Thay Cambridge bằng chương trình Tích hợp: Tiếp tục 'thí điểm'!

23/06/2014 - 10:35

PNO - PNO - Sáng nay (23/6), Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức họp báo về việc ngưng chương trình tiếng Anh Cambridge và thay băng chương trinh Tích hợp (Phụ Nữ Online đã có bài viết hôm qua 22/6 "Tiếng Anh ở trường phổ thông: Cambridge, Tích hợp, và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Buổi họp báo của Sở GD-ĐT TP.HCM có chủ đề “Công bố và triển khai đề án Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến”, được khai mạc lúc 8g15 sáng 23/6.

Đề dẫn cuộc họp báo, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM giới thiệu về nguồn gốc đề án mới, cho rằng đây là một trong những giải pháp được TP.HCM thực hiện nhằm đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện.

Theo ông Sơn, vào tháng 11/2013, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học định hướng thực hiện chương trình tích hợp, tiếp cận nội dung phương pháp tiên tiến, vừa hiện đại vừa giữ được bản sắc dân tộc. Ông cho rằng TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ trước nhằm đáp ứng hai điều kiện nói trên và do vậy “không có gì là đột ngột”.

Bước vào phần chất vấn, PV Báo Thanh Niên đặt vấn đề: Sở GD ĐT công bố trên báo chí việc thay thế chương trình mới nhưng không công bố nguyên nhân sâu xa là CIE ngưng hợp tác với EMG. Tại sao không thông báo cho các trường? Ngoài ra, còn có thông tin Sở không cho CIE công bố thông tin. Liệu khi thay đổi chương trình mới, nếu chương trình mới này lại ngưng hoạt động như chương trình Cambridge thì học sinh sẽ ra sao?

Một số phóng viên các báo thắc mắc về tính ưu việt của chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh mới (chương trình Tích hợp) và sự chuẩn bị của Sở, cũng như việc kiểm định chất lượng, quy chọn lựa đối tác của sở GD ĐT TP.HCM đối với chương trình Tích hợp này. Một câu hỏi lớn là “tại sao Sở lại chọn EMG”?

PV Báo Người Lao Động đặt vấn đề: Chương trình mới sẽ sử dụng cơ sở vật chất cũ trước đây của chương trình Cambridge, vậy liệu có công bằng giáo dục khi chương trình có thu phí lại sử dụng cơ sở vật chất của trường công. Chương trình mới sử dụng cơ sở vật chất cũ, giáo viên cũng của EMG, phải chăng chỉ là “bình mới, rượu cũ” hay không?

Thay Cambridge bang chuong trinh Tich hop: Tiep tuc 'thi diem'!

Phóng viên Minh Nhật (Báo Phụ Nữ TP.HCM) chất vấn tại buổi họp báo. Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ).

PV Minh Nhật của Báo Phụ nữ TP.HCM chất vấn: “Sau bốn năm thực hiện, chương trình Cambridge ngưng hoạt động, Sở có phải là đơn vị chịu trách nhiệm. Chúng ta đã hợp tác với EMG, ngừng chương trình Cambridge vì EMG không đáp ứng được, bây giờ có chương trình mới lại cũng hợp tác với EMG. Liệu những khoản tiền tác quyền được trả như thế nào hay đi về đâu”?

PV Báo VNExpress vặn Sở rằng, chương trình cũ đã thực hiện bốn năm nay, nay ngưng hoạt động vì Sở cho rằng không phù hợp, vậy trước đó Sở có nghiên cứu kỹ hay không, hay học sinh bị đưa ra “làm thí nghiệm”? Với chương trình mới, liệu Sở đã nghiên cứu chưa hay rồi đây cũng sẽ ngưng hoạt động khi không phù hợp nữa. Việc mở ra quá nhiều chương trình dạy tiếng Anh trong nhà trường liệu đã phù hợp chưa?

Các báo còn hỏi cụ thể về việc chấm điểm, chuyển điểm, việc tham gia dự giờ của giáo viên…

Ông Lê Hồng Sơn trả lời “những điều cơ bản”. Theo ông, việc chuẩn bị thực hiện đề án tích hợp là từ tháng 12/2011 khi Sở làm việc với Bộ Giáo dục Anh.

"Bất kỳ đơn vị nào triển khai tốt chương trình thì đều có thể được chọn. EMG uy tín, có nguồn giáo viên tốt. Nếu là EMG hay bất kỳ đối tác nào không đảm bảo được hoạt động thì Sở cũng sẽ mời đối tác khác".

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

“Đây là một chương trình mang tính chất tiên tiến, thực hiện chương trình này cũng là mang tính thí điểm, nhằm giúp học sinh tiếp cận chương trình toán, khoa học, tiếng Anh tiên tiến, để có định hướng nghề nghiệp sau này theo sự lựa chọn của các em”.

Ông Sơn cho rằng “đã nói thí điểm thì sẽ có điểm dừng để đánh giá lại”.

Ông phân bua: ngay từ năm 2011, Sở đã có ý tưởng về chương trình mới vì “chương trình cũ không thể tồn tại vĩnh viễn được”. Học sinh Việt Nam cần tiếp cận nội dung đổi mới nhưng cũng cần học tập theo bản sắc văn hoá Việt.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cách đây ba năm chứ không hề gấp gáp. Chúng tôi thực hiện theo cơ chế, có chỉ đạo và phải chờ thời điểm chín muồi” - ông Sơn nói.

Theo ông, khi Nghị quyết 29 (về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục) ra đời, Sở được giao thực hiện, và đó là thời điểm chín muồi. Ông biện bạch rằng đây là chương trình của bộ Giáo dục Anh, đã được sự đồng ý của chuyên gia giáo dục Anh. Bộ và Sở đều có hội đồng thẩm định và đã làm việc về mặt nội dung tích hợp chương trình.

Về “điểm mới” của chương trình, ông Sơn giải thích: Chương trình này tích hợp nội dung và phương pháp phù hợp bản sắc văn hoá Việt Nam, vẫn đảm bảo những kiến thức khoa học để đáp ứng chuẩn đầu ra của các hội đồng khảo thí trên thế giới và ở Anh quốc.

“Khi thực hiện chương trình này, tất nhiên sẽ có đầu ra. Các em khi học chương trình sẽ được công nhận. Như vậy hoàn toàn đảm bảo chất lượng nội dung chương trình, đầu ra, chứng chỉ, bằng cấp...”.

Về tính ưu việt của chương trinh Tích hợp, ông Sơn nói: “Chương trình có tốt hay không, chúng ta không thể ngồi đây đánh giá được mà phải chờ thời gian trả lời”.

Viện dẫn công văn của Bộ, ông Sơn nói Bộ ghi rõ ràng: Sở GD ĐT không được cho học sinh học lặp lại chương trình quy định của Bộ GD ĐT Việt Nam, đó là nội dung giảm tải. Khi học Tích hợp, các vấn đề về văn hoá, lịch sử, địa lý đều được tích hợp trong chương trình. Đội ngũ giáo viên Việt Nam sẽ tiếp cận được việc đổi mới phương pháp dạy học. Đó là tính ưu việt của chương trình.

“Đội ngũ giáo viên đã có sự chuẩn bị, không chỉ là giáo viên tiếng Anh mà còn là giáo viên các bộ môn khác. Chúng tôi sẽ chọn lọc trong đội ngũ có sẵn hoặc tuyển dụng mới. Đến năm 2020 sẽ là lộ trình để có 50% giáo viên cơ hữu dạy song song với giáo viên bản xứ”, ông Sơn thông tin.

Ông nói tiếp, Bộ Giáo dục Anh có phối hợp thực hiện chương trình theo bản quyền của họ. Các bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu đều được hỗ trợ. Phí sẽ tương đương phí học chương trình Cambridge, có giảm được mức phí hay không còn lệ thuộc vào đội ngũ.

"Tất cả đối tác nào bảo đảm được nguồn lực, chất lượng, đúng chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM thì chúng tôi đều tiếp nhận. Thông tin đã cung cấp đầy đủ. Bây giờ là 9g30 rồi, xin được ngừng cuộc họp báo tại đây. Xin cảm ơn các anh chị".

Ông Lê Hồng Sơn

Ngay trong năm vừa rồi, Sở đề nghị CIE thực hiện chung chương trình tích hợp, nhưng họ đã từ chối và chỉ muốn thực hiện theo đúng bản quyền của họ thôi.

Với chương trình mới này, cơ sở vật chất tất nhiên phải đảm bảo để thực hiện, nhưng quyền giám sát của cán bộ quản lý, tổ chuyên môn sẽ được tự chủ. Đây là chương trình hoàn toàn tự chủ.

Về dừng chương trình hay khả năng hợp tác, ông Sơn khẳng định: “Lựa chọn đơn vị nào phối hợp thì chỉ là giải pháp chứ không phải chủ trương. Chủ trương của Sở là làm sao xin được chủ trương bên trên để đổi mới giáo dục sao cho hiệu quả. Chúng ta không thể bắt con anh A phải học giống con anh B, con anh A muốn được học chương trình tiên tiến hơn, thì không thể cấm được”.

Theo ông Sơn, khi thực hiện chương trình Cambridge, EMG Education là đơn vị đã làm việc với Sở theo các quy định. Đến 12/6 Sở mới nhận được thông tin ngưng hoạt động giữa CIE Cambridge và EMG Education. Sở sẽ yêu cầu hai đơn vị ngồi lại với nhau để bàn về quyền lợi học sinh.

Tất cả các em học sinh đang theo học CIE Cambridge ở các trường trên toàn TP.HCM thì vẫn tiếp tục học chương trình này.

Các em sẽ học đến năm 2018 để lấy chứng chỉ, còn muốn chuyển qua chương trình tích hợp mới thì tùy thuộc nhu cầu phụ huynh và học sinh. Còn chuyển cấp như thế nào, Sở đã bàn bạc với các phòng giáo dục để tính toán lộ trình các em lên lớp ra sao.

“Việc triển khai chương trình mới sẽ như thế nào, chúng tôi vẫn tiếp tục thí điểm chứ không phải đại trà”.

“Không có chuyện chúng tôi bị ngừng chương trình”

Trước hết, chúng tôi không biết các anh chị lấy thông tin chúng tôi bị ngừng hợp tác là ở đâu.

Hợp đồng phân phối cho phép chúng tôi thay mặt khảo thí, phân phối, triển khai chương trình cho CIE, chúng tôi đã làm rất tốt ở Hà Nội và được mời thực hiện tại TP.HCM và các địa phương khác. Đây là hợp đồng có thời hạn, thay mặt CIE cung cấp, khảo thí tại VN. Các hợp đồng này đều có thời hạn. Không có một thông báo nào của CIE liên quan đến vấn đề chất lượng.

Hai bên kể từ năm 2013 đã nói rất nhiều đến vấn đề tích hợp. Từ tháng 12/2011, vấn đề này đã được chuẩn bị. Như vậy CIE sẽ là giải pháp đầu ra chứ không phải giải pháp duy nhất.

Chúng tôi đã làm việc với CIE nhưng không được hưởng ứng, bên đó chỉ muốn làm theo đúng quy chuẩn của CIE mà thôi. Quy chuẩn của CIE rất chặt chẽ, nhiều đơn vị muốn mở thêm chương trình Cambridge ở VN nhưng rất khó thực hiện. CIE đưa ra rất nhiều yêu cầu, như đòi hỏi phải được chứng nhận "đảm bảo chuẩn an toàn của Anh quốc".

Do vậy, nếu CIE không chủ động ngừng phân phối thì chúng tôi cũng sẽ chủ động ngừng phân phối để tập trung cho những chương trình mới. Chúng tôi khẳng định: Không có cơ sở nào nói CIE ngưng hoạt động với chúng tôi vì lý do chất lượng.

Chúng tôi và CIE đàm phán với nhau về việc tiếp tục triển khai chương trình Cambridge ở các trường hay không. Đến 10/6 CIE mới có câu trả lời. Cơ hội này là dịp để chúng tôi giải thích với quý anh chị, không có chuyện chúng tôi bị ngừng chương trình.

Nguyễn Phương Lan, PCT tập đoàn EMG Education, phụ trách học vụ

Hồ Vinh tổng hợp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI