Phố Tây đang… mất điểm

09/07/2014 - 09:32

PNO - PN - Phố Tây (Q.1, TP.HCM) bao gồm các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu lâu nay đã trở thành điểm dừng chân của du khách các nước khi đến TP.HCM. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của khu vực này đang dần trở...

edf40wrjww2tblPage:Content

Pho Tay dang… mat diem

Phần vỉa hè ở "khu phố Tây" đã bị chiếm hết

 MẶT TIỀN NHẾCH NHÁC

Khoảng 21g tối cuối tuần, chúng tôi đi bộ dọc tuyến đường Bùi Viện, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1. Chỉ cần đứng từ ngã tư Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện nhìn bao quát xung quanh đã có thể thấy hàng chục nhóm khách du lịch nước ngoài ngồi trên vỉa hè uống bia, có người “tự nhiên” đến độ cởi trần hát nghêu ngao. Ngay trước nhà số 100 Bùi Viện, gần 20 du khách ngồi chật kín dưới những tấm bảng giấy viết tay quảng cáo bia lạnh 12.000đ/chai và điện thoại quốc tế 2.000đ/phút. Do phần vỉa hè đi bộ đã bị choán hết nên những nhóm du khách khác di chuyển trong khu vực phố Tây phải đi dưới lòng đường. Cũng vì vậy, tuyến đường Bùi Viện nghiễm nhiên biến thành một phố đi bộ không đảm bảo an toàn giao thông, thậm chí tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng cướp giật áp sát du khách để “ăn hàng”.

Khoảng 22g, cả tuyến đường Bùi Viện trở thành phố bia bệt có lẽ lớn nhất thành phố với vài trăm du khách ngồi la liệt trên vỉa hè. Theo ghi nhận của chúng tôi, để đối phó với lực lượng trật tự đô thị, các chủ hộ kinh doanh trên tuyến đường thường sử dụng các tấm thảm simili trải ra vỉa hè trước nhà. Có hộ kinh doanh còn đóng hẳn một loại ghế dành riêng cho vỉa hè được tận dụng từ các tấm palet cũ. Với kiểu kinh doanh này, trong trường hợp bị cơ quan chức năng thu gom vì lấn chiếm vỉa hè, thiệt hại của họ gần như không đáng kể. Khi được hỏi “bạn cảm giác ra sao khi ngồi uống bia trên phần đường của người đi bộ?”, Ryan, 27 tuổi, du khách người Mỹ cho biết: “Thứ nhất, bia ở đây quá rẻ. Thứ hai, người nước ngoài như chúng tôi muốn trải nghiệm một không gian có vẻ như các bạn cố tình tạo ra. Tất nhiên, sẽ tốt hơn nếu đây là khu phố chỉ dành cho người đi bộ”.

Christy (28 tuổi), du khách người Anh bị cướp giật điện thoại vào cuối tháng Năm kể lại: “Buổi tối đầu tiên tôi đến TP.HCM và muốn đi dạo ở khu phố Tây. Khi vừa nói chuyện điện thoại và rẽ vào đường Bùi Viện, theo thói quen thường ngày, tôi vẫn bước lên vỉa hè nhưng chợt nhận ra là không thể “nhảy qua nhiều người” đang ngồi uống bia”. Christy đành bước xuống lòng đường để đi tiếp và hai thanh niên đi xe máy áp sát đã giật phăng điện thoại của cô. “Tôi hét lên, những người đang ngồi uống bia cũng đứng dậy đuổi theo nhưng bọn cướp đã chạy thoát. Vì vậy, ở đây đã một tuần nhưng chưa bao giờ tôi muốn ngồi trên vỉa hè uống bia. Đó không phải chỗ để ngồi”, Christy nói và khoát tay tỏ vẻ kiên quyết.

Pho Tay dang… mat diem

Nhiều căn nhà ở “khu phố Tây” xuống cấp trầm trọng

Tương tự trường hợp của Christy là chị Marguerute (31 tuổi, quốc tịch Pháp) bị cướp giật trước nhà số 196 Bùi Viện vào rạng sáng ngày 11/5. Chị Marguerute khi đó đang đeo túi xách trở về khách sạn thì bị đối tượng Nguyễn Công Danh (tự Be, SN 1990, ngụ Q.1) theo dõi từ trước, áp sát và “ăn hàng”. May mắn cho chị Marguerute là hai trinh sát hình sự công an Q.1 trên đường tuần tra đã phát hiện kịp thời nên truy đuổi và bắt gọn tên cướp. Tại trụ sở công an P.Phạm Ngũ Lão, tên cướp khai nhận do biết khu vực đường Bùi Viện có nhiều du khách đi bộ dưới lòng đường nên rất dễ dàng giật túi xách hoặc điện thoại.

NHIỀU NHÀ “CHỜ SẬP”

Mặt tiền khu phố Tây hiện nay đa phần là nhà hàng, khách sạn, quán bar, các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tuy nhiên, chỉ cần đặt chân vào một con hẻm bất kỳ sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Sau vẻ hào nhoáng ấy, khu phố Tây đang tồn tại nhiều căn nhà ổ chuột. Hơn chục ngôi nhà xuống cấp xập xệ, mục nát, mái nhà che đậy bằng bạt, tiềm ẩn nguy cơ sập đổ, đe dọa đến tính mạng của người dân.

Tại các con hẻm 57, 107, 186 Bùi Viện, 14 Đỗ Quang Đẩu… bề ngang chỉ từ 1- 1,5m, tuy nhiên, vì nhiều nhà dân cơi nới cộng thêm lấn chiếm hẻm để làm nơi kinh doanh buôn bán nên hẻm đã chật càng thêm chật. Hầu hết chủ của những ngôi nhà tại đây cho biết, những căn nhà gỗ này được xây dựng từ trước năm 1975. Trải qua thời gian, những căn nhà này phải nhiều lần được gia cố, tuy nhiên đến nay hiện trạng xuống cấp đang trở nên báo động.

Tại căn nhà số 26/32/1 Bùi Viện (tổ 29, P.Phạm Ngũ Lão), chúng tôi ghi nhận, căn nhà một trệt và một gác lửng được gia cố toàn bằng gỗ, những miếng ván được chủ nhân tận dụng đóng chằng chịt vào nhau tạo thành tường nhà, khung cửa. Nhiều thanh ngang, tay đòn bằng gỗ đã bị mục do mối, mọt. Căn nhà có diện tích 1,5x2,5m với một lối đi duy nhất, mỗi lần ra vào phải khom lưng xuống thấp và chỉ đủ lọt một người. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (50 tuổi, chủ hộ) cho biết: “Ở trong căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng này tôi lo sợ lắm, nhất là những lúc mưa nhà dột ướt, nguy cơ đổ sập. Thế nhưng, gia đình không có đủ tiền để xây mới được”.

Pho Tay dang… mat diem

Phần vỉa hè ở “khu phố Tây” đã bị chiếm hết

Tương tự, căn nhà số 107/2 nằm tại khu phố 3, P.Phạm Ngũ Lão cũng trong tình trạng xuống cấp. Ngôi nhà được chủ hộ bọc quanh tầng gác lửng những tấm bạt phập phồng. Mỗi khi gió thốc mạnh, có cảm giác như những tấm bạt sắp bung ra. Một căn nhà khác tại hẻm 100, Bùi Viện, cũng làm bằng gỗ, phần gác lửng được chủ nhân cơi nới ra quá nửa con hẻm rộng khoảng 1m. Bên trong các con hẻm 57 Bùi Viện, 186 Bùi Viện, 14 Đỗ Quang Đẩu… có nhiều nhà được làm bằng gỗ đã mục nát, chờ sập. Tình trạng trên khiến khu phố Tây mất điểm khá nhiều trong mắt du khách. Một du khách chúng tôi gặp khi đang chụp hình bên trong một con hẻm đường Phạm Ngũ Lão tỏ vẻ ngạc nhiên nói: “Tôi không hiểu tại sao lại có sự khác biệt quá lớn chỉ sau vài bước chân như vậy. Bên trong khu dân cư là một thế giới hoàn toàn khác. Họ nấu ăn trước cửa nhà, bên cạnh những thứ dễ bắt lửa”.

Đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an Q.1 cho biết, ngoài các hộ sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán trong khoảng thời gian buổi chiều tối hoặc buổi sáng, còn có hơn 200 cơ sở lưu trú, 2.000 -2.500 lượt khách ra vào mỗi ngày nên khu vực phố Tây cũng là nơi có nguy cơ phát sinh tội phạm cao. Hiện nay P.Phạm Ngũ Lão đã đề xuất UBND quận kiến nghị UBND TP quy hoạch phố đi bộ ở khu tứ giác Đề Thám - Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu - Phạm Ngũ Lão.

Theo Trung tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.1: “Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khu vực phố Tây, P.Phạm Ngũ Lão. Do có nhiều hẻm nhỏ bên trong khu dân cư nên trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, việc triển khai đội hình cứu hỏa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phố Tây là một địa điểm hiếm có, chứa đựng nhiều nét văn hóa, lịch sử, ẩm thực, sinh hoạt… của thành phố, nên thật đáng tiếc nếu để khu vực này xuống cấp, mất đi sức thu hút và trở thành thiếu thân thiện với du khách. Với khu phố Tây, không phải chỉ nhắc nhở người dân những điều vụn vặt mà cần cái nhìn quy hoạch của một đô thị. Thế nhưng, quy hoạch không theo kịp sự phát triển, không vì lợi ích cộng đồng, khiến bộ mặt đô thị ngày càng xuống cấp, ngay cả những nơi mà hầu như du khách nước ngoài nào đến thành phố cũng đều ghé qua này.

 MINH DŨNG

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch - Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cho biết, do lượng khách du lịch lớn, không gian hiện hữu không phù hợp nên tình trạng hiện nay của khu phố Tây gây mất mỹ quan đô thị. Cách đây hơn mười năm, UBND TP.HCM đã có đề án thành lập các tuyến phố đi bộ. Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM đã lên phương án hình thành thí điểm ba tuyến phố đi bộ gồm chợ Bến Thành, đường Bùi Viện và đường Đồng Khởi. Đặc biệt, ở tuyến đường Bùi Viện, phố đi bộ còn kết hợp với phương án chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan và không gian.

Theo ông Thụ, lần cuối cùng lập đồ án “Thiết kế ý tưởng cảnh quan và bố cục không gian khu phố đi bộ trong khu trung tâm TP.HCM”, UBND TP đã giao cho Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM chủ trì làm việc với tư vấn Tây Ban Nha (Công ty IDOM). Tuy nhiên, hiện nay đồ án vẫn chưa thể triển khai. Mặt khác, dự án phố đi bộ đến nay vẫn còn nằm trên giấy không chỉ là thiệt thòi của người dân Q.1 mà còn là thiệt hại về mặt kinh tế đối với thành phố do chưa khai thác hết được công năng của một khu vực “tràn ngập” khách hàng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI