Quốc hội nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện

30/10/2013 - 20:40

PNO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công...

edf40wrjww2tblPage:Content

Quoc hoi nghe bao cao quy hoach tong the ve thuy dien
Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tăng cường quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn các công trình thủy điện

Theo báo cáo bổ sung và giải trình kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện của Chính phủ, việc đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện đã, đang góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tổng công suất của các nhà máy thủy điện đã vận hành là 14.240,5 MW, bình quân hàng năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 50 tỷ kWh, tương đương khoảng 37,5% nhu cầu điện của cả nước hiện nay. Cho đến nay các địa phương có dự án, công trình thủy điện trên cả nước đã được rà soát quy hoạch và kết quả rà soát đã làm rõ được một số yêu cầu của Nghị quyết số 40/2012/QH13.

Việc quản lý chất lượng các dự án thủy điện nhìn chung bảo đảm yêu cầu, đạt hiệu quả tổng hợp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tuân thủ quy định của pháp luật. Đối với một số dự án thủy điện đã xảy ra sự cố, hư hỏng về công trình, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh liên quan đã kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý để bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu tác động tiêu cực, hỗ trợ thỏa đáng các thiệt hại do dự án gây ra; yêu cầu kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan.

Công tác trồng hoàn trả rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện trên cả nước hiện còn thấp, chưa đạt mong muốn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2006-2012, có 160 dự án thủy điện thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chuyển đổi 19.792ha rừng và diện tích rừng trồng hoàn trả mới đạt khoảng 3,7% so với yêu cầu.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện trồng hoàn trả diện tích rừng của các dự án thủy điện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tổng vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư là 43.868 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 27.517,5 tỷ đồng. Tổng số dân phải di dời là 62.784 hộ, đến nay đã di chuyển về nơi tái định cư 57.014 hộ (đạt 90,81%) cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương có liên quan; thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng thủy điện không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội.

Cơ bản thống nhất về một số giải pháp của Chính phủ về việc quản lý chất lượng, an toàn công trình thủy điện, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới đầu tư xây dựng, vận hành đập và hồ chứa thủy điện, cụ thể là các quy định về kiểm định, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phòng chống lũ lụt vùng hạ du, ứng phó sự cố xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập...

Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất và đồng bộ các quy hoạch phân ngành năng lượng; chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; thành lập các Ủy ban lưu vực sông lớn nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình thủy điện...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, dự án đường Hồ Chí Minh là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch thứ hai chạy dài xuyên suốt Việt Nam, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1 thường xuyên ách tắc; đồng thời tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh, đến năm 2010 phải nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe và đến năm 2020 nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị quyết số 38/2004/QH11 cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn do khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn, giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi, thậm chí nhiều dự án thành phần do thiếu vốn phải tạm dừng, giãn tiến độ thi công.

Mặt khác, quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg năm 2012 đã điều chỉnh chiều dài, hướng tuyến, quy mô của một số đoạn để phù hợp với Quy hsoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc và Quy hoạch phát triển giao thông-vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án đường Hồ Chí Minh theo hướng: Lùi thời gian hoàn thành việc thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi sang năm 2015; các đoạn tuyến còn lại và một số cầu hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020; tăng chiều dài toàn tuyến thành 3.183km (thay đổi tăng 16km so với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km tại Nghị quyết 38/2004/QH11).

Cơ bản tán thành với các nội dung của Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường - cơ quan thẩm tra Tờ trình nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc thực hiện dự án, nhưng không phải Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 38 mà đề nghị là Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 38 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Các nội dung của Nghị quyết gồm đánh giá chung kết quả thực hiện Nghị quyết số 38; giao Chính phủ tiếp tục thực hiện các yêu cầu nêu trong Nghị quyết 38, tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dự án; sau khi thông tuyến 2 làn xe, tổng kết, đánh giá việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh và báo cáo Quốc hội việc tiếp tục thực hiện dự án này để Quốc hội xem xét, quyết định...

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng ngành giao thông vận tải hoặc Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Đường Hồ Chí Minh để tập trung chỉ đạo thường xuyên và thống nhất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung của Dự án theo Nghị quyết 38.

Cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với quy định về chỉ định thầu

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi), đối với nội dung về chỉ định thầu, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng cần đưa các quy định về tỷ lệ giảm giá thành một yếu tố việc chỉ định thầu nhằm tăng tính hiệu quả trong chỉ định thầu. Vấn đề tính tiết kiệm giảm giá nên xem là một tiêu chí cần thiết trong chỉ định thầu.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị tách riêng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và quy định chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp hỗn hợp. Đối với gói xây lắp hỗn hợp, việc chọn nhà thầu phải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian, yêu cầu kỹ thuật, chi phí lựa chọn nhà thầu cũng cao hơn, vì vậy cần nâng mức chỉ định thầu đối với gói xây lắp hỗn hợp như hiện hành hoặc giao Chính phủ quy định cho phù hợp với từng giai đoạn, hạn chế việc sửa đổi, chỉnh lý luật.

Nêu thực trạng quy định chỉ định thầu áp dụng rất hạn chế cho việc cung ứng hàng hóa, sản phẩm có điều kiện nhất định, tuy nhiên, thời gian qua có trên 70% các gói thầu được thực hiện dưới hình thưc chỉ định thầu; nhiều quy định chưa chặt chẽ, dẫn đến nhà đầu tư, chủ thầu lợi dụng kẽ hở của quy định, lách luật, làm thất thoát tài sản, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) kiến nghị Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với chỉ định thầu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc thẩm định, quyết định, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản, vận dụng trường hợp khẩn cấp, cấp bách.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh cũng đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm các quy định về thời gian thực hiện gói thầu bởi trong thực tế, nhiều trường hợp chỉ định thầu vận dụng trường hợp khẩn cấp, cấp bách nhưng kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần mở rộng thêm một số trường hợp được chỉ định thầu do yếu tố điều kiện không có biện pháp xử lý nào khác như gói thầu cung ứng dịch vụ và hàng hóa chỉ có một nhà cung cấp có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu; các gói cung cấp dịch vụ hàng hóa do Nhà nước chỉ định...

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về điều kiện đối với cá nhân tham gia đấu thầu; về ưu đãi trong đấu thầu; về mua thuốc của các cơ sở y tế...

Theo PHÚC HẰNG (TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI