"Phải đạo" hay... vô đạo?

15/12/2015 - 09:36

PNO - Tại sao các địa phương lâu nay, khi lãnh đạo sắp về hưu, thường được tổ chức đi chơi nước ngoài một chuyến, vài chuyến, dùng tiền ngân sách?

Chuyện Quảng Nam cho 26 quan chức đã và sắp về hưu, không tái cử, kèm theo ba phu nhân đi Nam Phi học tập kinh nghiệm làm du lịch, bảo tồn thiên nhiên, lại một lần nữa xới lên chuyện tiền bạc nhà nước được sử dụng... hợp pháp cho cán bộ đi nghỉ dưỡng, lại rất “phải đạo” như lời chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu trả lời báo chí ngày 13/12.

Chẳng học được gì. Ngó thấy mấy con chồn, tê giác, voi, y như trên ti vi. Đó là lời của hai vị trong đoàn đi. Họ đã nói rất thật. Học sao được, khi cách làm họ khác ta, tư duy họ khác ta, cơ chế họ khác ta.

Các vị đã, sắp về hưu, không tái cử, tư duy não trạng đã già, sức khỏe không tốt nữa, quyền hành không còn, giả sử có các vị góp ý, có ai nghe không? Nghe, có làm không? Và làm thì ai làm? Bởi người làm là ai, họ hiểu ý tưởng trên ra sao, chưa nói các vị truyền đạt lại có “tam sao thất bản” không? Và áp dụng vào thực tiễn địa phương thì thế nào?

Ông chủ tịch tỉnh nói là “phải đạo”, cũng có nghĩa việc tổ chức chuyến đi chơi, tiễn biệt các vị khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã đến, là chuyện tình nghĩa, dù rằng cái “đạo” đó chẳng trúng vào đâu cả. Thôi thì tình nghĩa, dù nghiêm túc mà nói, các vị chẳng được cái quyền đó, bởi tiền đâu mà đi? Ông chủ tịch nói là nguồn thu từ kinh tế Đảng. Vậy kinh tế Đảng có phải là tiền ngân sách không? Dứt khoát là tiền ngân sách. Mà tiền ngân sách là tiền dân đóng thuế.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tại sao các địa phương lâu nay, khi lãnh đạo sắp về hưu, thường được tổ chức đi chơi nước ngoài một chuyến, vài chuyến, dùng tiền ngân sách? Câu trả lời đơn giản, là quyền và tiền trong tay, cứ lấy “lá bùa” tập thể đã quyết là xong, không ai chịu trách nhiệm, để lần sau đến lúc mình sắp rời ghế, lại được những người kế nhiệm cho đi. Cứ thế. Còn đi về làm chi, làm thế nào, chẳng ai chịu trách nhiệm, chẳng phải bị kiểm điểm, kỷ luật, bởi có muôn vàn lý do để trả lời, chẳng có lệnh nào cấm cả.

Không biết các vị trên có nhớ, một quan đại thần người Quảng Nam là tiến sĩ Phạm Phú Thứ dân Gò Nổi (Điện Bàn), khi đi sứ, ông có dịp tham quan một mô hình xe nước kéo bằng ngựa ở Ai Cập.

Về nước, ông thuật lại và tìm được một người vẽ là ông Lương Văn Tấn, em con cô của ông. Ông tâu sự việc lên vua Tự Đức. Vua cho bộ Công làm, thay ngựa bằng trâu, thí nghiệm dẫn nước vào ruộng. Từ vua đến quần thần trố mắt khen hay. Thế là vua lệnh cho phủ Thừa Thiên chế tạo hơn 10 cỗ xe mẫu gửi cho một số địa phương, đồng thời bảo Vũ khố đóng kiểu mẫu đưa về các tỉnh khác. Phạm Phú Thứ lấy làm sung sướng, bèn có thơ: “Cách xưa: cần vọt ngàn người tát/ Máy mới: bánh xe nhất tiện bày/ Tốn phí, nhọc lao đều đỡ được/ Vụng về tăm tối, há ôm hoài”.

Đó, đi là mở óc, khai trí, đem lại cái mới, thay đổi đời sống cho dân theo hướng tích cực. Còn các vị bây giờ thì đi để tiêu tiền dân. Hay là phen này, từ những “bài học” thu hoạch được ở Nam Phi, ta về lập khu du lịch, nhân bản tê giác bằng… xi măng để hút khách tới chiêm ngưỡng chơi?

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI