Phổ cập bơi cho học sinh: Chủ trương "mang đến lại mang về"

24/08/2013 - 18:53

PNO - PN - Mùa tựu trường cũng là cao điểm mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều em phải vượt lũ đi học, đối mặt với nguy cơ bị nước cuốn trôi. Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT thực hiện chương...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ khoảng ba năm nay, cứ đến giữa mùa hè là lớp học bơi của thầy Nguyễn Văn Nghĩa ở Q.Ô Môn, TP. Cần Thơ lại khởi động với hơn 20 học sinh (HS) đủ mọi lứa tuổi. Đây là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục địa phương thực hiện chủ trương “xóa mù bơi” cho HS nhằm hạn chế tối đa những tai nạn đuối nước. Ban đầu, các học trò của thầy Nghĩa được đưa xuống một khoảng sông rộng từ 50-100m2, bên ngoài có cắm cọc tre, bao lưới, bên trong thầy tận dụng thùng nhựa làm phao, từng bước cho các em làm quen với sông nước.

Một buổi học như thế, thầy Nghĩa phải nhờ thêm bốn - năm người biết bơi để hỗ trợ: người bao quát phía ngoài lưới, người kiểm tra trong lưới, người thành thạo thì truyền đạt những động tác cơ bản, sau khi HS “biết chút chút” thì tập dần cho các em ra sông. Tuy nhiên, mỗi mùa hè trôi qua, cả quận cũng chỉ tổ chức được một lớp như thế vì thời gian và nhân lực có hạn. Việc này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của HS.

Còn ở tỉnh đầu nguồn An Giang, giáo viên (GV) đã tận dụng những bè cá không còn nuôi cá của người dân cho các em học bơi. Các bè cá này có rào bốn phía, đáy có lưới, di chuyển được trên sông nên được gọi là “bể bơi di động”. Tuy nhiên, sáng kiến này chỉ gỡ rối một phần cho một bộ phận nhỏ HS ở nơi thường xuyên sống chung với lũ chứ cũng không phải là giải pháp lâu bền.

Pho cap boi cho hoc sinh: Chu truong

Học sinh vùng đồng bằng biết bơi sẽ hạn chế rủi ro khi đi học mùa lũ

Theo khảo sát của chúng tôi, để chuẩn bị cho công tác xóa mù bơi ở các cấp, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đã nhiều lần đưa GV đi tập huấn về bơi, kỹ năng dạy và cứu đuối. Nhưng lực lượng này về đến địa phương thì đa số không phát huy được tác dụng.

Cô Võ Thị Thiên Hương, GV phụ trách công tác giáo dục thể chất Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long tiếc nuối: “Việc phổ cập bơi cho HS tiểu học và THCS là rất cần thiết và cấp bách, tuy nhiên từ nhiều năm qua, chủ trương này gặp nhiều trở ngại nên không thể triển khai rộng rãi được”. Theo cô Hương, cách đây ba năm, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long đã đưa 50 GV đi tập huấn về bơi lội và kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị đuối nước. Nhưng cả tỉnh chỉ có hai, ba hồ bơi, tập trung ở TP. Vĩnh Long. Các hồ bơi này thường xuyên quá tải, giá lại cao nên không thể đưa HS đến dạy.

Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL nhưng chủ trương xóa mù bơi cho HS cũng không khá hơn các tỉnh lân cận. Ngoài quận trung tâm Ninh Kiều tập trung khá nhiều hồ bơi, các quận, huyện khác thì “bí” về cơ sở vật chất. Việc đưa HS ra sông, bao lưới cắm cọc để tập bơi chỉ là giải pháp tình thế và không được khuyến khích vì ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.

Ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ cho biết, trước nhu cầu thực tế, có ý kiến đề xuất phương án kêu gọi người dân làm hồ bơi composite đặt cạnh trường học theo kiểu đấu thầu, nhưng khi khảo sát lại đụng phải vấn đề không gian. Cụ thể, trung bình mỗi hồ bơi mini như thế cũng phải mất 400m2 đất, lại còn khu khởi động, phòng vệ sinh, thay đồ nên giải pháp này không khả thi.

Chuyện xóa mù bơi cho HS không chỉ là chuyện riêng của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đa số các tỉnh, thành cũng chỉ tập trung tuyên truyền cho người dân là chính và kêu gọi xã hội hóa chứ chưa quyết tâm hay dành một phần kinh phí để triển khai thực hiện chủ trương này.

 Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI