Quy định BV quá tải không được kê giường dịch vụ: Hợp lý nhưng...

07/07/2014 - 18:35

PNO - PN - Nhiều bệnh viện (BV) công tại TP.HCM đang “đứng ngồi không yên” trước dự thảo thông tư về hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu (diện dịch vụ) của Bộ Y tế. Theo đó, những BV quá tải (luôn có từ 10% giường bệnh nằm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gây khó cho người bệnh?

BV Q.Thủ Đức được giao nhiệm vụ triển khai 500 giường thường nhưng thực tế số bệnh nhân (BN) điều trị nội trú chỉ dao động từ 450 - 500 ca. Nhìn chung, BV Q.Thủ Đức không quá tải nên sẽ được “kê giường dịch vụ”. Thế nhưng, tình trạng quá tải lại tùy thuộc vào mỗi khoa, và số ca bệnh đông hay ít ở mỗi khoa còn phụ thuộc vào… thời tiết.

Sáng 1/7, Khoa Nội tổng quát BV Q.Thủ Đức có nhiều giường bệnh phải nằm ghép hai người và nhiều BN phải nằm ở giường dọc hành lang. Một y tá của khoa cho biết: “Khoa Nội tổng quát được giao chỉ tiêu 43 giường, nhưng số BN lúc nào cũng trên 70 ca. Hiện khoa có một phòng dịch vụ, với ba giường không đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh. Ngày nào cũng có hơn 10 BN đặt phòng dịch vụ”.

BN Phan Thị Út (47 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) nằm phòng dịch vụ điều trị hội chứng ruột kích thích chia sẻ: “Dù có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng tôi vẫn nằm giường dịch vụ cho yên tĩnh. Hơn nữa, nếu giá giường dịch vụ 200.000đ/ngày thì BHYT đã trả cho người bệnh 48.000đ, tôi chỉ đóng 152.000đ”. Tại Khoa Nhi có 54 giường thường (chưa kể 12 giường dịch vụ), trong khi đó, số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú không ổn định, có lúc chưa tới 50 trẻ nhưng có khi lên đến 80 ca/ngày.

Một bác sĩ (BS) của Khoa Nhi kể: “Vào những thời điểm ít người bệnh, khoa còn rất nhiều giường trống nhưng nhiều gia đình vẫn chọn phòng dịch vụ. Họ giải thích, con họ quen ngủ có máy lạnh, có ti vi coi hoạt hình mới dụ được uống thuốc… Do đó, vào những lúc ít bệnh, chúng tôi chủ động lắp thêm quạt, ti vi vào một, hai phòng trống để thành... phòng dịch vụ. Như vậy, BN vừa hài lòng, còn BV có thêm nguồn thu. Vào thời điểm đông người bệnh, BV sẽ chuyển công năng của hai phòng này trở lại bình thường, chứ không để người bệnh diện BHYT nằm dồn, nằm ghép”.

Nếu xét về chỉ tiêu quá tải (luôn có từ 10% giường bệnh nằm ghép hai người) không được dành diện tích cho các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì rất nhiều BV tuyến cuối ở TP.HCM không đáp ứng được tiêu chuẩn. BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu băn khoăn: "BV Ung Bướu được giao chỉ tiêu 1.300 giường thường nhưng thực tế có 1.500 BN điều trị nội trú, do đó nhiều BN phải nằm ghép. Tuy nhiên, nếu dựa vào tiêu chí này mà không cho phép BV khám, chữa bệnh diện dịch vụ là không phù hợp. Thực tế, nhờ việc triển khai khám dịch vụ ngoài giờ hành chính và trong ngày thứ Bảy, Chủ nhật mà BV đã giảm số BN đến khám trong ngày thường, điều này có lợi cho BN diện BHYT, rút ngắn thời gian chờ đợi. Còn về giường dịch vụ, BV cũng chỉ triển khai khoảng 10%, chủ yếu ở các khoa ngoại, sau khi BN vừa mổ xong hoặc chờ mổ. Điều này sẽ có lợi cho người bệnh ở tỉnh”.

Quy dinh BV qua tai khong duoc ke giuong dich vu: Hop ly nhung...

Khu điều trị theo yêu cầu tại BV Từ Dũ - Ảnh: Phùng Huy

Không thể làm gấp!

Theo BS Phạm Quốc Dũng, Phó giám đốc BV Q.Thủ Đức, dự thảo ra đời với mong muốn người bệnh diện BHYT không bị phân biệt đối xử khi khám, chữa bệnh và các BV phải tăng cường nâng cấp, cải tạo phòng bệnh, giường bệnh không phải diện dịch vụ… để phục vụ người bệnh tốt hơn. Do đó, nếu các BV có được một khu riêng biệt về khám, chữa bệnh dịch vụ thì sẽ không còn hạn chế số giường bệnh, giờ khám dịch vụ. Nhưng hiện nay, nhiều BV công diện tích chật hẹp, nhân sự không đủ để triển khai khu khám, chữa bệnh dịch vụ độc lập mà nằm chung với khu khám, chữa bệnh của BV. Điều này càng phải minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và không gây thất thu cho BV, ngân sách nhà nước.

Thực tế, tại Khoa Nhi, BV Q.Thủ Đức, mô hình phục vụ BN BHYT không thua gì BN diện dịch vụ. Nếu như bệnh nhi diện dịch vụ có phòng máy lạnh, ti vi riêng thì gia đình và bệnh nhi diện BHYT vẫn có khu vực trước các phòng để xem ti vi, sử dụng wifi, nghe nhạc… miễn phí. Ngoài ra, trẻ điều trị nội trú (kể cả diện BHYT) còn có khu vẽ tranh, tô màu, đọc truyện tranh, được nhân viên dạy học… Một BS tại Khoa Nhi cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên phải cư xử tốt với tất cả BN, không phân biệt bệnh nhi diện BHYT. Thực ra, BN BHYT cũng đóng tiền mua dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua BHXH TP.HCM”.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2 cho rằng, nếu các BV đảm bảo đủ số giường thường thì không nên hạn chế giường dịch vụ. Việc triển khai giường dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh và tăng thu cho BV, ngân sách nhà nước. Việc mở giường dịch vụ còn do nhân viên BV gói ghém các phòng chức năng chứ không phải tăng thêm giường vào các phòng bệnh thông thường, do đó cần phải xem xét kỹ.

Theo BS Lê Hoàng Minh, vấn đề là việc khám dịch vụ cũng phải minh bạch để tất cả BN đều hưởng lợi. “Tại BV Ung Bướu, chúng tôi không triển khai khám, chữa bệnh dịch vụ trong giờ hành chính. Chúng tôi vận động các BS, dành thời gian nghỉ ngơi để khám dịch vụ và họ hoàn toàn xứng đáng để được hưởng thù lao đó. Hay như những BS khoa ngoại, khoa xạ trị… nếu mổ xong, xạ trị xong cho người bệnh theo chương trình thì được phép thực hiện mổ dịch vụ. Riêng giường bệnh, nếu BN BHYT nằm ghép thì BV phải tính theo giá nằm ghép. Nếu giường ghép hai BN thì viện phí chỉ thu mỗi BN 50% giá giường bệnh, nằm ba BN thì thu 30% giá giường bệnh”.

Dự thảo thông tư trên sẽ được ủng hộ dưới góc độ tạo sự bình đẳng cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất ngày càng đáp ứng nhu cầu, giảm quá tải. Nhưng rõ ràng, nhu cầu nằm giường dịch vụ ở BV công là khá cao nên cần đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp cho các BV. Trước mắt, quy định nên xem xét số lượng từng khoa, chứ không nên áp dụng chung, cứng nhắc cho cả BV. Đồng thời, yêu cầu các BV phải xây dựng kế hoạch tiến tới chuẩn hóa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của BN.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI