Sở Y tế 'vừa đá bóng vừa thổi còi'?

09/10/2014 - 14:33

PNO - PN - Chiều 6/10, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục hủy kết quả trúng thầu ba mặt hàng thuốc do chính Sở công bố trúng thầu vào tháng 5/2014. Điều đáng nói là nhờ báo chí phát hiện, Sở mới tiến hành hủy các mặt hàng này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tính ra, chỉ trong một tuần, Sở đã hủy kết quả của bảy mặt hàng thuốc, trị giá trên 21 tỷ đồng, gồm: thuốc Bicnu sử dụng trong các trường hợp ghép tủy, ghép tế bào gốc; thuốc Erwinase điều trị ung thư bạch cầu cấp; thuốc Sodium Bicarbonate điều trị các trường hợp nhiễm toan máu do sốc nhiễm trùng huyết; thuốc Digoxin điều trị suy tim cấp và suy tim mạn, thuốc Sustonit điều trị đau thắt ngực, thuốc Bipando chữa bệnh đường tiêu hóa, thuốc Peptan chống loét dạ dày tá tràng.

Sở Y tế cho biết sẽ xem xét xử lý các nhà thầu. Điều này khiến dư luận và các công ty dược chưa thỏa mãn vì không hề thấy trách nhiệm của Sở ở đâu.

So Y te 'vua da bong vua thoi coi'?

Lọ thuốc Bicnu

Một loại thuốc muốn tham gia đấu thầu phải đáp ứng trước tiên về mặt pháp lý, yếu tố kỹ thuật sản xuất rồi mới tính đến chuyện giá dự thầu. Thế nhưng, ngay từ yếu tố pháp lý, bảy mặt hàng thuốc này đã không đáp ứng được nhưng công tác thẩm định, chấm thầu đều trót lọt. Thứ nhất, giấy phép nhập khẩu của các loại thuốc này đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế quy định rất rõ là chỉ nhập về cho một số bệnh viện (BV) giải quyết nhu cầu cấp bách, chứ không được phép tham gia đấu thầu tập trung tại Sở Y tế TP.HCM. Thuốc nhập theo chuyến sẽ được ưu tiên nhiều mặt như: miễn xuất trình tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt và phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất khi nhập khẩu thuốc...

Mặt khác, đây là các loại thuốc được nhập theo đợt tạm thời khi Cục cấp phép nên nguồn thuốc nhập về không ổn định, chưa đảm bảo đủ các điều kiện để tham gia đấu thầu rộng rãi. Đó là chưa kể, một số loại thuốc hết thời hạn cấp phép nhập khẩu cũng được trúng thầu. Điển hình như thuốc Digoxin 0,5mg/2ml dạng ống tiêm dùng cho điều trị suy tim được Cục Quản lý dược cho phép Công ty Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu trong thời gian một năm kể từ ngày ký 20/11/2012, tức là giấy phép nhập khẩu hết hạn vào năm 2013. Vậy mà thuốc này vẫn trúng thầu vào tháng 5/2014 tại Sở Y tế TP.HCM.

Như vậy, lỗi trước hết thuộc về các công ty đã gian lận đưa các loại thuốc sai quy định vào đấu thầu thì chính Sở - nhà mời thầu càng sai nghiêm trọng khi để lọt lưới hàng loạt hồ sơ đấu thầu vi phạm. Việc Sở tuyên bố chấm dứt chuyện mua bán, hủy kết quả trúng thầu với các loại thuốc vi phạm này liệu có còn kịp khi người bệnh đã sử dụng thuốc suốt năm tháng qua kể từ lúc trúng thầu?

Còn nếu xét về góc độ pháp lý, việc Sở đơn phương hủy kết quả trúng thầu các loại thuốc cũng vi phạm. Một mặt hàng thuốc đã trúng thầu chỉ bị chấm dứt hợp đồng khi công ty đó không cung ứng thuốc đầy đủ và đúng hẹn cho BV hoặc nguồn gốc thuốc không rõ, thuốc nhập lậu, tự tăng giá… Các mặt hàng thuốc này đều có nguồn gốc rõ ràng, do đó, xét cho cùng là lỗi của Sở đã chấm thầu sai.

Điều khiến dư luận chưa an lòng là hiện Sở “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa tổ chức mời thầu vừa tự hủy kết quả trúng thầu. Liệu có còn mặt hàng thuốc nào đã lọt lưới không?

Dù Sở có thông tin trấn an dư luận là sẽ rà soát các mặt hàng thuốc khác, tìm phương án thay thế, sớm đấu thầu lần hai… nhưng dư luận vẫn băn khoăn khi đợt đấu thầu vừa qua, Sở chưa nhận sai sót của mình và không xử lý mạnh tay với các công ty làm ăn gian dối. Khi xảy ra sai phạm cũng không thấy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu của trung tâm mua sắm. Hy vọng khi nhận ra những sai sót thì Sở không nên biện bạch cho lỗi chung của tập thể là Sở Y tế TP.HCM.

Nếu điểm lại những vụ sai sót trong đấu thầu thuốc gần đây ở các tỉnh, chúng ta sẽ thấy việc quy trách nhiệm người lãnh đạo rất rõ ràng. Đơn cử như ở Cà Mau, năm 2014, các BV sai phạm trong công tác đấu thầu làm Nhà nước thiệt hại 21 tỷ đồng thì nguyên giám đốc sở cũng bị xử lý nghiêm khắc.

 Dược sĩ NGUYỄN VĂN MINH
(Q.10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI