Quà tặng của chia ly

01/04/2015 - 07:47

PNO - PN - Bạn nói ngày mốt vợ chồng mình ra tòa ly hôn. Hôm nay là ngày thứ Bảy cuối cùng trong đời sống gia đình chung của mình với người đàn ông ấy và bé Bồ Câu sáu tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đã thống nhất là mình sẽ nuôi Bồ Câu, mình sẽ ở lại căn hộ chung cư này. Đã thống nhất là ba triệu tiền cấp dưỡng mỗi tháng, anh ta được thăm Bồ Câu tại trường mỗi tuần một lần vào giờ tan học, được đón Bồ Câu về nhà nội ở lại một ngày trong tháng. Đã thống nhất là hết phiên tòa ngày thứ Hai sắp tới, anh ta sẽ ra đi. Là đi vĩnh viễn, là đi biệt khỏi cuộc đời của hai mẹ con, là trở thành một người xa lạ.

Qua tang cua chia ly

Nguồn ảnh: internet.

Trong ngày thứ Bảy cuối cùng, họ nấu một bữa ăn chung. Anh ta gọi đó là bữa ăn “ân huệ”, bữa cơm chia tay. Bạn nói nấu cơm tối ăn chung cả nhà là chuyện từ hai năm nay không còn nữa, bây giờ nấu thấy ngường ngượng, nhưng thôi đằng nào thì ngày mốt cũng ra tòa ly hôn, cố gắng cũng chỉ lần này nữa thôi. Bữa cơm dọn ra, con bé Bồ Câu reo to “ba ơi ăn cơm”. Người đàn ông cầm chén xới cơm, dặn bạn: mai mốt anh không ở nhà, nhưng em nhớ nấu cơm tối hai mẹ con ăn, đừng ăn ngoài đường…

Rồi chừng như thấy cái quắc mắt của vợ (ai trong nhà này thường xuyên lê la trà đình tửu quán?), anh ta im bặt, quay sang dỗ dành con gái: thỉnh thoảng cho ba ăn cơm tối với Bồ Câu nha? Con bé vỗ tay: ba ăn tối ở nhà, ba chở con đi chơi nữa, mẹ cùng đi nữa…

Bạn viết lên facebook một dòng tâm trạng: “Đưa người, ta không đưa qua sông…”, chợt thấy mình đang làm một cuộc “tống biệt” ngậm ngùi.

Chẳng có chia ly nào không buồn. Những nỗi sầu chia ly dù có của mình hay của thiên hạ vẫn khiến mình rưng rưng thương nhớ. Là bởi đường xa, là bởi ngựa xe đi lại khó khăn, là bởi sông dài biển rộng cách trở. Nên thương kẻ “góc bể chân trời”, nên chạnh lòng nỗi niềm biệt xứ.

Nhưng nay thì đã ít những kẻ thương nhau trong khúc “tống biệt hành”. Người ta coi đi ra khỏi đời nhau là một sự giải phóng, giải thoát, là một chiến thắng của tự do. Thời của công nghệ, một cú phone là nhìn thấy nhau, nghe được nhau, nỗi buồn ly biệt không nặng nề đến vậy nữa. Chẳng còn nỗi lo biết bao giờ lại nhìn thấy mặt, chẳng còn ước muốn hội ngộ trùng phùng chỉ để “xem dung nhan đó bây giờ ra sao”!

Nhưng có phải cũng vì vậy, mà người ta dễ chia tay nhau hơn, dễ mất nhau hơn?

Khi xã hội phát triển cao, con người có thể đến với nhau dễ dàng hơn, cũng đồng nghĩa với việc nỗi sợ chia ly, nỗi sợ xa cách không còn là một áp lực nữa. Nhưng thực ra, họ đang tự đánh lừa mình. Qua bên kia con sông đời, mỗi con người đã là một con người khác. Cuộc chia ly không diễn ra nơi khách điếm, không có tiếng sáo biệt ly buồn thương, nhưng ai cũng biết đó là cuộc ra đi mãi không về. Người có gặp lại, có điện thoại hỏi thăm, có đưa đón con mình, cũng không còn là chồng mình nữa.

Bạn từng nghĩ, ừ thì chia tay, một lần cho khỏe thân, cả hai đều có trách nhiệm với con, đều cố gắng thực hiện các cam kết của mình. Con bé vẫn có cả ba và mẹ đó thôi. Bạn đã thấy quyết định ly hôn là đúng đắn. Thế mà sao bây giờ xong bữa cơm “tống biệt” này, bạn lại buồn? Phải giấu nỗi buồn này đi, bạn nghĩ vậy, kẻo không thì “thằng chả” sẽ nghĩ mình còn nuối tiếc, kẻo không thì “mất tư thế”, kẻo không thì nỗi buồn này nó sẽ hút cạn kiệt nghị lực của mình…

Nhưng bạn ơi, nỗi buồn là một đặc ân chứ không phải là một tai họa. Thật đáng sợ nếu đến lúc người ta chia tay nhau mà không còn cả nỗi buồn. Những nuối tiếc bâng khuâng cũng đáng giá như những suy nghĩ, quyết định dứt khoát.

Cuộc ly hôn của bạn, cho tới cách phiên tòa một ngày, bỗng nhiên có một đời sống riêng. Nó không yên lặng diễn ra, nó quẫy lộn, bồn chồn. Nó không còn như cũ nữa. Cùng với bao nhiêu là cam kết, thỏa thuận rõ ràng, cùng với bao nhiêu hờn oán, thất vọng, cùng với bao nhiêu dự định, bao nhiêu nghị lực để dành cho cuộc sống mới sau cái ngày ấy, bạn gói tặng người đi một nỗi buồn ly biệt.

Chỉ riêng điều này, bạn biết, “người mới” chẳng bao giờ có được để cho.

ÁNH NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI