Sống dậy sau "cái chết lâm sàng"

22/12/2015 - 07:52

PNO - Thành công với công việc, tôi đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ, giải quyết việc làm cho hàng trăm người.

Tốt nghiệp THPT, từ Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tôi vào TP.HCM học ngành xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV. Khi đang học, tôi thường nghĩ mình sẽ về quê làm gì đó, hoặc sẽ rẽ sang ngành công an; nhưng tốt nghiệp, tôi lại tính phải ra đời bươn chải trước đã.

Vừa may, một đơn vị nhà nước tại TP.HCM nhận tôi vào làm. Khoảng những năm 2000, “làm nhà nước” là niềm mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Nhưng chỉ làm được ba năm, tôi phải nghỉ vì… thu nhập không đủ sống. Tôi làm phụ trách tài chính tín dụng cho dự án của một tổ chức phi chính phủ tại tỉnh Đồng Nai, dù thu nhập khá cao nhưng tôi vẫn mong muốn được làm việc ở TP.HCM sôi động. Vì thế, sau sáu năm làm việc, năm 2006, tôi quay về TP.HCM. Lúc này là một năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Tôi nghĩ, khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành xây dựng và bất động sản (BĐS) sẽ rất sôi động, nên xác định sẽ làm trong lĩnh vực BĐS và đầu quân cho Công ty môi giới bất động sản Đ.X. Tháng đầu tiên, tôi nỗ lực hết mình nhưng chẳng bán được căn hộ nào. Tôi không nản dù lòng rất trăn trở: mình không có duyên với BĐS?

Tôi ôm laptop vào công ty để làm việc, nhiều đồng nghiệp ái ngại bởi lúc đó trong công ty chưa ai có laptop, kể cả sếp. Ít ai hiểu, từ lúc đó tôi đã quan tâm đến kinh doanh online, marketing online. Tháng thứ hai, qua mạng, tôi chào bán thành công 10 căn. Tháng thứ ba, tôi được lãnh đạo công ty bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh Q.7.

Hai năm sau, thị trường BĐS bắt đầu trầm lắng, nhiều đơn vị môi giới BĐS bỏ cuộc, nhảy sang lĩnh vực khác hoặc phá sản. Tôi rời Đ.X. với hai bàn tay trắng, vì thu nhập của tôi tuy khá nhưng chi phí tiếp khách, giao dịch cũng hơi bị “dày”. Điều tôi thu nhặt được trong mấy năm làm tại đây là vốn kiến thức và kinh nghiệm rất lớn về lĩnh vực BĐS.

Rồi tôi được mời làm CEO (giám đốc điều hành) cho một công ty chuyên về sàn giao dịch địa ốc trên mạng. Nhưng định hướng chiến lược của công ty lại không rõ ràng nên chỉ một năm sau, tôi xin nghỉ, ra mở công ty riêng, chuyên về môi giới BĐS.

Lập công ty giữa lúc BĐS “thoái trào”, nhiều người quen ái ngại cho tôi. Nhưng, tôi lại nghĩ khác: thời điểm này mình ít đối thủ cạnh tranh hơn. Nhưng do tôi ít vốn, lại chưa có tên tuổi, nên các nhà đầu tư không tin tưởng giao dự án.

Làm môi giới không hề đơn giản. Muốn môi giới bán nhà cho một dự án 500 tỷ đồng, bạn phải bỏ ra ít nhất 2,5 tỷ xây căn hộ mẫu để giới thiệu, làm marketing... Năm 2011, khi công ty tròn một tuổi thì vốn liếng cạn kiệt, chỉ còn bảy nhân viên mà tiền lương cũng không có để trả, nhiều người nản, bỏ đi.

Song day sau
Đoàn Chí Thanh (ảnh nhỏ) và một buổi công bố mở bán căn hộ cho một dự án ở phía Tây TP.HCM

Đầu năm 2012, tôi họp nhân viên, đề ra hướng đi là hợp tác (thực chất là làm thầu phụ, bán căn hộ cho nhà thầu chính). Nếu đến tháng Tư, tình hình không sáng sủa, sẽ tuyên bố phá sản. Tôi chọn các dự án ở phía Tây TP.HCM để hợp tác phân phối căn hộ. Nhờ thành công với hai dự án lớn, tôi có tiền trả lương nhân viên và tích lũy được một số vốn. Tôi biết, mình đã trụ được với thị trường BĐS.

Tôi định hướng kinh doanh và kiên định đi theo chín chữ “sản phẩm thật, giá trị thật, nhu cầu thật”. Tôi chỉ chọn phân phối các dự án đã hoặc đang hoàn thiện phần xây dựng, xây đàng hoàng, giá phù hợp túi tiền của số đông. Với cách làm đó, chỉ sau hai năm, công ty tôi đã bán được trên 1.000 căn hộ cho hai dự án lớn mà công ty được độc quyền phân phối.

Thừa thế xông lên, tôi mở hai chi nhánh công ty môi giới, sau đó còn mở thêm một công ty xây dựng, một công ty sản xuất - chế biến gỗ. Tôi không muốn dừng ở việc môi giới, phân phối sản phẩm, mà còn muốn trực tiếp làm và quản lý dự án.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI