Rối với vấn đề mang thai hộ

01/04/2015 - 12:54

PNO - PN - Sáng 31/3, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo nhằm phổ biến, hướng dẫn những điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại TP.HCM.

Tại hội thảo, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM trăn trở: “Khi Luật Hôn nhân - gia đình cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, những bác sĩ (BS) sản phụ khoa, nhất là BS chuyên ngành hiếm muộn như tôi rất cảm kích. Kỹ thuật thực hiện mang thai hộ không khó, lại giúp nhiều vợ chồng có con. Thế nhưng trong quá trình BV Từ Dũ lập hội đồng kỹ thuật để xét duyệt, tư vấn làm hồ sơ, nhiều thắc mắc của người dân gọi đến, chúng tôi không biết xử lý ra sao”.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nêu, Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 của Chính phủ quy định chỉ thực hiện mang thai hộ ở cặp vợ chồng chưa có con chung và thất bại với phương pháp hỗ trợ sinh sản. Thực tế, một số vợ chồng có con mắc bệnh di truyền, bẩm sinh như bệnh Down và muốn sinh con nhưng không thể mang thai (ví dụ, lần sinh trước đó người mẹ bị băng huyết sau sinh đã cắt mất tử cung…).

Những trường hợp ngoại lệ như vậy xem xét thế nào? Cũng có trường hợp, người phụ nữ không có tử cung, cũng không còn trứng dự trữ, liệu có thể xin trứng để thực hiện mang thai hộ? Về quy định điều kiện người nhận noãn hoặc phôi không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng thế hệ sau, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết đề nghị cần xem lại vì có trường hợp bệnh nhân bị bất thường di truyền, không thể mang thai. Vậy họ xin noãn hoặc xin phôi có được không?

Ngoài ra, luật ghi rõ mang thai hộ được áp dụng cho người Việt Nam và người nước ngoài; trong khi cũng có quy định người nhận noãn phải là người gốc Việt Nam; như vậy là không rõ ràng...

Roi voi van de mang thai ho

Trước những băn khoăn trên, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Việc nhờ người khác mang thai hộ phải được thực hiện từ trứng và tinh trùng của chính vợ chồng đó.

Với trường hợp noãn hay tinh trùng mắc bệnh lý thì không thể tạo ra phôi khỏe mạnh, do đó buộc phải xin con nuôi. Riêng vấn đề con mắc bệnh di truyền và muốn sinh thêm thì luật còn bất cập.

Hiện nay, y khoa đã có những kỹ thuật sàng lọc phôi bất thường để hạn chế sinh con mắc bệnh di truyền, nhưng luật chưa cho làm thì đành chịu. Sau này nếu sửa luật thì có thể thí điểm cho phép các cặp vợ chồng có con bị dị tật bẩm sinh được nhờ người khác mang thai hộ.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Bộ Tư pháp nói: “Trước khi ban hành luật, chúng tôi đã cân nhắc kỹ. Chúng tôi không quan tâm đến con người sinh học mà quan tâm đến quyền con người của trẻ được sinh ra. Chẳng lẽ vì dị tật mà chúng ta không thừa nhận quyền con người của trẻ? Hiện chúng ta cũng chưa thực hiện việc mang thai hộ cho người nước ngoài vì như vậy sẽ coi đây là dịch vụ y tế và liên quan đến nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia, do đó cần phải có cơ chế dài hơi về sau. Sắp tới, có thể đưa những trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại vào luật hình sự. BS thực hiện sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề, người liên quan đến đường dây thương mại này sẽ bị phạt tù…”.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bổ sung: “Chúng ta chưa thực hiện mang thai hộ cho người nước ngoài vì đã rút ra bài học từ Thái Lan. Nếu người nước ngoài không nhận con sau sinh thì ảnh hưởng đến nhiều thủ tục giấy tờ, rắc rối cho người mang thai hộ”.

BS Nguyễn Thị Ngọc Sương, BV Hùng Vương TP.HCM hỏi: “Trong một số trường hợp, sau khi điều trị hiếm muộn, cặp vợ chồng đã có đủ hai con nhưng họ còn nhiều phôi đang lưu trữ, muốn tiếp tục có con thì BV có nên thực hiện hay không? Điều tôi e ngại là phôi của người bệnh thì BV không được quyền giữ và họ sẽ đem phôi này đến BV khác để thực hiện. Như vậy, chúng ta sẽ quản lý như thế nào? Mặt khác, chúng ta có quy định rõ là một người được phép mang thai hộ mấy lần?”.

BS Nguyễn Viết Tiến cho rằng: “BV phải giải thích để người dân hiểu về đủ số con, nếu BV thực hiện chuyển phôi tiếp cho người bệnh là sai. Bộ Y tế sẽ có hệ thống kết nối với các BV để biết ai đã từng mang thai hộ và chỉ được mang thai hộ một lần duy nhất”.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết thắc mắc: Hồ sơ mang thai hộ phải có đầy đủ giấy tờ về tư pháp nhưng cụ thể gồm những giấy tờ gì thì BV không rõ. BV đã gửi công văn qua Sở Tư pháp TP.HCM xin ý kiến, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Hay, việc xác định giữa người mang thai hộ và người nhờ người khác mang thai hộ là họ hàng, bà con thì do ai xác nhận? Một số trường hợp, người mang thai hộ có con nhưng không có chồng thì có cần người chồng chưa kết hôn đến BV xác nhận?

Theo BS Tiến, khâu xác định người thân cùng họ hàng như thế nào phải do các cơ quan hành chính xã, thôn bản… xác nhận và đóng dấu đỏ, tuyệt đối không photo. Người ký phải chịu trách nhiệm, chứ không phải BS. BS Tiến cho biết, hạn chót vào tháng 6/2015 sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể.

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI