Phương 'thử thuốc'

28/04/2015 - 07:04

PNO - PN - Giữa tháng 3/2015, Trần Hà Liên Phương (sinh năm 1981) - giảng viên bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) trở thành nữ tiến sĩ người Việt đầu tiên được vinh danh trong giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Cảm tình” với những viên thuốc đủ màu

Nữ tiến sĩ (TS) “8x” đã chọn con đường đầy gai góc: nghiên cứu điều chế thuốc trị ung thư (UT). Chị muốn tìm ra cách để “trị” căn bệnh mà chị vẫn gọi là “đã xấu còn ác”, với chi phí rẻ hơn cho người nghèo. Và, chị theo đuổi đề tài nghiên cứu làm tăng hiệu quả điều trị UT bằng cách kết hợp fucoidan với các thuốc kháng UT khó tan để tạo các hạt nano.

Hành trình đã qua với TS Phương là một chuỗi những sự kiện được “lập trình” hợp lý. Bố chị làm dược sĩ, mẹ làm kỹ thuật viên gây mê hồi sức trong một bệnh viện. Sống trong cái nôi nghề y-dược, giấc mơ trở thành bác sĩ nhen nhóm trong Phương từ nhỏ.

“Bố nói tôi có cái mũi thử thuốc, hễ mỗi lần ở công ty thử nghiệm nguyên liệu mới, bố đều đem về cho tôi ngửi thử. Mẹ hành nghề y nên lúc nào trong nhà cũng có ống nghe, dụng cụ đo huyết áp... Vì thế tuy chơi trò chơi làm bác sĩ lúc nhỏ, nhưng tôi luôn được sờ mó thiết bị thật, chỉ có bệnh nhân là… búp bê. Tương lai trở thành bác sĩ dường như cũng được mặc định khi ngay từ nhỏ tôi có “cảm tình” với những viên thuốc đủ màu và không bao giờ khóc ré lên khi thấy kim tiêm hay khó chịu khi ngửi mùi ê te hăng hắc”, Liên Phương nhớ lại.

Nhưng thay vì cậy vào gia đình và những mối quan hệ của cha mẹ trong ngành y, Phương lại chọn cách học hành chăm chỉ và khẳng định “thương hiệu” bằng chính năng lực bản thân. Lúc nhỏ học lớp chọn, lớn lên chút nữa trở thành “dân” của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên thời phổ thông của Phương chỉ lo học. Lên đại học (ĐH) cũng tương tự, “sinh viên trường y-dược, có muốn cũng không có nhiều thời gian để… nổi loạn”.

Đậu cả ngành bác sĩ của ĐH Y Phạm Ngọc Thạch lẫn ngành dược của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phương chọn học ngành dược. Chị nghĩ, trở thành dược sĩ như bố cũng là thử thách hấp dẫn. Lên năm ba ĐH, sinh viên ngành dược phải lựa chọn thầy cô để theo học việc. Bố đã tư vấn cho Phương chọn PGS-TS Lê Hậu vì thầy là một trong những chuyên gia ứng dụng công nghệ mới trong điều chế thuốc.

Người thầy ấy đã tận tình hướng dẫn, giúp Phương thực hiện đề tài tốt nghiệp về điều chế viên phóng thích kéo dài có tác dụng nhiều hơn so với viên phóng thích thông thường, được hội đồng giám khảo đánh giá cao. Kết quả này mở ra cơ hội lớn, Phương được Trường ĐH Quốc tế Kang Won (Hàn Quốc) đồng ý cấp học bổng cho quá trình học lên cao học và nghiên cứu sinh.

Khăn gói du học, cuộc sống của cô du học sinh Việt Nam xoay quanh giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm rồi về ký túc xá. Những ngày học và làm việc miệt mài ở phòng thí nghiệm làm chiếc kính cận của Phương mỗi lúc một dày hơn.

Ngày nọ, Phương tình cờ gặp lại người bạn chung lớp thời ĐH vừa giành học bổng và trở thành “đàn em” của Phương nơi xứ người. Hai người bạn đồng môn “phải lòng nhau”. Khi tốt nghiệp cao học, hai người quyết định đưa nhau về nước tổ chức lễ cưới rồi quay trở lại Hàn Quốc làm tiếp nghiên cứu sinh. “Vừa đi học vừa lấy chồng là… ngoài dự định” - TS Liên Phương vui vẻ.

Phuong 'thu thuoc'

TS Trần Hà Liên Phương và con trai

Thích “nấu ăn” trong phòng thí nghiệm

Thế giới đang bước vào cuộc chạy đua phát triển và ứng dụng công nghệ nano. Ở cấp độ nano, vật liệu sẽ có những tính năng đặc biệt mà vật liệu truyền thống không có được. Nhờ kích thước nhỏ, vật liệu ở cấp độ nano trở thành một cỗ xe vận chuyển mang thêm các hoạt chất khác ngấm sâu vào từng khe hở của tế bào UT. Dĩ nhiên, với sự “thông minh”, những cỗ xe này dễ đến trúng đích nên hiệu quả vượt trội.

TS Phương kể: “Trước đó, mình chỉ thuần nghiên cứu điều chế thuốc với phương thức truyền thống. Giai đoạn làm nghiên cứu sinh là thời điểm công nghệ nano nở rộ như một cuộc cách mạng trong công nghệ điều chế thuốc, mình bắt đầu nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để điều chế thuốc từ những lời động viên, tư vấn của vị giáo sư người Hàn. Sự thay đổi này mở ra chân trời mới, thay vì chỉ chăm chăm vào công dụng và cách chế biến dược phẩm để trị bệnh, mình “bao sân” cả phương thức để làm sao thuốc đi vào cơ thể hiệu quả nhất”.

Lựa chọn mới tạo cho chị sự hứng thú đặc biệt. Chỉ trong 5 năm, chị đã có hơn 20 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín. Với “lý lịch” này, chị có nhiều cơ hội làm việc tại những phòng thí nghiệm lớn, cùng các giáo sư đầu ngành, thu nhập cao...

Nhưng, hai vợ chồng đắn đo rồi quyết định về nước khi nhận thấy ĐH Quốc tế là môi trường có thể dung hòa được đam mê nghiên cứu, giảng dạy và ổn định kinh tế. Dự tính ấy được tiếp thêm động lực khi GS Võ Văn Tới, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y sinh ở Mỹ đầu quân về trường này. Vậy là chị viết thư cho thầy, nộp đơn cho trường và xách vali về nước.

Vừa về chưa lâu, Phương nung nấu đề tài: tìm thuốc trị UT. Chị lý giải: “Không có cái gọi là ngẫu nhiên chọn đề tài. Sự lựa chọn phải dựa trên nền tảng kiến thức, hướng tiếp cận của người nghiên cứu trong lĩnh vực đó. Tôi may mắn được làm việc với một giáo sư nghiên cứu công nghệ nano trong điều trị bệnh, tất nhiên tôi sẽ tận dụng những thành quả đó làm cơ sở để phát triển tiếp theo. Công nghệ nano là sự kế thừa, nhưng thành phần nguyên liệu, gia giảm liều lượng như thế nào để “trị” UT là bài toán mà tôi phải tự đi tìm lời giải”.

Vì sao lại là thuốc trị UT? AIDS từng được mệnh danh là căn bệnh thế kỷ nhưng nó có “đường đi” rõ ràng nếu biết cách phòng tránh, trong khi UT thì khó lường, nó có thể “gõ cửa” bất cứ nhà nào, con số mắc bệnh và tử vong do UT ngày một tăng. Thuốc điều trị UT trên thị trường phần lớn đều là loại khó tan, khó hấp thụ đồng thời gây nhiều tác dụng phụ cho người dùng.

Các loại thuốc này vừa tìm diệt những tế bào bệnh, nhưng đồng thời cũng diệt luôn những tế bào lành. Nếu không sử dụng thuốc trị liệu thì tế bào UT nhanh chóng phát tán, còn trị liệu sẽ hạn chế tế bào bệnh lây lan, nhưng tác dụng phụ của thuốc cũng dần diệt những tế bào khỏe mạnh. Làm thế nào để tạo ra loại thuốc vừa trị tế bào xấu, vừa bảo vệ tế bào lành là câu hỏi khó, nung nấu thêm quyết tâm cho nhà khoa học trẻ.

Biết được Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nha Trang có nguồn nguyên liệu fucoidan quý được chiết xuất từ tảo nâu vốn phổ biến tại các vùng biển của Việt Nam, có tính hiệu quả trong việc chống lại sự tạo thành và phát triển của tế bào UT, Phương nhanh tay tìm hiểu. Việc tổng hợp nguyên liệu mới từ fucoidan (loại dễ tan) để chế tạo các hạt nano được mong đợi sẽ cho một hiệu quả trị UT tăng gấp bội, giúp giảm thiểu các tác dụng phụ.

Kỳ vọng cũng chính là thách thức. Đến nay, thế giới chưa có công bố nào ứng dụng nguyên liệu này như một hoạt chất trị UT cho các hệ nano. Thiếu cơ sở lý luận tiền đề, chị gặp khó vì phải mò mẫm cách thức tổng hợp loại nguyên liệu mới. Vượt qua khó khăn, tìm ra những giá trị mới, hữu ích là yếu tố hấp dẫn cuốn Phương vào guồng xoáy nghiên cứu để đi tìm lời giải.

Chị thừa nhận, thật khó để nói giữa nghiên cứu khoa học và gia đình thì đâu là tình yêu lớn nhất. Nghiên cứu điều chế thuốc đã trở thành đam mê, gia đình chính là động lực để chị hoàn thành công việc. Thật thú vị khi trong căn nhà nhỏ ấy, chị có người cộng sự vừa thấu hiểu công việc, vừa chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Cả hai hạnh phúc khi cùng chế biến món ăn, bởi đây là sở thích của họ.

“Điều chế thuốc không khác… nấu ăn là mấy, người đầu bếp phải kiếm nguyên liệu phù hợp, điều chỉnh lửa, nêm nếm gia vị sao cho ngon và bổ dưỡng. Chẳng qua, điều chế thuốc là “nấu ăn”… trong phòng thí nghiệm”, chị cười chia sẻ. Hiện “món ăn” mới của chị đang cho ra những kết quả bước đầu trên tính toán lý thuyết. Chị cho biết: “Thật khó để nói chính xác thời gian hoàn thành nghiên cứu, đưa thuốc vào sử dụng vì còn phải thử trên động vật, thử điều trị lâm sàng mới chuyển giao công nghệ, sản xuất điều trị... Trong vòng bốn-năm năm tới, tôi kỳ vọng mình sẽ tìm được thuốc để “khắc” căn bệnh UT, điều trị UT hiệu quả và ít phản ứng phụ hơn, với chi phí điều trị thấp”.

 TIÊU HÀ

Nhằm tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc và hỗ trợ các nhà khoa học nữ trẻ tiềm năng cũng như lan truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sự phát triển chung của cộng đồng, L’Oréal-UNESCO For Women in Science (Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học) đã thành lập giải thưởng International Rising Talent (Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế) từ 1998 đến nay.

Năm 2015, giải thưởng trao cho 15 nghiên cứu sinh, tiến sĩ và sau tiến sĩ được lựa chọn từ hơn 230 ứng viên trên thế giới… Hội đồng giám khảo của giải năm nay bao gồm 12 nhà khoa học danh tiếng là thành viên của Hội đồng Khoa học khu vực và các quốc gia Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Lebanon, Morocco, Ba Lan và Nga.

Theo hội đồng giám khảo, những nhà nghiên cứu được trao tặng Nhà khoa học trẻ tài năng năm 2015 đã có những đóng góp đáng kể trong các ngành nghiên cứu đa dạng như sinh thái và phát triển bền vững, vật lý, dược học, dịch tễ học, nghiên cứu y học, khoa học thần kinh và sinh học tiến hóa…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI