Sức mạnh tiềm tàng

16/11/2013 - 18:20

PNO - PN - Trong những ngày này, nhân dân ta đang hướng về nỗi đau của người dân Philippines, đất nước đang cùng ta chia ngọt sẻ bùi trong hàng chục cơn bão mỗi năm cũng như trước những mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Philippines đang gượng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thật may mắn, siêu bão Haiyan khủng khiếp chỉ vờn qua một dải bờ biển miền Trung nước ta. Nhưng cả dân tộc đã thức dậy trước nguy cơ có một không hai trong lịch sử chống thiên tai của mình. Thức dậy như vó ngựa kẻ thù đã nện ngoài biên ải. Thức dậy và xích lại gần nhau hơn như trong giờ phút trọng đại sống còn. Đây không chỉ là chuyện mới có ngày hôm nay mà đã là truyền thống. Chống ngoại xâm và thiên tai là những trang sử chủ yếu của lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Suc manh tiem tang

Miền Trung, “xứ dân gầy”, miền Trung nghèo, đất chật người đông, nơi hứng chịu hầu hết những cơn bão đến từ Biển Đông đã chứng tỏ bản lĩnh trước những đe dọa của siêu bão có tốc độ di chuyển và sức gió kinh hoàng. Chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ, nhân dân miền Trung đã xiết chặt đội ngũ. Hơn nửa triệu người được di dời đến những nơi an toàn, nhanh chóng, trật tự đến bất ngờ. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, thành phố Đà Nẵng đã có một bộ mặt khác. Đường phố vừa đông đúc trước đó nay thưa thớt bóng người. Gần mười vạn dân nằm trong vùng đất “đầu sóng ngọn gió” tự nguyện theo lệnh chính quyền, chuyển đến hơn 60 điểm tập trung an toàn, để lại sau lưng nhà cửa, của cải cho lực lượng chức năng trông coi mà không lo sợ bị xâm hại, mất mát. Lực lượng công quyền và dân lập gồm quân đội, công an, y tế, dân phòng và những đội thiện nguyện xuất hiện nhanh chóng trên đường phố, kịp túc trực ở những nơi dự đoán có nguy cơ cao.

Không chỉ riêng Đà Nẵng và một dải miền Trung. Cuộc diễu hành của nhân dân chống thiên tai cũng được tổ chức nhịp nhàng và kịp thời từ bờ biển Cần Giờ TP.HCM đến tận Hải Phòng, Quảng Ninh. Đã xuất hiện những sáng kiến ứng phó với cơn bão. Những căn hầm đào vội trong cát để cố thủ an toàn. Những bao nước thay bao cát đè trên mái nhà. Trộm cướp mới đây còn diễn ra hàng ngày nay biến mất như có phép lạ. Có cái gì tương tự như nhân dân đang xiết lại gần nhau trước mối đe dọa của giặc ngoại xâm một thời vẫn còn tươi mới trong ký ức. Người ta mở cửa đón dân tránh bão như từng đón người tản cư chiến tranh, không nề hà, không chậm trễ.

Nhiều người tự hỏi: tại sao cũng người dân ấy, nhiều khi mất cả mấy năm trời không chịu di dời ngôi nhà tranh vách đất của mình cho một dự án xây dựng, nay bỗng vui vẻ và bỏ lại nhà cửa, gia tài, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của chính quyền; kỷ cương, niềm tin đã bị lung lay, bị đánh mất đang sống lại? Tại sao mới đây chỉ cần một va quệt nhỏ trên đường người ta sẵn sàng thí mạng, nay bỗng thấy ấm áp tình người trên đường sơ tán hay trong những ngôi nhà đùm bọc dân tránh bão?

Nhân dân vẫn còn đó. Khi đi cùng nhân dân, thực sự vì dân chứ không vì quyền lợi nhỏ nhen của cá nhân hay nhóm đặc quyền, khi người dân thấy rõ nhiệm vụ mình phải làm là vì sự sống còn của chính mình và đất nước thì niềm tin và sức mạnh bùng lên mạnh mẽ lạ thường, có thể làm sáng mắt những ai vẫn coi dân như cỏ rác hay cái vú sữa để bòn rút. Cũng không biết nếu siêu bão ập vào tàn khốc như Philippines thì cơ sự sẽ ra sao, nhưng có thể tin chắc rằng cuộc chuẩn bị chống bão vừa qua là một biểu hiện hùng hồn sức mạnh tiềm tàng của nhân dân, điều đã thấy hơn một lần trong lịch sử. 

 Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI