“Rút ruột” bảo hiểm

12/11/2013 - 07:25

PNO - PN - Thời gian qua, lợi dụng sự dễ dãi trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, một số cá nhân đã “rút ruột” bảo hiểm bằng chiêu thức tinh vi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Giấy nghỉ bận thành nghỉ... bệnh!

Chỉ cần đem thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), chứng minh nhân dân, đóng 5.000đ mua sổ khám bệnh đến phòng khám đa khoa Việt Nguyễn (21/6 Quốc lộ 1K, P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là một công nhân khỏe mạnh có thể trở thành bệnh nhân để lấy giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) về quyết toán.

Ông N.V.T. chủ phòng khám H… (thị xã Dĩ An, Bình Dương) kể, vừa qua, có một phụ nữ trẻ đến tìm ông, gạ bán danh sách công nhân nghỉ ốm (khoảng 1.000 người/tháng) của Công ty TNHH Freetrend (khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) kèm theo mã thẻ BHYT với giá 10 triệu đồng, đồng thời yêu cầu phòng khám xuất lại cho cô ta 1.000 giấy chứng nhận nghỉ việc có hưởng chế độ BHXH. Đổi lại, phòng khám có quyền tự kê khai bệnh lý để lấy thuốc từ BHYT.

Theo ông T., do nhận thấy đây là một hành vi “rút ruột” quỹ bảo hiểm nghiêm trọng nên ông không tham gia.

Đáng nói là sau khi danh sách, mã thẻ BHYT của công nhân Công ty Freetrend bị “lộ hàng”, đã xuất hiện tình trạng số lượng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do phòng khám Việt Nguyễn cấp cho công nhân Công ty Freetrend tăng đột biến, mỗi tháng xấp xỉ 1.000 giấy. Hầu hết số công nhân đi khám chữa bệnh tại phòng khám Việt Nguyễn đều thuộc diện trái tuyến, bởi phần đông các công nhân này đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế khác quanh khu vực Dĩ An (Bình Dương), Q.Thủ Đức (TP.HCM).

“Rut ruot” bao hiem

Nhân viên phòng nhân sự Công ty TNHH Freetrend đang trao đổi với PV Báo Phụ Nữ

Từ bất thường đó, qua kiểm tra ban đầu, lãnh đạo Công ty Freetrend đã phát hiện, T.T.N. (cô gái đã gạ bán danh sách cho ông T.), nhân viên phòng nhân sự của công ty đã lợi dụng kẽ hở để lập hồ sơ nghỉ bệnh khống nhằm rút ruột quỹ BHXH. Do phụ trách vấn đề bảo hiểm của công ty, khi thấy trong danh sách công nhân nghỉ bệnh của tháng Chín và Mười có 21 công nhân nghỉ việc với lý do bận việc gia đình nên T.T.N. đã đi “xin” 21 giấy nghỉ việc hưởng chế độ BHXH từ phòng khám Việt Nguyễn, sau đó về biến hồ sơ nghỉ bận của 21 công nhân trên thành nghỉ bệnh, để lấy tiền từ BHXH. Tổng số tiền chi trả cho 21 trường hợp này là hơn 11 triệu đồng.

Thử tìm phòng khám Việt Nguyễn để xin giấy C-65 (giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH), chúng tôi được một “bệnh nhân” bỏ nhỏ: cứ trình thẻ BHYT và chứng minh nhân dân, mua sổ khám bệnh, rồi khai đại một bệnh nào đó là được khám. “Khám xong là có giấy nghỉ!”, bệnh nhân này khẳng định. Chúng tôi làm theo và quả nhiên sau khi khám, bác sĩ hỏi chúng tôi muốn nghỉ mấy ngày để làm đề xuất (!). Sau đó, chúng tôi nhận thuốc, đóng tiền đồng chi trả với BHYT nhưng không phải ký vào bất kỳ giấy tờ nào. Những bệnh nhân khác cũng “thoải mái” như vậy.

Lý giải việc cấp giấy C-65 quá dễ dãi, bà Nguyễn Huyền Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH phòng khám đa khoa Việt Nguyễn cho biết, đã nhắc nhở các bác sĩ phòng khám phải cấp giấy đúng quy định nhiều lần, nhưng do bác sĩ “du di” cho công nhân…

Về 21 trường hợp nghỉ bận nhưng lại có giấy nghỉ bệnh của phòng khám Việt Nguyễn, bà Nguyễn Huyền Cơ khẳng định là không có chuyện cấp giấy C-65 khống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại phòng khám Việt Nguyễn là khoảng 2.000 thẻ BHYT. Thời gian qua, BHXH Bình Dương đã cấp nhiều đợt giấy C-65 cho phòng khám Việt Nguyễn. Cụ thể, tháng 2/2013 cấp 2.000 tờ (20 cuốn) C-65. Tháng 4/2013 là 2.000 tờ (20 cuốn), nhưng trong các tháng Sáu, Tám, Mười mỗi lần đã cấp lên 3.000 tờ (30 cuốn). Đáng nói là, BHXH Bình Dương vẫn chưa tính được mỗi tháng phòng khám Việt Nguyễn sử dụng bao nhiêu giấy C-65. Khi chúng tôi đề nghị cho biết thông tin về số thẻ và số tiền thanh toán tại phòng khám Việt Nguyễn để làm rõ vấn đề thì lãnh đạo BHXH Bình Dương cho “đó là bí mật”.

Khó quản hay làm ngơ?

Bà Ngô Lợi Lợi, phụ trách nhân sự Công ty Freetrend cho biết, số lượng công nhân nghỉ việc có giấy C-65 tại Công ty Freetrend rất cao. Công ty có gần 23.000 công nhân nhưng mỗi tháng phòng nhân sự nhận được từ 5.000 đến 7.000 giấy nghỉ, chiếm tỷ lệ khoảng 25% đến 30%. Dù cũng thấy bất thường nhưng đúng luật thì phải giải quyết.

“Rut ruot” bao hiem

Tình trạng này đã gây thiệt thòi cho công ty vì phải ứng tiền để chi trả chế độ nghỉ ốm đau, thai sản cho công nhân gần năm tỷ đồng/tháng, sau đó mới thu lại từ BHXH. Đó là chưa kể số tiền mà BHXH phải chi trả cho phòng khám để cấp thuốc cho bệnh nhân. Trong quá trình thu hồi từ BHXH, nếu có những hồ sơ không được duyệt xem như mình bị lỗ. Chưa kể, công nhân nghỉ theo chế độ ốm đau nhiều thì cũng gây khó khăn đến hoạt động sản xuất.

Bà Ngô Lợi Lợi cho rằng, chính sự lỏng lẻo trong quản lý giấy C-65 là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên trong công ty tìm cách lấy cắp dữ liệu tuồn ra ngoài. Đây chỉ là hành vi của cá nhân nhưng cũng làm ảnh hưởng đến công ty. Ở bệnh viện công, việc cấp giấy C-65 hết sức chặt chẽ, không phải công nhân muốn nghỉ là nghỉ, không có bệnh là dứt khoát không được cấp giấy. Còn ở phòng khám tư thì…

Một cán bộ BHXH cho biết, hiện việc cấp giấy C-65 tại phòng khám tư nhân quá dễ dãi, cứ vào khám, xin giấy, là được cấp… theo yêu cầu. Phải có quy định bệnh nào được nghỉ, nghỉ bao nhiêu ngày… để cấp giấy đúng.

Ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương thừa nhận, với những thông tin trên, rõ ràng là có sự dễ dãi trong việc cấp giấy C-65, gây thất thoát quỹ bảo hiểm và ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, đây không phải là vấn đề riêng của phòng khám Việt Nguyễn mà cần xem lại các cơ sở khác. "Trước tình trạng lạm dụng giấy nghỉ ốm, chúng tôi sẽ quyết liệt kiểm tra ngăn chặn, xem xét trách nhiệm của người được phân công giám định BHYT tại phòng khám. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần nghiêm túc ngăn chặn việc cấp C-65 bừa bãi làm ảnh hưởng đến quỹ BHXH và doanh nghiệp" - ông Phong cho biết.

Theo ông Phạm Việt Tiến, Trưởng phòng BHXH TP.HCM, trước đây Công ty Freetrend từng xảy ra việc có quá nhiều giấy nghỉ ốm giả, đã báo BHXH để kiểm tra xử lý, giờ lại có tình trạng này. Khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương là điểm “nóng” về vấn đề “rút ruột” bảo hiểm. Chuyện này khá phức tạp, vì công nhân dùng thẻ đăng ký bên này sang bên kia khám chữa bệnh, không loại trừ khả năng họ lấy tiền BHXH rồi lấy luôn BHYT. Vì việc cấp giấy C-65 không chỉ để BHXH phải thanh toán tiền nghỉ ốm cho công nhân với mức 75%/ngày công mà còn ảnh hưởng đến quỹ thanh toán chi phí khám chữa bệnh của BHYT.

Về nguyên tắc, theo thông tư 11 phân tuyến thì mỗi cơ sở y tế có chức năng cấp giấy nghỉ ốm bao nhiêu ngày, bác sĩ phải căn cứ trên thể trạng, bệnh lý và tiên lượng bệnh nhân cần nghỉ bao nhiêu ngày chứ không phải là hỏi người ta muốn “nghỉ bao nhiêu ngày”. Bên cạnh đó, việc cho thuốc BHYT phải dựa trên chứng từ hợp lệ. Theo quy định, bệnh nhân phải ký trên phiếu lãnh thuốc. Nếu hồ sơ không hợp lệ, bảo hiểm sẽ không thanh toán. Chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra để làm rõ vấn đề Báo Phụ Nữ nêu.

 TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI