Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ": Làm giả hồ sơ cấp điện cho lò gạch lậu

21/03/2016 - 07:18

PNO - Những cán bộ chủ chốt của EVN Sóc Sơn đã nhanh chóng “đi đêm” với cán bộ Sở Công thương HN hô biến lò gạch lậu thành trang trại sản xuất cám.

Tham nhap lo gach
Báo cáo tư vấn báo giá và thi công TBA 630 KVA

Hồ sơ xin cấp điện cho lò gạch trái phép là điều không tưởng. Tuy nhiên, muốn làm lò vòng, chủ lò phải đầu tư một trạm biến áp, để đảm bảo nguồn điện ổn định cho dây chuyền sản xuất vận hành. Những cán bộ chủ chốt của EVN Sóc Sơn đã nhanh chóng “đi đêm” với cán bộ Sở Công thương Hà Nội, làm giả hồ sơ, hô biến lò gạch lậu thành trang trại sản xuất cám chăn nuôi để cho ra đời những trạm biến áp có giá từ 650-900 triệu đồng.

"Có tiền là làm được hết"

Câu nói xưa như trái đất ấy, được chủ lò Đào Văn Thanh, xã Bắc Phú, H.Sóc Sơn, nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, khi nói về nghề làm lò “thổ phỉ”. Thời điểm PV có mặt ở Bắc Phú, ông Thanh vẫn đang đốt một cặp lò Bách Khoa thay phiên nhau. Bình quân mỗi tháng, từ cặp lò này, ông Thanh cho ra hàng trăm vạn gạch, thu lãi trên trăm triệu đồng. Ông Thanh nói chỉ sử dụng công nghệ xử lý khói khi có đoàn đến kiểm tra. Còn lại, để tiết kiệm điện, lò gạch của ông xả thẳng khói ra môi trường.

Gần đây, khi phong trào làm lò vòng lên cao, tin đồn lãi khủng, gấp 10 lần lò úp vung, ông Thanh cùng hai người bạn hùn vốn để xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp sẵn có. Nhờ việc để một lãnh đạo địa phương chung cổ phần, ông Thanh dễ dàng thôn tính nốt hơn 2ha đất sản xuất nông nghiệp liền kề khu đất của mình để dựng trạm biến áp 630kW và nhà trữ gạch. Ông Thanh tiết lộ: “Để một chiếc lò vòng đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng làm ngơ cho xây dựng… chi phí không dưới 500 triệu đồng tùy vào quan hệ của mỗi người”.

Trước khi đưa PV tiếp cận “ma trận” những mối quan hệ giúp lò gạch lậu của mình có thể hoạt động được, ông Thanh giới thiệu một “sếp” điện lực trẻ măng. Theo giới thiệu, người này tên Thắng, đội trưởng đội điện lực, phụ trách xã, thuộc Công ty Điện lực Sóc Sơn. Chính Thắng là tác giả của trạm biến áp mang tên Đào Văn Thanh, đặt ngay trên đường vào khu đất ông Thanh đang xây chiếc lò vòng trị giá hàng chục tỷ.

Ông Thanh dặn chúng tôi: “Khi nào các em làm lò cứ nhờ Thắng làm trạm biến áp, rẻ hơn ông Thịnh, giám đốc EVN Sóc Sơn hàng trăm triệu đồng. Thắng đã giúp anh “phù phép” mọi thủ tục biến lò gạch này thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thì mới xin cấp điện được”.

Thắng nói, ngoài trạm biến áp của ông Thanh, anh ta đang hoàn thiện trạm biến áp 560 KW cho ông Thành, chủ lò vòng ở xã Xuân Giang, H.Sóc Sơn, mọi thủ tục xin lập trạm đều phải “lách luật”. Trước khi trao đổi kỹ hơn, Thắng yêu cầu chúng tôi đưa đến khu đất định xây lò để anh ta khảo sát vị trí, khoảng cách đặt cột rồi mới tính toán để báo giá cụ thể. Theo những gì Thắng nói, có muôn vàn chiêu trò để lách luật, lập trạm biến áp trái phép, gian lận giá cả nhằm có lợi cho người mua điện, chỉ bằng một cú vẫy tay của Thắng và chi phí hàng trăm triệu đồng.

Tham nhap lo gach
Email báo giá

Nhắm mắt làm liều

Thắng nói với chúng tôi: “Nếu xin cấp trạm biến áp phục vụ sản xuất gạch thì không bao giờ làm được. Tôi sẽ lập cho chị làm một công ty khác, lấy giấy phép hành nghề khác để hợp thức hóa hồ sơ. Giấy phép kinh doanh, mọi thủ tục của anh Đào Văn Thanh cũng do tôi làm hết. Quan trọng nhất là được Sở Công thương cấp phép”. Để dẫn chứng cụ thể, Thắng đem khoe chúng tôi một văn bản cấp phép của Sở Công thương Hà Nội, nội dung “phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu đất công ích...” (để được lắp đặt trạm biến áp).

Thắng giải thích thêm: “Hồ sơ xin cấp phép làm trạm biến áp rất chặt chẽ. Chỉ có người trong đường dây của chúng tôi mới có thể nại ra được tất cả mọi thứ, miễn sao có tiền. Tôi có thể xin cho chị sản xuất gạch không nung chẳng hạn, còn sau đấy chị làm như thế nào thì do chị. Tôi có thể làm giấy phép cho chị từ đốt gạch thủ công sang nuôi gà ấp trứng, làm trang trại… mà không bị ai thẩm định. Chị chỉ việc đưa cho tôi một cục tiền, giấy phép của chị làm ngành nghề nào là do chúng tôi, miễn xin được giấy phép lập trạm biến áp cho nhà chị sản xuất gạch là được. Phần lách luật ở Sở Công thương chị xác định phải chi 30 triệu đồng để họ làm giấy tờ sai thực tế, không cần thẩm định mà cấp cho mình. Nơi làm việc này là phòng Quản lý điện năng Sở Công thương Hà Nội chị ạ”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI