà cho gia đình tránh mưa.

Thầy trăn trở: "Một ngôi nhà trao đi gói ghém cả tình thương, niềm tin của xã hội dành cho các em. Khó khăn cũng có nhưng với chúng tôi, mọi chuyện rồi sẽ qua. Học trò nghèo thì nhiều nhưng khả năng của chúng tôi có hạn. Nhìn những căn nhà tranh vách lá biến thành ngôi nhà kiên cố, những giọt nước mắt hạnh phúc ngày nhận nhà, lòng tôi và các giáo viên thấy ấm áp. Tôi nguyện dù đã nghỉ hưu hay già hơn nữa, tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ, không để học trò nghỉ học chỉ vì không có tiền”.

Nối nghiệp

Thầy Cải nhẩm tính: “Từ năm 2000 bắt đầu triển khai mô hình này đến nay, Hội Khuyến học của trường đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ xây tặng 39 căn nhà tình thương trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Sắp tới là căn thứ 40 cho một em hoàn cảnh rất ngặt nghèo”. Khi thầy Cải đầu quân về trường, mẹ thầy vẫn nửa tỉnh nửa mê, người chị gái lâm bệnh rồi qua đời để lại hai đứa con cho thầy gồng gánh. Nhà nghèo nhưng thầy Cải vẫn lao vào lo… chuyện bao đồng.

Đóng góp tiền lương chưa đủ, thầy còn tìm kiếm, giới thiệu học sinh khó khăn cho chương trình Ngôi nhà mơ ước, để xây nhà tình thương cho học trò. Người không thích thì ngọt nhạt, người thân tình thì khuyên thầy nên lo cho gia đình đầy đủ rồi hãy tính, nhưng thầy khẳng khái trả lời: “Chỉ có người trong cuộc mới hiểu, có mặc áo rách mới thương người rách áo. Từng sống trong căn chòi dột nát mới biết một mái nhà lành lặn cần thiết đến mức nào”.

Cuộc sống của thầy Cải từ nhỏ đã không êm đềm. Bản thân thầy một buổi đi học, buổi còn lại phải đi chăn trâu, bán báo, mò cua bắt ốc để có cái ăn qua ngày.

Thay giao lang xay to am cho hoc tro ngheo

Thầy giáo Lê Đình Hoe trao tặng nhà tình thương cho gia đình học trò nghèo

“Vào ngày tựu trường của năm lớp 4, trong khi bạn bè nô nức thì tôi nằm chèo queo ở nhà khóc sưng mắt vì mẹ bệnh, chị gái thất nghiệp, nhà quá nghèo, cả tuần không có cơm mà chỉ ăn rau với khoai mì chấm muối nên không thể tiếp tục đến trường. Đang lúc tuyệt vọng thì mấy bạn trong xóm chạy vào báo cô Hằng kêu bạn đi học đi, cô giúp cho”, thầy Cải nhớ lại.

Buổi sáng đầu tuần, với chiếc quần đùi, áo vá, không sách vở, bút viết chỉ có chiếc cặp vẻn vẹn vài viên phấn, cậu bé Cải đến lớp 4B Trường tiểu học Trung Lập Hạ. Cô Hằng mua cho đầy đủ dụng cụ học tập, rồi mượn sách giáo khoa cũ cho Cải học. Cô cũng đóng học phí và các khoản tiền trong năm học.

“Tôi nhớ lúc đó đời sống giáo viên cũng hết sức khó khăn, cô Hằng một buổi đi dạy, một buổi đi làm thuê để nuôi gia đình vì chồng cô thất nghiệp. Vậy mà cô lại mở rộng vòng tay nâng bước tôi đến trường. Hình ảnh cao đẹp ấy đã khiến tôi tâm niệm phải trở thành người thầy như cô Hằng. Lớn lên, tôi còn gặp nhiều người thầy tận tâm với tôi như một người cha như thầy hiệu trưởng Lê Đình Hoe, thầy Trần Hữu Tá... Từ lúc đó, tôi nghĩ có khó khăn cỡ nào tôi vẫn gắn bó với nghề và sống như những thầy cô đã từng cưu mang tôi”, thầy Cải chia sẻ.

Ngay từ những ngày đầu về trường, ý định thành lập Hội Khuyến học khuyến tài giúp đỡ học sinh trong trường nung nấu trong lòng thầy Cải. Chưa đầy nửa năm, ý tưởng thành hiện thực. Từ đó đến nay, có gần 3.000 học sinh vượt khó học giỏi được cấp học bổng gần ba tỷ đồng; hàng trăm học sinh được hỗ trợ xe đạp, học bổng để đi học cao hơn…

Bản thân thầy Cải cũng được học trò gọi bằng cách gọi thân thương: Thầy Cải của học trò nghèo. Khi học trò có khó khăn, bất kể ngày đêm, chỉ cần các em gọi, thầy đều đến để san sẻ khó khăn. Thầy cũng nghèo nên tấm lòng của thầy là bịch đường, vài ký gạo, là những lời động viên lúc khốn khó.

Đa phần những học sinh nhận được sự giúp đỡ của thầy Hoe, thầy Cải đều có sự thành đạt nhất định. Có người theo nghiệp đưa đò của các thầy, tiếp tục giúp đỡ học sinh nghèo. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thầy Hoe, thầy Cải kể tên và hoàn cảnh của từng em. Trần Thị Kim Liên và Trần Minh Trực nhận nhà năm 2003 có mẹ bị bệnh tâm thần, hai chị em phải đi hái rau, bắt ốc, phụ bán hàng cho hàng xóm để có cơm đem về cho gia đình.

Bây giờ, Kim Liên là giáo viên dạy văn tại Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), đoạt danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu của TP; Trực trở thành điều dưỡng ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Rồi Trần Thị Thảo Nguyên sau khi du học đã định cư và công tác ở Hàn Quốc… Khi thành công, họ lại tiếp tục nối nghiệp những người thầy “đa mang” của mình, đóng góp xây dựng nhà tình thương cho những học sinh nghèo khác.

15 năm kể từ căn nhà tình thương đầu tiên, những ngày này, căn nhà thứ 40 đang được thầy Hoe, thầy Cải gấp rút khảo sát, vận động để kịp xây cho học sinh mái ấm tươm tất.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI