Sụt lở nghiêm trong tại đường Trường Sa: Do thi công ẩu?

06/08/2016 - 07:03

PNO - Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến một đoạn đường Trường Sa (phường 14, Q. Phú Nhuận, TP. HCM) bị sụt lở là do đơn vị thi công đã gia cố phần móng không cẩn thận.

Có thể lan vào khu vực dân sinh sống

Ngày 5/8, khu vực sụt lở đường Trường Sa bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè càng trở lên trầm trọng khi hố sụt lớn hơn so với ngày 4/8 rất nhiều. Cơ quan chức năng nhận định, hố sụt này có thể để được một chiếc xe buýt 45 chỗ lọt thỏm.

Cụ thể, chiều hôm ngày 4/8, mặt đường chỉ lún 7cm rồi sau đó lún sâu 0,7m nhưng đến sáng 5/8 đã lún sâu 5m, dài 8m. Ngoài ra, cách đó 50m cũng đã xuất hiện thêm vị trí sụt lún mới.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự cố này, TS. Đinh Trọng Tuấn - công tác tại Khoa Kỹ thuật Công trình, trường Đại học GTVT TP. HCM cho rằng rất có thể do phần móng đường không được gia cố cẩn thận khi xây dựng dẫn đến hiện tượng sạt lở.

"Công trình nào cũng rất chú trọng phần móng, đối với các công trình gần bờ sông, bờ kênh thì vai trò của móng càng trở lên quan trọng. Bởi nền móng ở khu vực này thường yếu và có khả năng bị mạch nước ngầm xói mòn. Chính vì thế, trước khi xây dựng phần đường thì đơn vị thi công phải thực hiện gia cố phần móng rất chắc chắn mới đảm bảo an toàn, độ bền cho công trình" - ông Tuấn cho biết.

Sut lo nghiem trong tai duong Truong Sa: Do thi cong au?
Hố sụt lún tại đường Trường Sa vào sáng ngày 5/8 (Ảnh NLĐ).

Chính vì thế, ông Tuấn khẳng định việc đường Trường Sa sụt lở một hố sâu chỉ sau 3 ngày bàn giao là do đơn vị thi công đã làm ẩu, thiếu trách nhiệm. Ông Tuấn phân tích: "Không có một công trình nào đúng tiêu chuẩn mà đã gặp phải sự cố chỉ sau vài ngày bàn giao. Với trường hợp ở đường Trường Sa, chúng ta không thấy có ngoại cảnh tác động, lượng xe đi lại qua đây hàng ngày là điều được dự đoán trước và nằm trong công thức tính toán của kỹ sư xây dựng. Từ đó mà đưa ra phương án dầm nén nền móng sao cho phù hợp. Ngoài ra, dòng chảy của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghe trong những ngày qua cũng ổn định, không có hiện tượng gì bất thường... Vậy tại sao đường lại sụt lún?".

Vùng lún sụt diễn ra nhanh, chứng tỏ phía dưới bị hổng một lỗ rất lớn và đang có tác động để lở tiếp. Nếu không có phương án khắc phục kìm thời thì có thể vùng lún ngày càng lan rộng, kéo vào phần dân cư đang sống.

Ông Tuấn cũng đặt ra giả thiết, bờ kè không tốt khiến cho nền đất bị sụt, nước xoáy vào bên trong. "Khi móng không được dầm nén chắc chắn thì chỉ cần mạch nước ngầm nhỏ cũng khiến cho sự cố ngày càng trở lên nghiêm trọng" - ông Tuấn nói.

Được biết, trước đây đoạn đường Trường Sa đã từng xảy ra tình trạng tương tự vào tháng 4/2016. Sau đó, được sửa lại. Trước ý kiến cho rằng địa chất ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè yếu TS Phạm Sanh - chuyên gia về cầu đường cho rằng, nếu do địa chất yếu thì chắc chắn không xảy ra sụt lún cục bộ.

“Hiện tượng sụt lún đột ngột trên đường Trường Sa có thể do dưới đường bị rỗng bởi thiết kế, thi công ẩu và phải được đào lên để biết nguyên nhân do lỗi thiết kế hay lỗi thi công”, ông Sanh nhấn mạnh.

Rất phức tạp

Cũng trong ngày 5/8, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM đã kiểm tra thực địa khu vực bị lún trên đường Trường Sa, phát hiện thấy ở độ sâu 7m so với mặt đường có một cống thoát nước của hệ thống cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè nối qua đường Hoàng Sa.

"Theo phán đoán ban đầu, đường cống này có thể bị sụp hố, đứt gãy nên nước thoát ra với lưu tốc mạnh làm xói đất cát đá phủ lên trên cống dù được dầm nén chặt nhưng vẫn bị vữa ra và kéo mặt đường sụp xuống. Sự cố này chưa xác định được là gãy vỡ như thế nào." - ông Trường nói.

Sut lo nghiem trong tai duong Truong Sa: Do thi cong au?
Sáng ngày 5/8, các phương tiện di chuyển qua đường Trường Sa rất khó khăn (Ảnh NLĐ).

Theo ông Trường, để xử lý trường hợp này rất phức tạp. Do hố này vẫn đang tiếp tục lún nên phải đóng hệ thống thoát nước để tránh hiện tượng xói đất cát lan rộng”. "Chúng tôi vẫn đang phối hợp với các bên xác định nguyên nhân qua việc khoan xác định vị trí, quy mô và độ hư hại đồng thời khoanh vùng để sửa chữa", ông Trường thông tin.

Tuy nhiên, đây chỉ dự kiến là phương án hỏng số 1 và có thể có các phương án hỏng khác mà cần phải đào, khoan địa chất và xử lý mới biết chính xác nguyên nhân. Hiện nay, cơ quan chức năng đã đóng hệ thống thoát nước, không để hiện tượng xói lở thêm nghiêm trọng.

Tắc đường nghiêm trọng

Sáng ngày 5/8, hiện tượng ùn tắc cục bộ xuất hiện trên đường Trường Sa (Q.Phú Nhuận, TP. HCM) đoạn qua hố sụt lún. Xe buýt, xe máy phải đi cả vào phần vỉa hè của người dân. Khung cảnh giao thông trở lên hỗn loạn, buộc lực lượng chức năng phải có mặt giải quyết.

Chị Phạm Thị Hoài An (35 tuổi) cho biết, việc đường sụt lún đã khiến phương tiện giao thông di chuyển khó khăn, càng gần đến điểm sụt lún thì càng ùn tắc. Người dân phải mất cả tiếng đồng hồ mới đi qua được khu vực này.

Hiện tại, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phải  tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực kể từ ngày 5/8 đến ngày 7/8 như sau:

- Đường Trường Sa (đoạn từ đường Đặng Văn Ngữ đến đường Bùi Thị Xuân), Quận Phú Nhuận: Cấm tất cả các loại xe lưu thông, lộ trình thay thế:

+ Lộ trình 1: Trường Sa => Đặng Văn Ngữ => Lê Văn Sỹ => Phạm Văn Hai => Trường Sa.

+ Lộ trình 2:  Trường Sa => Lê Văn Sỹ => Phạm Văn Hai => Trường Sa.

+ Lộ trình 3: Trường Sa => Nguyễn Văn Trỗi => Nguyễn Trọng Tuyển => Phạm Văn Hai => Trường Sa.

- Đường Đặng Văn Ngữ (đoạn từ đường Trường Sa đến đường Lê Văn Sỹ), Quận Phú Nhuận: Tổ chức lưu thông 01 chiều theo hướng từ đường Trường Sa đến đường Lê Văn Sỹ. Lộ trình thay thế:

+ Lộ trình 1: Lê Văn Sỹ => Huỳnh Văn Bánh => Đặng Văn Ngữ.

+ Lộ trình 2: Lê Văn Sỹ => Trường Sa => Đặng Văn Ngữ.

- Cầu Số 5: Cấm các loại xe lưu thông, lộ trình thay thế: sử dụng cầu số 6, số 7, số 8, cầu Trần Quang Diệu, cầu số 9, cầu Lê Văn Sỹ để lưu thông.

Đoàn Văn
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI