Thầm lặng mà cao cả

27/05/2014 - 10:45

PNO - PN - Khi đã đi qua được đoạn đời lắm thăng trầm, gian khó, bà Vương Thị Hồng Nhiệm (SN 1956, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.2, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chẳng chịu nghỉ ngơi mà tận tâm, tận lực lo từ chén cơm, tấm áo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi ghé nhà vào đầu buổi sáng đã thấy bà Nhiệm ngồi đếm, sắp xếp từng cuốn tập học trò còn mới nguyên. Xong đâu đấy, bà ôm chồng quần áo cao ngất ra phân loại, cái nào bẩn thì giặt, cái nào rách, sờn thì vá. Tháng Năm, ngồi trong nhà vẫn mướt mồ hôi như bên lò lửa, nhưng bà cứ làm luôn tay, nụ cười giòn tan. “Năm học sắp tới đây, tôi sẽ tặng các cháu học sinh cấp I mỗi đứa chừng 10 cuốn tập, cấp II thì 20 cuốn. Tặng cho 20 cháu. Không đủ điều kiện mua một lần, tôi mua dần dần, chừng nào đủ thì tặng. Còn quần áo, bà con ai cần, tôi mang tặng hoặc gửi lên vùng sâu vùng xa cho các cháu nhỏ”, bà Nhiệm nói. Gần 10 năm nay, bà luôn làm như thế.

Năm 1996, chồng mất, bà Nhiệm một mình nuôi sáu người con, đứa nhỏ nhất mới bốn tuổi. Nhà lá xập xệ, rau cháo qua ngày. Năm 2000, được động viên, khích lệ, bà tham gia sinh hoạt Hội PN. Bà Nhiệm nhớ lại: “Sinh hoạt Hội, cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn. Cũng nhờ nguồn vốn vay của Hội mà mấy mẹ con tôi làm chuồng, mua heo về nuôi. Sau này bán những lứa heo ấy thì có tiền cất lại nhà”. Bà vừa làm thuê, vừa nuôi heo, năm này qua năm khác. Trời không phụ lòng người, các con bà lớn lên, ai cũng ngoan, có công việc ổn định. Qua tuổi 50, bà mới được thư thả chút đỉnh. Từ đó, bà đi nhiều, tiếp xúc nhiều với chị em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và dang tay giúp họ.

Gần 10 năm trước, trong lúc xách giỏ đi chợ, bà Nhiệm tình cờ gặp cô công nhân tên Tr. đang ngồi khóc. Tr. trót mang thai, bị người yêu bỏ rơi nên không dám về quê. Nhìn Tr. đơn độc, ngày sinh đã cận kề, tiền bạc không, người thân cũng không, bà Nhiệm chạnh lòng. Đắn đo một hồi, bà đưa Tr. về nhà chăm sóc, mua sữa, thức ăn cho chị bồi bổ, dưỡng thai đến tận ngày sinh con. Trong năm 2013, bà cũng đưa về nhà chăm sóc, lo thuốc men cho hai nữ công nhân khác lâm hoàn cảnh như Tr. Thậm chí, những nữ công nhân khi vào bệnh viện sinh con mà thiếu tiền, không người thân, khi biết tin bà lại gói ghém vào thăm nuôi như họ là con, cháu ruột của mình. Nhiều người can, “cái thời chẳng biết tin ai được, sao còn dám dẫn người dưng về nhà”. Bà Nhiệm nói một câu “nhẹ hều”: “Tôi nghĩ, sống ở đời, cần có sự sẻ chia”.

Tham lang ma cao ca

Bà Nhiệm (bìa trái) trao đổi kiến thức, kinh nghiệm hoạt động Hội với chị em phụ nữ trong phường

Cả năm nay, vào mấy ngày đầu tháng, bà Nhiệm đều mang gạo, mắm muối đến thăm các gia đình đặc biệt khó khăn. Bà tự bỏ tiền túi ra, cộng thêm sự chung tay của anh em, bạn bè nên thường hỗ trợ cho khoảng năm gia đình, chừng 10 ký gạo/gia đình/tháng. Thấy trường hợp chị N.T.C. khó khăn, chồng bỏ đi, một mình làm thuê nuôi hai con ăn học, bà Nhiệm vừa hỗ trợ gạo vừa chạy xin học bổng để các con chị C. không phải dang dở đường đến trường. Hay như anh H. sống cảnh “gà trống nuôi con”, bà Nhiệm cũng thường xuyên biếu gạo, mắm muối, có khi ít tiền và tìm xin học bổng cho các con anh H.

Hồi trước, ở khu phố có hai cụ Nguyễn Thị Đại, Phạm Thị Rong tuổi già quạnh quẽ, ốm đau. Bà Nhiệm đã tự nguyện chăm nom hai cụ suốt những năm cuối đời, lui tới giặt giũ, bồng bế các cụ đi tắm rửa, lau dọn giường chiếu sạch sẽ. Theo lời chị Nguyễn Thị Dân, Chủ tịch Hội LHPN P.Tam Bình: “Chị Nhiệm làm gì cũng âm thầm, lặng lẽ, không hề phô trương. Đặc biệt, chị lo cho các cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn như là ruột thịt của mình vậy".

Hồi đầu tháng Năm này, bà Nhiệm là một trong số 114 tập thể, cá nhân được UBND - UBMTTQ Việt Nam TP.HCM tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Lúc được mời lên sân khấu giao lưu, bà quýnh quáng, nói: “Tôi dở lắm, biết chi đâu mà kể”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI