Phòng khám tư tiêm thuốc cho người bệnh: Thích thì chiều!

10/01/2014 - 15:36

PNO - PN - Mũi thuốc định mệnh khiến cụ ông Lê Đình Tứ (ngụ ở P.Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh) tử vong tối 7/1/2014; cái chết của cháu bé bảy tuổi ở Cà Mau ngày 14/12/2013 sau khi được tiêm thuốc tại nhà riêng của một y sĩ, cùng nhiều ca tử...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phong kham tu tiem thuoc cho nguoi benh: Thich thi chieu!

Từ “xin” đến bị ép tiêm

Chiều 8/1, chúng tôi ghé phòng mạch của bác sĩ (BS) N.V. (tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân, TP.HCM). Lúc này, phòng khám của BS V. có bốn bệnh nhân (BN) ngồi chờ khám. Trong phòng khám, BS V. đang thoa thuốc sát trùng lên mông và tiêm thuốc cho BN. Đến lượt mình đăng ký khám nhưng chúng tôi nhường cho một BN nữ chừng 50 tuổi vào trước. Chưa được một phút sau, BN này cũng được yêu cầu nằm lên giường để BS tiêm thuốc. Cả hai BN này đều không thấy BS cho toa thuốc.

Nghe người nhà tôi khai bị ho đã hai ngày qua, BS V. dùng ống nghe khám lưng - ngực và chưa được một phút sau hý hoáy viết vội tên BN lên giấy khám bệnh rồi “lệnh”: “Lên nằm đi”. Đứng bên cạnh, tôi thúc: “Xin BS thuốc uống đi”. Vị BS này lặp lại yêu cầu: “Lên giường nằm”. Lúc này, người nhà tôi bèn “xin”: “Cho thuốc uống được không BS?” - “Không hết đâu!” - vị BS nhăn mặt khó chịu. Chúng tôi tỏ rõ việc sợ tiêm thuốc thì BS lớn giọng “Làm sao sợ?” - “Thấy kim tiêm sợ. Sợ tiêm thuốc gây tác dụng phụ. Cho thuốc uống đi BS. Mà thuốc tiêm sẽ nhanh hết hơn thuốc uống phải không?”. Vị BS này thẳng thừng: “Dĩ nhiên. Mà ông sợ hay cổ sợ? Nãy giờ tôi nghe ông nói không à! Cổ có sợ đâu. Ông ra ngoài coi chừng xe đi, đứng đây làm gì”. Trước khi rời phòng mạch, BS V. bán cho chúng tôi 250.000đ tiền thuốc/ba ngày, nhưng không kê toa.

Tại phòng khám BS T.T. (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khi chúng tôi khai có người nhà bị suy nhược cơ thể kèm với ho một tuần chưa hết nên muốn được tiêm kháng sinh, ngay lập tức nhân viên phòng khám BS T.T. chuẩn bị dụng cụ để tiêm thuốc, đồng thời giải thích thêm: “Ở đây, BS có cho thuốc uống và cả thuốc tiêm; nhưng nhiều BN lúc nào đến khám cũng yêu cầu tiêm thuốc để nhanh hết bệnh”. Cũng lời “khai bệnh” tương tự, chúng tôi hỏi BS tại phòng khám N.D. (đường Nguyễn Thị Định, Q.2, TP.HCM) thì BS nơi này mời mọc: “Sau khi khám xong, BS sẽ tiêm hay cho uống thuốc. Nhưng nếu người nhà muốn tiêm thuốc kháng sinh trị bệnh ho, viêm phổi vẫn được”.

Đi một vòng qua một số phòng mạch tư, chúng tôi thấy việc BS tiêm chích theo yêu cầu BN diễn ra như một hoạt động bình thường. Nhiều BN cho rằng, việc tiêm thuốc sẽ mau hết bệnh nên thường đến các phòng mạch tư “xin” BS tiêm thuốc cho mình. Bên cạnh một số BS chiều người bệnh vì sợ mất khách thì có trường hợp BN bị ép tiêm thuốc, như trường hợp BS N.V. ở Q.Bình Tân mà chúng tôi đề cập ở trên.

Qua khảo sát, tháng 12/2013, Viện Pasteur TP.HCM công bố, hiện nay một số BS phòng mạch tư vẫn thực hiện tiêm chích theo yêu cầu của BN chỉ vì nếu không làm hài lòng người bệnh thì sẽ bị mất khách.

Phong kham tu tiem thuoc cho nguoi benh: Thich thi chieu!

Việc lạm dụng tiêm chích và tiêm chích không an toàn đang ở mức báo động

Những cái chết gây nhức nhối

Một BS Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, BV này cũng thường tiếp nhận bệnh nhi bị biến chứng do tiêm kháng sinh tại phòng mạch. Cách đây một tháng, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé trai L.N.K. (10 tuổi, ngụ TP.HCM) bị nhiễm trùng huyết, áp-xe vùng tiêm chích sau khi tiêm kháng sinh điều trị ho khan, sốt ở phòng mạch tư. Trong khi trường hợp này, nếu người nhà cho bé uống kháng sinh thông thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày. Bé K. phải nhập viện để các BS mổ và điều trị nhiễm trùng huyết. Cách đây không lâu, BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cũng điều trị cho một BN nam khoảng 30 tuổi bị áp-xe vùng mông vì trước đó đến phòng mạch tư tiêm kháng sinh trị viêm phổi.

Trường hợp của em Lâm Nguyễn Đ. (bảy tuổi, ngụ xã Định Bình, TP. Cà Mau) hết sức thương tâm. Ngày 13/12/2013, Đ. bị đau bụng và ói nên gia đình đưa em đến nhà y sĩ Dương Văn Hùng (cách đó vài trăm mét, thuộc xã Hòa Thành) nhờ thăm khám. Bé Đ. được ông Hùng truyền nước biển và tiêm một mũi thuốc. Không lâu sau, cháu Đ. bị tím tái tay chân và tử vong trên đường đến BV cấp cứu.

Tại Hà Nội, vụ cháu bé Nguyễn Đình Q. (16 tháng tuổi, ngụ tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) tử vong vào đêm 20/11/2013 khiến người nhà của bé không nguôi nỗi ân hận. Bởi cháu Q. cũng chết sau ba mũi tiêm ở phòng mạch tư để chữa bệnh ho và viêm phổi. Mới đây nhất là cái chết của cụ ông Lê Đình Tứ xảy ra ở TP. Hà Tĩnh khiến dư luận thêm lo sợ về việc tiêm thuốc bừa bãi.

Nhanh tác dụng, dễ tử vong

BS Trần Phúc Hậu, Viện Pasteur TP.HCM cho biết: Hiện cả nước có khoảng 30.000 cơ sở y tế tư, tăng hơn 30% so với 10 năm trước đây. Các thầy thuốc ở phòng mạch tư được BN tin cậy nhờ thái độ nhiệt tình và sự linh hoạt về thời gian đồng thời BN có thể nợ tiền khám, điều trị. Tuy nhiên, theo một khảo sát cấp quốc gia, có chưa tới 40% y - BS tư có dụng cụ tiệt trùng. Trong khi, việc tiêm chích không an toàn có thể lây truyền các bệnh qua đường máu như: HIV, vi-rút viêm gan siêu vi B, C. Ước tính, tỷ lệ nhiễm những bệnh này do tiêm chủng không an toàn ở các nước đang phát triển là 32% đối với viêm gan B, 40% với viêm gan C và 5,4% đối với HIV…

Lý giải về công dụng và cơ chế của thuốc uống với thuốc tiêm, PGS-TS-BS Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết - sinh học, BV Truyền máu huyết học TP.HCM giải thích: Mỗi loại thuốc có dạng bào chế khác nhau. Thuốc dùng qua đường tiêm chích sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng trong máu để điều trị bệnh nhưng cũng nhanh chóng bị đào thải ra khỏi cơ thể. Điển hình như khi tiêm kháng sinh ampicillin qua đường tĩnh mạch thì sau hai-ba phút, thuốc đã phát huy tác dụng, nhưng sau năm giờ đã bị đào thải. Vì vậy, nếu tiêm thuốc phải tiêm đến bốn lần/ngày mới giữ được nồng độ thích hợp để chống lại các vi khuẩn sinh sôi trong máu. Ngược lại, nếu là ampicillin dạng thuốc uống thì phải mất đến hai giờ sau khi uống mới phát huy tác dụng nhưng đến 10 giờ sau mới bị đào thải và người bệnh chỉ cần uống hai lần/ngày đã chống được bệnh. Việc tiêm thuốc dễ xảy ra biến chứng, thậm chí sốc thuốc, tử vong; trong khi phòng mạch không đủ các phương tiện chống sốc như bình oxy, máy thở, máy trợ tim, máy sốc tim...

“Đối với người bệnh, cần phải hiểu rõ có những loại thuốc không thể uống hoặc không thể tiêm, do đó khi gặp những BN đòi tiêm thuốc cho mau hết bệnh thì BS phải giải thích rõ ràng, nếu người bệnh vẫn thích tiêm thuốc thì thẳng thừng từ chối. Còn đối với những BS chiều người bệnh thì đó là nhằm phục vụ quyền lợi cá nhân chứ không vì sức khỏe BN. Hiện có một số BS giả vờ chiều BN bằng cách tiêm thuốc bổ, vitamin nói là thuốc trị bệnh, hoặc khi người bệnh đòi chích hai mũi thì chia đôi một mũi để chích hai lần... như vậy là lừa gạt người bệnh” - BS Trần Văn Bình thẳng thắn.

 Hoàng Sa - Văn Thanh

Ý thức tiêm chích an toàn kém

BS Trần Phúc Hậu, Viện Pasteur TP.HCM cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 16 tỷ lượt tiêm chích thuốc ở các nước đang phát triển và việc lạm dụng tiêm chích cũng như tiêm chích không an toàn đang ở mức báo động. Số lần tiêm chích trung bình ở mỗi người trong một năm là 3,4 lần và tỷ lệ tiêm chích không an toàn là 39%. Nhưng ý thức về tiêm chích an toàn ở các nước đang phát triển chậm chuyển biến.

Sở Y tế không thể quản lý hết các phòng mạch sai phạm

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo Luật Khám chữa bệnh thì phòng mạch tư được phép tiêm thuốc cho người bệnh. Nhưng việc tiêm thuốc chỉ dành cho trường hợp cấp cứu mà người bệnh không đến kịp BV. Còn trường hợp BN thường đến phòng mạch để tiêm thuốc hoặc tiêm thuốc không cần thiết là không được phép... Tuy nhiên, hiện nay Sở không thể quản lý hết được phòng mạch nào sai phạm trong tiêm chích vì BN yêu cầu được tiêm hoặc người bệnh rất tin tưởng BS. Vì vậy người bệnh cần hiểu biết về nguy cơ tiêm chích để bảo vệ bản thân. Người bệnh phải ngồi lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi tác dụng phụ của việc tiêm chích như: nóng sốt, nổi mẩn đỏ, mệt, khó thở… Đồng thời, BN tự theo dõi sức khỏe trong 24 giờ sau tiêm để nhập viện kịp thời, tránh trường hợp chủ quan do sốc thuốc, tử vong.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI