Thành phố Hồ Chí Minh: 40 năm cùng tầm vóc mới

19/03/2015 - 07:16

PNO - PN - “Bốn mươi năm, theo nhịp bước thời gian, trải qua nhiều thử thách, cam go, thành công và vấp váp, luôn cầu thị, nỗ lực khắc phục hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm để tiến lên…; hôm nay trong niềm tự hào, vinh dự và trách...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Xé rào” để đột phá và phát triển

“TP.HCM điển hình của sự sáng tạo đột phá trong xây dựng, phát triển và đổi mới” - PGS-TS Vũ Văn Phúc - Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản nói. Ông Phúc dẫn chứng, tháng 9/1979, thành ủy TP.HCM đã ban hành nghị quyết 09 với mục đích thoát khỏi cơ chế cũ, thiết lập quan hệ kinh tế theo quy luật sản xuất hàng hóa…

Đồng thời vay ngoại tệ, nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất nhập khẩu để tự cân đối, tích lãi, tái đầu tư... Chủ trương này ít năm sau bị Trung ương phê phán. Thế nhưng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thành ủy, chính quyền TP.HCM tiếp tục tìm tòi hướng đi hữu ích. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được khá rõ rệt trong giai đoạn 1981-1985, đạt 4,58%/năm so với 0,91%/năm giai đoạn 1976-1980.

Thành phó Ho Chi Minh: 40 nam cung tam voc moi

Đồng quan điểm, PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: thập niên đầu của 40 năm xây dựng và phát triển của TP.HCM là thời kỳ đầy sóng gió. Sau vài năm đầu, dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút.

Bám sát thực tiễn, hiểu dân, trọng dân, lo cho dân; Thành ủy TP.HCM đã kiên trì chủ trương tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân rồi cùng cán bộ cơ sở bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, mạnh dạn “phá rào” giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lĩnh vực liên thông phân phối thị trường, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, bằng những việc làm như xóa bao cấp, thực hiện ba lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp…

Và nhờ vào sự xé rào để đột phá, TP đã tìm được con đường phát triển phù hợp, góp phần tạo tiền đề đổi mới. Trong sáu KCX của cả nước thì các KCX ở TP.HCM ra đời sớm nhất, thu hút vốn đầu tư, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Từ khi thành lập đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ba KCX ở TP.HCM đã đạt trên 22,34 tỷ USD. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp, TP đã quan tâm và chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trong việc đổi mới máy móc, trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…

Đến nay, kinh tế TP đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. GDP giai đoạn 2001-2005 đạt 11%, giai đoạn 2006-2010 đạt 11,2%/năm, giai đoạn 2011-2015 ước đạt 9,6% - cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. TP tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao; cơ bản hoàn thành chương trình nông thôn mới trước ngày 30/4/2015. Đến năm 2014, TP có trên 140.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, có 5.331 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 36,65 tỷ USD. Tham luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ rõ điều này.

Chăm lo cho dân là tâm niệm xuyên suốt

“Chăm lo cho dân, không để bất cứ ai bị đói và thoát khỏi cảnh nghèo túng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc là quan điểm, là tâm niệm xuyên suốt của Đảng bộ và chính quyền TP”. Nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP - nguyên Trưởng ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TP Nguyễn Thành Tài khẳng định về chương trình giảm nghèo.

Theo ông Tài, chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá là một chương trình mang đậm tính nhân văn và khoa học, là sự đồng hành hỗ trợ, tạo mọi điều kiện giúp người nghèo, hộ nghèo có thêm động lực, tự tin vươn lên thoát nghèo. Chương trình xóa đói giảm nghèo của TP được bắt đầu từ đầu năm 1992, đến nay đã hơn 20 năm. Nếu giai đoạn 1 (1992-2003) toàn TP có 121.722 hộ nghèo đói với chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân dưới 3 triệu đồng/người/năm ở khu vực nội thành và dưới 2,5 triệu đồng/người/năm ở khu vực ngoại thành thì ở giai đoạn 3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định: TP đã hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 3 (2009-2015) sớm hơn hai năm.

TP.HCM còn là nơi có những đặc trưng nổi trội trong tư duy đổi mới, phát triển, hội nhập của giáo dục và đào tạo. TP hiện có khoảng 150 trường đại học, cao đẳng và khoảng một triệu sinh viên. Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết thêm: Năm 2014, 91 trường mầm non của TP đạt chuẩn quốc gia. Cấp tiểu học có 60 trường đạt chuẩn quốc gia, con số này ở bậc trung học là 26.

Về phát triển đô thị, TP đã có những thành quả đáng tự hào sau 40 năm. đó là sự mở rộng nội thị đúng định hướng quy hoạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gần 10 triệu dân. “Khó có thể kể hết tên hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn đã làm thay đổi cấu trúc TP như trục đường Bắc - Nam, Đông - Tây, Nguyễn Văn Linh, các đường cao tốc, tàu điện ngầm, hệ thống cảng Cát Lái, Hiệp Phước, hệ thống bệnh viện cấp quận huyện được xây dựng, hàng loạt trung tâm thể dục thể thao mới ra đời…

Việc mở rộng không gian đô thị theo xu hướng đa cực đã làm giảm áp lực về cơ sở hạ tầng trong khu vực, tạo nền tảng cho các khu vực đô thị mới đúng tiêu chuẩn về cấu trúc, phát triển đô thị xanh đã thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân”, TS-KTS Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM và TS-KTS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận định.

QUỲNH MAI

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải: Năng động và sáng tạo đã trở thành truyền thống và thế mạnh của TP.HCM

Điều rất mừng là qua 40 năm TP.HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, nhìn TP ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”… Năng động và sáng tạo đã trở thành truyền thống và thế mạnh của TP. TP.HCM, có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí to lớn của mình trong sự nghiệp chung của cả nước, cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải: Năm kinh nghiệm quý báu

Có năm kinh nghiệm cần được rút ra: luôn quán triệt, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng từng thời kỳ; luôn bám sát thực tiễn, nhận định sát đúng tình hình, kiên định “chân lý là khách quan và cụ thể…”; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; nhận thức đúng vai trò, vị trí của TP là nơi hội tụ và lan tỏa, vì cả nước, cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội... phát triển nhanh, bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người với tiến bộ và công bằng xã hội và luôn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng…

Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu: Nghĩa tình tạo sức mạnh thắng lợi

Miền Nam sống nghĩa tình gắn bó. Chính cái nghĩa tình của TP đã tạo cho TP sức mạnh giành được mọi thắng lợi. TP đã trải qua giai đoạn “đi trước về sau” rất gian khổ, là đầu sóng ngọn gió không thể nào quên.

GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Đóng góp quan trọng vào việc hình thành, phát triển đường lối đổi mới

Trong dòng chảy lịch sử vĩ đại của đất nước, TP.HCM giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Một trong những thành tựu đồng thời cũng là đóng góp quan trọng, quý báu của TP đối với công cuộc đổi mới đất nước là từ thực tiễn sinh động và sáng tạo của mình, TP đã góp phần quan trọng, rất tích cực vào quá trình tìm tòi, nghiên cứu hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nhất là đổi mới về mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI