Sao có thể dừng dạy và học ngoại ngữ?

07/01/2014 - 14:43

PNO - PNO – Qua trả lời phỏng vấn báo chí mới đây của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Nguyễn Hữu Chính, một giáo viên THPT ở tỉnh Bạc Liêu, vừa gửi đến PNO một số ý...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chúng tôi cảm thấy bất ngờ và sửng sốt với bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trên VNExpress.net và báo Tuổi Trẻ số ra ngày 03/01/2014. Bất ngờ vì đó là trả lời của một thứ trưởng, là phát ngôn chính thức của Bộ GD-ĐT; còn sửng sốt vì chính nội dung của những phát ngôn đó.

Trước hết, chúng tôi nói về quan điểm của ông thứ trưởng, cách hành xử của ông thứ trưởng với môn ngoại ngữ. Khi được hỏi về tầm quan trọng của môn ngoại ngữ; Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Hiện nay ngoại ngữ thi trắc nghiệm, nôm na là thí sinh chỉ cần gật với lắc nên không kiểm tra được năng lực”. Ở phần trước, khi được hỏi về phương án thi, ông cho rằng: "Các môn toán, văn, địa, sử thi tự luận; lý, hóa, sinh thi trắc nghiệm, ngoại ngữ có 2 phần thi tự luận và trắc nghiệm”. Trước thì nói ngoại ngữ vừa tự luận vừa trắc nghiệm, sau thì nói thi trắc nghiệm. Câu trả lời này chứng tỏ thứ trưởng mâu thuẫn với chính mình.

Ông nói: “Ngoại ngữ thi trắc nghiệm chỉ cần gật và lắc”, thế thì “lý, hóa, sinh” thi trắc nghiệm cũng chỉ cần gật và lắc, sao không bỏ nó đi? Mặt khác, nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới họ cũng thi trắc nghiệm; nhiều quốc gia, tổ chức khảo thí có uy tín thế giới, phương pháp khảo thí đều chọn thi ngoại ngữ bằng trắc nghiệm, thí sinh chỉ cần gật và lắc ư? Họ lạc hậu như vậy sao?

Sao co the dung day va hoc ngoai ngu?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cũng trong bài phỏng vấn trên, thứ trưởng cho rằng: “Bộ không để ngoại ngữ, là môn thi chính hay môn tự chọn vì muốn dành thời gian thực hiện đổi mới cách dạy học và thi ngoại ngữ theo đề án 2020 đến thực chất. Nếu thi ngoại ngữ theo cách hiện tại thì vừa không giải quyết được gì mà cả Bộ và trường đều mất thời gian. Kể cả nhà trường hiện nay dừng dạy ngoại ngữ cũng được, cho giáo viên đi tập huấn đúng chuẩn năng lực rồi về dạy lại còn có chất lượng hơn”. Chúng tôi hết sức bàng hoàng với cách trả lời trên. Ngoại ngữ hiện nay là môn học bắt buộc trong trường phổ thông. Dừng lại là sao, ai có quyền cho dừng lại? Cả nước Việt Nam sẽ dừng dạy và học ngoại ngữ? Dừng lại đến khi nào và khi nào bắt đầu lại?

Bởi vì, dừng lại là dừng cả một hệ thống (từ tiểu học đến nghiên cứu sinh) thì bao lâu nữa mới bắt đầu được? Rồi thì thế hệ bị dừng học ngoại ngữ sẽ tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới như thế nào? (Xin hãy tưởng tượng rằng khi dừng học ngoại ngữ có nghĩa rằng chúng ta có một đội ngũ những nhà khoa học không biết một tí ti ngoại ngữ nào). Nói thẳng ra, nếu dừng học ngoại ngữ thì cả vùng sâu, vùng xa và cả những người nông dân chân lấm tay bùn cũng phản đối. Đó là một cách đi ngược lại với xu thế phát triển của thời đại, với xu thế toàn cầu hóa.

Thiết nghĩ, nếu cách dạy, học và thi ngoại ngữ hiện nay còn lạc hậu (như trả lời của thứ trưởng trên báo Tuổi Trẻ) thì Bộ GD- ĐT phải thay đổi, phải cải cách nó chứ không phải là bỏ nó. Cái mới luôn phải tiếp thu những tinh hoa của cái cũ chứ không phải là phá bỏ. Cứ như lời của thứ trưởng là đúng và khoa học thì khi dừng dạy học ngoại ngữ phải dừng cả một chu kỳ của giáo dục phổ thông (hiện nay dạy ngoại ngữ từ lớp 3, tức là 10 năm cho một chu kỳ). Mười năm, mười thế hệ không học ngoại ngữ! Còn nếu các trường vẫn dạy mà không thi ngoại ngữ, chất lượng dạy học lại càng đi xuống. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta lại bắt đầu ở một điểm thấp hơn hiện nay. Đó là một chiến lược không giống ai thưa thứ trưởng!

Khi được hỏi liệu rằng thi ít môn có dẫn đến học lệch hay không, thứ trưởng cho rằng “Tình trạng học lệch hiện nay vẫn có, nhưng nếu học lệch chính đáng thì tốt đấy chứ. Học sinh được đảm bảo mặt bằng kiến thức sau đó dành thời gian cho lĩnh vực chuyên môn”. Xin thưa rằng, mục tiêu của giáo dục phổ thông hiện nay là giáo dục toàn diện, không học lệch, cho nên không thể nói “học lệch chính đáng được”. Lâu nay chúng ta ngấm ngầm cổ xúy cho học lệch chẳng qua là biểu hiện di căn của căn bệnh thành tích mà thôi.

Về các phương án thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra hai phương án và nghiêng về phương án một vì “phương án hai đã lạc hậu”. Chúng tôi nhận thấy cả hai phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều mới, chưa từng có trong lịch sử thi cử của nước nhà. Ở đây có hai điểm cần bàn: Thứ nhất, Bộ tự đưa ra hai phương án và khẳng định luôn một trong hai phương án đó đã lạc hậu. Vậy thì đưa ra phương án lạc hậu để làm gì? Đưa ra hai mà hóa ra chỉ là một! Thứ hai: Chúng ta chưa bao giờ thi tốt nghiệp THPT như hai phương án trên thì sao có thể nói rằng nó đã lạc hậu được?

Qua cách nói của thứ trưởng, có thể nói thẳng là Bộ GD-ĐT không muốn đưa ngoại ngữ là một môn thi bắt buộc hay tự chọn vào môn thi tốt nghiệp THPT. Bởi vì, như thứ trưởng trả lời, nó “Sẽ làm chậm quá trình đổi mới” (Tuổi Trẻ ngày 03/01/2014) và làm “Bộ và trường đều mất thời gian”.

Chúng ta đã có một quá trình lâu dài để đào tạo đội ngũ giáo viên, có nhiều trăn trở để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, kiên trì hình thành nhận thức đúng về vai trò của ngoại ngữ đối với cuộc sống, tốn kém biết bao nhiêu tiền của để mua sắm trang thiết bị dạy học… Vậy mà hôm nay thứ trưởng bảo “các trường dừng dạy học ngoại ngữ cũng được”; ngoại ngữ cũng không cần là môn thi. Đó quả thật là một sự lãng phí, bất công và là một bước đi tụt hậu.

Về diện miễn thi tốt nghiệpTHPT, thứ trưởng đưa ra tỉ lệ 20% căn cứ vào vào tỉ lệ tốt nghiệp THPT khá giỏi của những năm trước. Chất lượng giáo dục của mỗi trường, mỗi tỉnh, mỗi vùng đều khác nhau. Đưa ra tỉ lệ 20% là cào bằng, là theo kiểu bình quân, là một biện pháp hành chính áp đặt. Cần phải đưa ra những tiêu chí cụ thể với từng đối tượng, vùng miền cụ thể thì mới thật sự khoa học. Nơi nào chất lượng giáo dục tốt, tỉ lệ có thể cao hơn 20%, nơi nào chất lượng giáo dục chưa tốt tỉ lệ có thể thấp hơn 20%. Đó mới thật sự là một phương án khoa học.

Qua bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trên báo Tuổi Trẻ và VNExprees.net, chúng tôi muốn góp một tiếng nói, một ý kiến cho những dự định đổi mới thi của Bộ GD-ĐT. Mong rằng những ý kiến trên ít nhiều được quan tâm, chia sẻ.

Nguyễn Hữu Chính

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI