Sách giáo khoa cho năm 2015: Liệu có “đẻ non”?

16/04/2013 - 15:38

PNO - PN - Năm 2015 sẽ thay sách giáo khoa (SGK) mới. Đây là cơ hội lớn để ngành GD-ĐT thay đổi mạnh mẽ chương trình-SGK nhằm đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội cũng như yêu cầu của sự phát triển. Gọi là “cơ hội” bởi kể từ sau ngày...

Cần người chuyên nghiệp

Lần này, theo thông tin mới nhất, hai đoàn công tác về chương trình - SGK của Bộ GD-ĐT vừa kết thúc chuyến tập huấn hai tuần tại Úc vào ngày 19/3 vừa qua. Hai đoàn có khoảng 30 thành viên, đều là các chuyên gia của Bộ GD-ĐT, giảng viên các trường ĐH, tuyệt nhiên không có giáo viên phổ thông nào! Trước đó, Bộ đã tổ chức hơn 10 hội thảo về vấn đề khá căn bản như: thời gian cho giáo dục phổ thông; năng lực của học sinh (HS) phổ thông; cấu trúc văn bản SGK; đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi HS phổ thông; kinh nghiệm làm SGK của các nước… nhằm rút kinh nghiệm, tìm kiếm và đề xuất nội dung cho chương trình-SGK vào năm 2015. Dù có tổ chức các đoàn công tác đi nước ngoài, hay những cuộc hội thảo thì điều đáng lo ngại là từ nay đến năm 2015 còn rất ít thời gian, liệu chúng ta có thể làm nổi một bộ SGK có chất lượng hay lại đẻ non, giú ép? Ai là “tổng công trình sư” cho việc biên soạn bộ sách mới này?

Xã hội đang rất mong có được một bộ SGK phổ thông xứng tầm để việc dạy học thu được những hiệu quả đích thực. Sự “xứng tầm” ấy được cụ thể hóa là: những kiến thức đưa vào chương trình-SGK phải thật cơ bản, hiện đại nhưng gần gũi và phù hợp với trình độ HS, không trùng lắp và được tích hợp mạnh mẽ để giảm thiểu số môn học, giúp HS học tập nhẹ nhàng; có sự kết nối tốt giữa các lớp và các bậc học; số lượng các môn học tự chọn phong phú hơn nhằm giúp HS phát triển năng khiếu và định hướng nghề nghiệp… Nhưng, để những mong ước ấy trở thành hiện thực đòi hỏi phải có một đội ngũ những người làm chương trình và viết SGK thực sự chuyên nghiệp, thực sự đổi mới tư duy.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, ở các nước, đội ngũ những người viết SGK là cực kỳ chuyên nghiệp, chuyên nghiệp đến mức công việc của họ chỉ là nghiên cứu và viết SGK. Chưa hết, trước khi làm SGK, họ phải tiến hành nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu của đối tượng phục vụ, thăm dò thị trường, thậm chí còn tiến hành quan sát xem HS thường tập trung vào những điểm nào trên trang sách để “đặt” những kiến thức cơ bản vào đó, nhằm làm tăng hiệu quả của sách. Trong khi ở ta, những người làm chương trình-SGK, dẫu có được tập huấn nước ngoài, thì cũng vẫn là những “tay ngang”. Viết SGK, với họ, chỉ là “nghề tay trái”. Ban ngày, họ phải làm các công việc như nghiên cứu khoa học, quản lý, dạy học…, tối về mới làm SGK. Ở ta cũng chưa bao giờ có chuyện nghiên cứu xem “đối tượng phục vụ cần gì”, dẫn đến những người viết sách chỉ cung cấp những thứ mình có. Bởi thế mới có chuyện, khi làm chương trình-SGK, chuyên gia của các bộ môn ai cũng đòi phải dành nhiều thời gian cho bộ môn của mình! Thực tế này làm cho SGK trở nên nặng nề, nhiều kiến thức giáo viên và HS phải vất vả để tiêu hóa nhưng lại không giúp gì cho mục đích của môn học. Chẳng hạn những kiến thức về hệ thống từ vựng, cấu tạo từ tiếng Việt, phân biệt từ láy, từ ghép ở bậc tiểu học làm cho giáo viên và HS khổ sở nhưng lại không giúp các em yêu thích môn Văn, phát triển cảm xúc, tư duy và nuôi dưỡng tâm hồn! Đặc biệt, thành phần tham gia viết sách cho HS đa số là các chuyên gia, giảng viên ĐH; giáo viên - người trực tiếp đứng lớp, nắm rõ thực tế nhất lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, vì vậy, SGK nặng nề không có gì là lạ!

Sach giao khoa cho nam 2015: Lieu co “de non”?

Nhiều giáo viên TP.HCM phải tự đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp giảm tải cho HS - Ảnh: Phùng Huy

Quy trình ngược

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận: SGK hiện hành làm theo quy trình ngược, biên soạn SGK trước, xây dựng chuẩn kiến thức sau và thiếu một tổng chủ biên. Hậu quả là chương trình giáo dục phổ thông chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến từng môn học; nội dung sách nặng nề, quá tải. Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc không có tổng chủ biên chương trình đã là bài học kinh nghiệm “xương máu” cho lần đổi mới chương trình-SGK sau năm 2015. Thế nhưng, cho đến nay, dư luận vẫn chưa biết liệu có nhạc trưởng điều phối cho việc viết chương trình-SGK của các cấp học?

“Chuyên nghiệp” và “hiện đại” là chuyện không hề đơn giản. ThS Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng GD tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra yêu cầu: phải xây dựng chương trình giáo dục theo xu hướng giáo dục toàn cầu, nghĩa là phải hiện đại. Nhưng để “hiện đại” thì người biên soạn phải hóa thân vào thời đại mới mong có được những bài học mang tính cập nhật. GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói rằng phải thay đổi tư duy về mô hình nhân cách. “Khi chưa xác định được mô hình nhân cách sẽ không thể xác định được mục tiêu của chương trình giáo dục và không xác định được nội dung để viết SGK”.

Mô hình nhân cách theo GS Quân, bao gồm ba yêu cầu: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó kỹ năng, cụ thể là các kỹ năng phân tích, tổng hợp, đặt vấn đề, tìm mâu thuẫn, thương lượng, tìm thông tin, sử dụng ngoại ngữ… là vô cùng quan trọng và quyết định đến 60% sự thành công của mỗi con người khi bước vào đời. Trong khi chương trình SGK của ta lâu nay lại chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức, xem nhẹ kỹ năng và cũng chỉ quan tâm sơ sơ đến thái độ.

SGK làm ra là để phục vụ nhiều thế hệ HS. Có một bộ SGK tốt ta sẽ có nhiều thế hệ HS tốt. Vì tầm quan trọng đó mà SGK không thể làm vội vàng, “đẻ non”, “giú ép”. “Người viết SGK nhất thiết phải được huấn luyện thật kỹ, tư duy của họ phải thật sự đổi mới. Một khi tư duy chưa thay đổi, tốt nhất là khoan viết SGK. Đừng làm vội vàng, làm cho có” - ông Quân cảnh báo.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI