Tăng phí xe máy, có tăng chất lượng đường sá?

06/11/2014 - 08:46

PNO - PNO - Từ 1/1/2014, chủ xe máy phải đóng phí mỗi xe máy 150.000 đồng/năm, tăng 50.000 đồng so với trước. Nhưng liệu Bộ GTVT cùng những bộ ngành liên quan khác có cam kết với người đóng phí là chất lượng cầu đường sẽ tăng khi phí...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo thông tư số 133/2014/TT-BTC Bộ TC ban hành ngày 11/9/2014 thì từ ngày 1/11/2014, mỗi xe máy phải đóng 150.000 VND, tăng 50.000 VND so với thông tư trước; xe máy nào chưa đóng tiền phí sử dụng đường bộ sẽ bị phạt gấp 3 lần mức phí quy định.

Theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi” thì việc đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy là chủ trương hoàn toàn đúng. Nhưng liệu Bộ GTVT cùng những bộ ngành liên quan khác có cam kết với người đóng phí là chất lượng cầu đường sẽ tăng khi phí tăng hay không? Vì chúng tôi đóng phí để được sử dụng thì chúng tôi có quyền chất vấn, có quyền phản ánh nếu chất lượng phục vụ không tốt. Và chúng tôi có quyền yêu cầu chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, tương xứng với những gì mình đã đóng góp.

Tang phi xe may, co tang chat luong duong sa?

Chiếc xe tải sụp nắp cống lật đè lên người PN bán nón trước cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày 14/10 vừa qua.

Tính từ thông tư số 197/2012/TT-BTC (Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2012 về thu phí quản lý đường bộ đối với xe máy) đã gần hai năm, nhiều cầu được xây mới, nhiều đường được nâng cấp mở rộng, nhiều đường nông thôn được tráng nhựa …từ tiền do người dân đóng cho phí sử dụng đường bộ. Đó là những thành tựu không nhỏ của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dân vẫn chứng kiến nhiều tồn tại xung quanh vấn đề chất lượng đường, chất lượng cầu, chất lượng nắp cống vừa đưa vào nghiệm thu và sử dụng. Nhiều con đường, nhiều cây cầu xây từ tiền phí sử dụng đường bộ và dự án ODA, tài trợ của Ngân hàng Thế giới mới sử dụng chưa kịp “thôi nôi” đã bị đủ thứ chứng bệnh như: lở loét, ổ voi, bệnh gout (nổi u nổi cục), bệnh dợn sóng, “bệnh lệch pha khi giao ban” giữa mố cầu và mép đường, hay bệnh “thấp dần - lún dần” của đường và cầu.

Người dân nào từng tham gia giao thông nếu đầu óc chưa bị chấn thương sọ não bởi tai nạn giao thông đều có thể chẩn đoán những căn bệnh trên một cách chính xác mà không cần qua trường lớp chuyên môn, hay bằng cấp đầy mình.

Vừa rồi, ngày 14/10, một phụ nữ ngồi bán hàng rong phải chết oan ức khi bị xe tải đè nát vì nó bị lật do nắp cống như những hải đảo mới mọc lên giữa biển khơi lặng sóng. May mà xe tải lật, nếu xe chở học sinh tham quan di tích lịch sử, tham quan Thảo Cầm Viên, đi ngoại khóa mà…lật do nắp cống thì hậu quả thảm khốc đến cỡ nào?

Lúc đó, liệu có anh giám đốc Sở GT-VT, anh Bộ trưởng Bộ GT-VT nào dám từ chức, liệu quỹ bảo trì đường bộ sẽ hỗ trợ bao nhiêu cho đủ, cho vừa tính mạng những con người, những mầm non, những nhân tài của đất nước trong tương lai?

Đó là những tai nạn bề nổi, còn những tai nạn bề chìm như khi người đang đau, hay vừa phẫu thuật phải trải qua trên những “con đường đau khổ” thì người dân đành ngậm đắng nuốt cay chịu đựng.

Gần hai năm qua từ ngày ra thông tư số 197/2012/TT-BTC, xe cộ thì mật độ càng ngày càng đông, kẹt xe, nước ngập… diễn ra như cơm bữa và càng gay gắt hơn. Xe đông đến nỗi nếu ai đó cần 5 phút để đi đoạn đường 5 km đến bệnh viện cấp cứu, có thể chết trên đường vì kẹt xe cách bệnh viện cần đến có… 5m.

Dân đóng phí xăng dầu, phí sử dụng đường bộ, phí cho trạm thu phí hợp pháp và phi pháp ngày càng cao. Nhưng chất lượng đường sá, cầu cống ngày càng giảm theo cấp số nhân và luôn đi kèm với những con đường mới mở, cây cầu mới xây, những công trình đáng lẽ để lại cho con cháu xài hai ba thế hệ thì ngay ngày đầu đã nứt, đã lún (như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Trung Lương, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Mai Chí Thọ…).

Và đến nay, sau bao năm thu phí sử dụng đường bộ, người dân cũng không nghe Bộ GT-VT, hay Sở GT-VT báo cáo cho đồng bào rõ mình thu chi thế nào hàng năm. Vậy minh bạch tài chính - một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước - trong trường hợp này bị bỏ quên? Vì sao?

Tội cho chiếc xe máy, tội cho người cưỡi xe máy khi còng lưng cõng đủ thứ phí: phí xăng dầu, phí nhập khẩu, phí trước bạ…nay thêm phí sử dụng đường bộ tăng cao trong khi lương cơ bản thì dậm chân tại chỗ. Thế mới biết “tồn tại hay không tồn tại” vẫn là một câu hỏi thú vị cần phải luôn được hỏi!

NHÂN TIẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI