Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường: Việc làm nhỏ, lợi ích lớn

05/06/2013 - 21:35

PNO - PN - Bằng cách này hay cách khác, dù Hội Phụ Nữ không đẩy mạnh thành phong trào hay phát triển thành mô hình thì từng gia đình hội viên phụ nữ (HV PN) vẫn có những cách tham gia bảo vệ môi trường thực sự hiệu quả.

Phân loại rác tại gia đình

Đến nhà chị Võ Thị Xuân - tổ trưởng PN tổ 7, KP.1, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy chị phân loại rác vào những thùng rác khác nhau. Hiểu ý khách, chị liền giải thích: “Không phải rác nào cũng loại bỏ đi, nếu mình biết tận dụng thì rác sẽ rất hữu ích. Cụ thể, mình phân loại thành rác hữu cơ, rác vô cơ. Ví dụ như vỏ trái cây, rau được bỏ vào một thùng riêng, ủ lại làm phân bón cây; vỏ chai nhựa, vỏ lon, báo cũ dùng bán ve chai…”.

Tại Q.Bình Thạnh, những gia đình có hai, ba thùng rác và thực hiện phân loại rác không còn là chuyện hiếm nữa, bởi phong trào “Phân loại rác tại hộ gia đình” do Hội LHPN quận phát động đã “phủ sóng” gần hết 20 phường Hội. Chị Phạm Thị My Quý - Chủ tịch Hội PN P.13 cho biết: “Hiện nay, nhiều nơi chưa có bãi xử lý rác thải tập trung đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn. Tình trạng rác thải chất đống nằm lộ thiên gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc. Vì lẽ đó, Hội PN hướng dẫn, tập huấn và vận động chị em HV tự phân loại rác tại nhà. Tổ trưởng làm gương, HV làm theo, nhà nhà cùng tham gia”.

Tự thu gom, xử lý rác thải tuy là việc làm nhỏ nhưng đã đem lại lợi ích lớn. Chị Trần Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội PN P.1 khoe: “Phường có gần 1.500 hộ thực hiện phong trào này. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nguồn ve chai từ rác thải tạo thêm kinh phí để Hội chăm lo gia đình HV khó khăn, tặng thẻ BHYT, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai con em HV…”.

Hiện, nhiều chi Hội còn thành lập đội thu gom rác thải do HV PN đảm nhận, phụ trách việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình để chuyển đến điểm tập kết, đưa ra bãi rác tập trung. Nhờ vậy tình trạng rác thải vứt bừa bãi được giảm thiểu, góp phần xây dựng cảnh quan, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp hơn.

Phu nu tham gia bao ve moi truong: Viec lam nho, loi ich lon

Gia đình chị Võ Thị Xuân tận dụng ve chai từ rác thải làm nguồn quỹ hoạt động Hội

Đông tay vỗ nên kêu

Tại chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM), hơn 30 hộ kinh doanh thuộc ngành quần áo, vải sợi đã đăng ký thực hiện mô hình “Nói không với túi ni lông”. Chị Nguyễn Thị Hai (tiểu thương) chân tình: “Tận dụng giấy báo cũ, tôi cắt dán thành túi đựng hàng cho khách. Hơi mất công một chút nhưng tôi rất vui vì biết việc làm của mình có ích. Có lẽ khách hàng cũng cảm nhận được điều này nên đến mua và ủng hộ nhiều hơn”.

Trồng cây xanh lấy bóng mát trước nhà, trồng cây thuốc Nam trong gia đình cũng là một trong những cách làm được nhiều HV PN áp dụng. Ngày 19/5 vừa qua, Hội LHPN huyện Hóc Môn, TP.HCM đã tặng 1.800 cây xanh cho sáu xã/thị trấn. Nâng niu chậu cây con xanh mướt, bà Vũ Thị Mùi (65 tuổi) ngụ xã Thới Tam Thôn bộc bạch: “Tặng cây xanh là việc làm mang nhiều ý nghĩa của Hội PN. Không chỉ từng HV PN, từng gia đình có trách nhiệm chăm sóc cây trước nhà mà còn góp phần nhắc nhở ý thức bảo vệ môi sinh cho các em nhỏ. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí xây dựng chương trình nông thôn mới của xã”. Trước đó, Hội LHPN TP cũng đã phát động trồng cây tại xã Xuân Thới Thượng nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của PN trong việc bảo vệ môi trường, vận động người dân đẩy mạnh phong trào trồng, bảo vệ và phát triển cây xanh tại gia đình, góp phần làm đẹp cảnh quan, tăng độ phủ xanh trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cách bảo vệ môi trường của chị em như tham gia ngày hội tái chế, dành ngày cuối tuần ra quân làm sạch môi trường... Điều đó cho thấy PN là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Sự tham gia của họ không chỉ đem lại hiệu quả cao, mà còn giúp cho công tác tuyên truyền được lan tỏa rộng khắp.

Hội PN P.11, Q. Tân Bình, TP.HCM chuẩn bị ra mắt mô hình “Thu gom ve chai, phế liệu”. Đây sẽ là một giải pháp hiệu quả của Hội. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ môi trường thực sự phát huy tốt, Hội PN cần phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong các đợt ra quân, tuyên truyền vận động. Chị Phạm Thị Thành - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.Tân Bình cho biết: “Có nhiều cái khó trong việc triển khai thực hiện đến người dân việc hạn chế sử dụng túi ni lông do túi tự hủy, túi thân thiện môi trường có giá thành đắt; nhà sản xuất cũng không đáp ứng đủ số lượng. Vấn đề thu gom rác cũng chưa được người lấy rác lưu ý, nhiều hộ gia đình cũng thực hiện phân loại rác tại nhà, nhưng đội lấy rác lại gom chung trong xe rác”.

Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI