Số trẻ bị sốt xuất huyết tăng mạnh, nhiều nơi chẩn đoán sai

11/07/2015 - 08:47

PNO - PN - Những ngày qua, số trẻ nhập viện do sốt xuyết huyết (SXH) đang tăng mạnh, trong đó nhiều trẻ trở nặng vì bác sĩ (BS) nhiều phòng mạch chẩn đoán sai, điều trị không đúng phác đồ của Bộ Y tế. Thậm chí, một số cơ sở y tế...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bệnh sốt xuất huyết “tăng tốc”

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 5.200 ca mắc bệnh SXH. Số người mắc bệnh SXH đang tăng dần trong mùa mưa, với tốc độ tăng nhanh hơn sau mỗi tuần. Đặc biệt, số ca mắc bệnh những ngày đầu tháng Bảy cũng tiếp tục tăng, tập trung ở các quận như: Q.3, Thủ Đức, Tân Phú…

Thực tế, số ca nhập viện vì SXH chiếm rất ít so với số ca mắc. Sáng 9/7, tại Khoa SXH của BV Nhi Đồng 1 có đến 61 trẻ đang nằm điều trị nội trú; trong đó có hai ca rơi vào tình trạng sốc. Tại phòng cấp cứu của Khoa SXH, nhiều trẻ được truyền dịch, truyền máu. Trên giường bệnh, bé trai N.H.G.B. (năm tuổi, nhà ở Q.12) đang mê man.

Mẹ bé B. kể: “Lúc đầu, bé bị sốt cao liên tục, tôi đưa con tới một phòng mạch gần nhà thì BS nói cháu bị viêm họng rồi cho thuốc uống. Uống thuốc mấy ngày vẫn không hết, trong khi bé vẫn tiếp tục sốt. Đến ngày thứ năm, bé hết sốt, ói, đau bụng. Thấy con mệt, lừ đừ, tôi chở lên BV Nhi Đồng 1. Nghĩ khám xong sẽ về, ai ngờ BS nói nhập viện ngay và bé nằm luôn tới giờ”.

Tương tự, tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, vài ngày trước, số trẻ nhập viện điều trị SXH chưa đến 20 ca/ngày, nhưng ngày 9/7 có gần 30 trẻ đang nằm điều trị nội trú. Trong đó có một ca nặng, ba ca phải theo dõi sát vì có nguy cơ trở nặng. Nhìn con gái N.T.L. (bảy tuổi) đang được truyền máu, cha bé L. xót xa: “Cháu đã bị bệnh thiếu máu Thalassemia, bị SXH càng thêm mất máu. Mấy hôm nay, BS phải truyền máu cho cháu liên tục. Bây giờ sức khỏe cháu đã tạm ổn, nhưng BS nói sẽ chuyển qua BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM để theo dõi tiếp”. Các BS cho biết, bệnh SXH sẽ diễn tiến phức tạp trong thời gian tới vì thời tiết thất thường.

Theo PGS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur chưa ghi nhận vi-rút SXH biến đổi gen, nhưng type D3 của SXH đang trong giai đoạn lây lan mạnh.

Ở khu vực phía Nam, số ca mắc SXH ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi, trong khi tại các tỉnh Đông Nam bộ, số BN người lớn mắc khá cao.

So tre bi sot xuat huyet tang manh, nhieu noi chan doan sai

Trẻ mắc bệnh SXH nặng đang được truyền máu tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh chụp sáng 9/7)

Bệnh diễn tiến nặng vì điều trị sai

BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH, BV Nhi Đồng 1 khuyến cáo: “Một số trường hợp bệnh trở nặng do người nhà chăm sóc sai. Khi thấy trẻ sốt cao, cha mẹ tự chườm nước lạnh, rượu, các chất có cồn, cạo gió, cắt lể để mong hạ sốt, nhưng thực tế, cách làm này sẽ khiến trẻ nhiễm lạnh và rất dễ nhiễm trùng, mất máu, khiến bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Một số gia đình còn lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, đặc biệt là thuốc có hoạt chất aspirin, ibuprofen, gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa, rất nguy hiểm cho trẻ vốn bị SXH. Cha mẹ cũng thường đè miệng trẻ để nặng chanh hạ sốt, nhiều trường hợp làm trẻ chảy máu, gãy răng, thậm chí tắt nghẽn đường thở, rất nguy hiểm.

Nhiều trường hợp nhập viện, BS dặn phụ huynh không cho trẻ ăn thức ăn có màu nâu như sô cô la, nước ngọt, cháo huyết… để dễ phát hiện sớm triệu chứng xuất huyết tiêu hóa do SXH gây ra, nhưng các bà mẹ vẫn cứ chiều con. Ngoài ra, cũng có những trường hợp bệnh trở nặng do một số BS phòng mạch, cơ sở tuyến dưới chẩn đoán nhầm trẻ mắc bệnh viêm họng, nhiễm siêu vi, tiêu hóa, đường hô hấp… chứ không phải SXH nên người nhà chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo, nhất là vào ngày thứ ba, thứ tư của bệnh, bệnh nhi dễ rơi vào nguy cơ nặng, sốc”.

Báo cáo với Bộ Y tế về nhận định tình hình tử vong SXH năm 2014 và đầu năm 2015, các BS BV Nhi Đồng 1 cho rằng, bên cạnh những ca khó chẩn đoán, vẫn có nhiều ca bệnh trở nặng do phòng mạch, BV điều trị không đúng phác đồ của Bộ. Ví dụ, theo hướng dẫn của Bộ thì điều trị SXH Dengue chỉ có ba loại dịch truyền, gồm Ringer lactat, NaCl 0,9%, dung dịch cao phân tử (Dextran 40 hoặc 70 hay HES, thế nhưng nhiều nơi vẫn sử dụng dung dịch Gelatin trong điều trị sốc SXH. Một BS cho biết, dung dịch đại phân tử Gelatin vốn dùng cho BN bị sốc nhiễm khuẩn, sốc phỏng, viêm tủy cấp… và không có hiệu quả đối với bệnh SXH, vậy mà nhiều nơi vẫn sử dụng.

Mặt khác, việc truyền dịch chỉ thực hiện trên người bệnh SXH bị sốc, không ăn uống được, có nguy cơ trở nặng, có dấu hiệu mất nước; trong khi các BS tư lại quen truyền dịch mỗi ngày cho bất cứ BN nào bị SXH. Việc truyền dịch như vậy là không đúng chỉ định vì có những trường hợp BN bị sốc không phải do SXH mà do truyền dịch quá nhiều. Nếu truyền dịch quá mức, có thể làm BN suy hô hấp. Khi đó, việc điều trị vất vả, tốn kém vì phải sử dụng nhiều phương tiện hiện đại như máy thở, truyền máu, huyết tương, tiểu cầu… Thời gian hồi phục trên những BN này cũng kéo dài cả tháng, trong khi nếu không quá tải với dịch truyền, người bệnh có thể hồi phục sau hai-bốn ngày.

Hiện nay nhiều xe vận chuyển BN của một số cơ sở tư nhân, thậm chí xe cấp cứu của một số phòng khám không có hoặc thiếu BS, điều dưỡng chuyên về cấp cứu nhi. Có không ít trường hợp, nhân viên y tế khi vận chuyển người bệnh chưa được huấn luyện phác đồ điều trị SXH, lúng túng khi xử trí. Tĩnh mạch của trẻ rất khó tìm, do đó, trên đường chuyển viện, nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm sẽ khó tìm được tĩnh mạch để truyền dịch. Nếu không được truyền dịch, BN rơi vào tình trạng sốc, tái sốc, suy hô hấp nặng. Chưa kể, nhiều xe cấp cứu còn thiếu máy móc hỗ trợ người bệnh như: máy theo dõi mạch, độ bão hòa oxy, máu động mạch, hệ thống cung cấp oxy, thuốc, dịch truyền, máy hút đàm, thuốc cấp cứu…

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc và tử vong do SXH của năm 2014 thấp nhất trong 10 năm qua, với gần 31.850 trường hợp mắc và 20 ca tử vong (riêng miền Nam chiếm 95%); nhưng năm 2015, dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, gia tăng nếu không kiểm soát tốt. Năm tỉnh/thành có số ca mắc SXH nhiều nhất cả nước là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Dù biết SXH là bệnh nguy hiểm, nhưng theo BS Nguyễn Trí Dũng, sự phối hợp giữa người dân với ngành y tế chưa tốt trong việc giám sát, phòng căn bệnh này. Tại TP.HCM, có nơi người dân vẫn thiếu hợp tác với nhân viên y tế dự phòng, không đồng ý cho cán bộ y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi, không tự tẩy rửa, vệ sinh, phòng bệnh theo hướng dẫn…

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI