Tấm lòng rộng mở

15/04/2015 - 08:06

PNO - PN - Mùa thi đại học năm 1989, tôi lên Sài Gòn chỉ với ít tiền, một túi gạo và tờ giấy ghi địa chỉ người chị họ gần ga Hòa Hưng. Tới nơi, bác chủ nhà trọ cho hay, chị tôi đã trả phòng khoảng hai tháng trước. Tôi đang rối...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lát sau, cánh cổng lại mở. Bác bảo tôi đưa cho xem giấy báo dự thi. Xem xong, bác nói: “Nơi thi của con là trường Lê Hồng Phong, gần đây. Bác tính vầy, con cứ ở tạm nhà bác, thi xong rồi tính”.

Tam long rong mo

Các tình nguyện viên tại TP.HCM chuẩn bị các suất cơm miễn phí cho thí sinh thi đại học.

Ngay chiều hôm đó, bác cho tôi mượn chiếc xe đạp để đến trường Lê Hồng Phong. Bác chạy xe máy đi kèm để vừa chỉ đường, vừa hướng dẫn tôi đi cho đúng luật. Đứa con gái nhà quê, lần đầu đạp xe trên đường phố Sài Gòn đông nghịt, dù có bác chạy gần bên, tôi vẫn lo sợ nhiều.

Sáng hôm sau, tôi đi làm thủ tục dự thi. Lần này, đến trường một mình nên tôi rất lo lắng. Vừa ra đầu hẻm, thấy một chiếc xe máy quẹo gấp, tôi né qua một bên, chân chống vội xuống miếng tôn đậy trên nắp miệng cống. Tôi hụt chân ngã nhào. Bà con ở đầu hẻm túa ra, đỡ tôi dậy, người dựng lại chiếc xe, người nhặt giúp tập vở… Nhà bác ấy đã khóa cửa nên tôi không thể vào. Một dì liền dắt tôi vào nhà để rửa ráy. Dì còn lấy dầu xoa mấy chỗ bầm trên tay tôi.

Buổi sáng tôi thi, bác mua cho gói xôi đậu, dặn: “Mang vô trường ăn cho chắc bụng. Nhớ làm bài cẩn thận”.

Tôi nhớ ngày đưa tôi ra bến xe, má nói: “Người lạ mời ăn uống gì cũng đừng có rớ. Ai hỏi gì cũng đừng tùy tiện trả lời, coi chừng bị bỏ bùa mê thuốc lú, quên đường về”…

Giờ tôi không chỉ ăn uống, mà còn ở trong nhà người dưng suốt mấy ngày. Nếu không có bác chủ trọ tốt bụng, không có những người Sài Gòn thân thiện, không biết tôi sẽ vật vạ nơi nào, và chắc gì tôi đã thi đậu.

Sau này, học đại học, tôi hiểu nhiều hơn về người Sài Gòn. Nhiều người tôi có dịp tiếp xúc luôn cảnh giác, ít tin nhau, nhưng một khi đã tin, họ luôn cư xử chân tình. Tôi làm thêm ở quán cơm của chú thím Năm. Mấy ngày đầu, tôi… ghét chú thím thậm tệ. Chú thấy tôi làm chậm, cứ mắng té tát. Thím thì lúc nào cũng lườm lườm. Đến khi tôi quen việc, chú thím ít la rầy hơn. Có bữa tôi ra về, thím gọi lại, bảo tôi lấy chỗ đồ xào mang về ăn.

Tôi chưa kịp trút vào bọc, chú đã lớn tiếng, “sao lấy cái đó”. Tôi chuẩn bị phân bua thì chú nói: “Còn quá ít, ăn sao đủ bữa. Thịt kho còn nhiều kìa, lấy đi”. Sau này, khi đã quen thân hơn, tôi hỏi chú thím sao lúc nào cũng quát nạt. Chú nói: “Làm ăn phải tạo bộ mặt hung dữ, dân “cà chớn” mới không dám ăn quịt. Người ngay thẳng thì mình phải ứng xử với họ cho phải”. Nói rồi chú cười ha hả.

Hơn 20 năm xa Sài Gòn, giờ tới lượt con trai tôi trọ học nơi này. Cũng như má tôi ngày xưa, tôi dặn con cẩn thận đường đi nước bước, và không quên nói với con, nơi ấy vẫn có nhiều tấm lòng rộng mở, sẵn sàng sẻ chia với người đang gặp gian khó.

 THÙY GƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI