P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM: Gần 15 năm đi xin điện, nước

13/04/2014 - 08:29

PNO - PN - Dù sống giữa trung tâm Q.Gò Vấp nhưng gần 15 năm qua, hơn 200 hộ dân ở khu phố 10, P.11, Q.Gò Vấp vẫn không được cấp điện, nước. Họ phải “nhắm mắt” xài nước ô nhiễm, điện câu móc lại của người khác, với giá tiền...

edf40wrjww2tblPage:Content

P.11, Q.Go Vap, TP.HCM: Gan 15 nam di xin dien, nuoc

Hàng chục đồng hồ điện câu móc từ một nhà

Điện giá trên trời, nước nhiễm… mỡ

Từ đường Thống Nhất, rẽ vào đường số 8, đến con hẻm đầu tiên bên hông chùa Tế Độ là khu dân cư “đói” điện, nước. Nỗi khổ đầu tiên của người dân nơi đây đập ngay vào mắt mọi người với cảnh dây điện câu móc chằng chịt. Khu dân cư có hơn 200 hộ dân nhưng số hộ được gắn đồng hồ điện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hộ không có điện câu lại của hộ có điện. Cứ thế, hộ này câu chuyền hộ kia, dây điện chắp nối, đan nhau như mạng nhện. “Dân ở đây nhiều nhà có ti vi còn không dám xài, đừng nói đến máy lạnh, máy giặt” - bà Danh Kim Châu (ở số 136 đường số 8) than. Theo bà Châu, vì câu nhờ điện, hàng tháng bà phải trả tiền điện lên đến 4.200đ/kWh (gần gấp đôi giá quy định). Dù xài tiết kiệm, tính ra trung bình mỗi tháng bà vẫn phải trả không dưới một triệu đồng tiền điện.

Tương tự, mới đây chị Bùi Thị Thi ở cách đó khoảng 50m, phải cắt tủ lạnh, ti vi, hàng ngày chỉ dám xài một quạt máy, nồi cơm điện, ban đêm mở thêm bóng đèn, vậy mà tiền điện vẫn “ngốn” gần 600.000đ/tháng. Vợ chồng anh Nguyễn Cao Đại (ở số 58 đường số 8) cũng khổ không kém. Nhà thuộc diện hộ nghèo, gia đình anh hàng tháng chủ yếu trông chờ vào tiền trợ cấp thương binh của anh, nhưng phải “ngắt” ra hơn 700.000đ để đóng tiền điện. Nói về việc thu tiền điện giá cao, anh Trần Quang Chín (hộ cho người dân câu móc điện lại) chặc lưỡi: “Tui biết bà con khổ, đâu muốn thu giá cao, nhưng do câu móc quá nhiều hộ, phụ tải lớn, hao hụt cao nên phải thu thêm để bù đắp hao hụt”. Ngoài ra, theo người dân nơi đây, cũng do câu móc dây điện chằng chịt, trong khu dân cư đã xảy ra không biết bao nhiêu lần chập điện, rất may chưa xảy ra cháy.

Không chỉ khổ vì tiền điện trên “trời”, người dân ở đây còn khổ vì nước bẩn. Nhìn bề mặt nước nổi váng như… mỡ và có mùi tanh trong các bồn chứa nước giếng của người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi rùng mình. Để chứng minh nguồn nước “có vấn đề”, anh Vũ Hải Phong (nhà đối diện số 31B đường số 8) đổ thùng nước cũ, bơm nước mới vào. Năm phút sau, nước nổi váng như cũ. Đáng lưu ý, theo người dân, trước đây khu đất này từng là đất nghĩa trang, hiện nhiều huyệt mộ vẫn chưa được bốc dỡ. Trước tình hình đó, nhiều người dù khó khăn vẫn phải bỏ ra hàng tháng 400.000đ - 500.000đ mua nước đóng chai về dùng, nước giếng chỉ để tắm giặt. Tuy nhiên, một số hộ không có tiền mua nước sạch thì vẫn phải “nhắm mắt” uống nước bẩn. Nhiều người dân trong khu dân cư đang bệnh thận, ung thư, liệu có liên quan đến nguồn nước?

P.11, Q.Go Vap, TP.HCM: Gan 15 nam di xin dien, nuoc

Anh Vũ Hải Phong đang vớt màng nước nổi bên trên nghi là...mỡ

“Treo” quyền lợi của dân đến bao giờ?

Theo ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty điện lực TP.HCM, hộ dân xin gắn đồng hồ điện chỉ cần có một trong các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyết định cấp nhà đất, hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận tạm trú… là được gắn đồng hồ điện. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, họ đã nhiều lần gửi hồ sơ đến Công ty điện lực Gò Vấp, trong đó có đơn xác nhận tạm trú của công an phường nhưng công ty vẫn trả hồ sơ về với lý do không đủ điều kiện cấp điện.

Giải thích vấn đề này, ông Mai Thanh Tâm - Giám đốc Công ty điện lực Gò Vấp nói: “Theo quy định, người dân chỉ cần có giấy tạm trú là được gắn đồng hồ điện nhưng đó là giấy tạm trú dài hạn, không phải giấy xác nhận tạm trú như người dân nộp cho công ty. Việc này nhằm đảm bảo hộ dân đó đang sinh sống ổn định, lâu dài, vì không thể gắn đồng hồ điện chỉ vài tháng rồi gỡ xuống gây lãng phí. Thế nhưng đây là khu vực đang có quy hoạch xây dựng trường học, chính quyền địa phương không cấp giấy tạm trú dài hạn cho người dân”.

Theo ông Lê Văn Chiến - Trưởng công an P.11, Q.Gò Vấp, không phải công an phường không muốn cấp giấy tạm trú dài hạn cho người dân, nhưng do phần lớn nhà của người dân nơi đây xây dựng trái phép, chưa được phường, quận cấp số nhà nên công an không có cơ sở cấp giấy. Hiện số nhà người dân đang sử dụng là do công an phường tự đánh số thứ tự để tiện quản lý.

Riêng vấn đề cấp nước, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công ty cấp nước Trung An cho biết, do khu vực bị quy hoạch “treo”, công ty không thể đưa đường ống nước vào đầu tư, sau này phá dỡ sẽ thiệt hại rất nặng.

Tiếp nhận thông tin của Báo Phụ Nữ, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó chủ tịch UBND P.11, Q.Gò Vấp cho biết, sắp tới phường sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cho người dân. Trong đó, dự kiến trước mắt sẽ sử dụng các số nhà do công an phường đánh số để xem xét cấp giấy tạm trú dài hạn cho người dân, giúp người dân được cấp điện; đồng thời báo cáo UBND quận xem xét điều chỉnh quy hoạch vì hiện trên địa bàn phường đã có đủ trường học, không cần phải xây thêm trường học ở đây. Nếu được xóa quy hoạch, người dân sẽ được đầu tư hệ thống cấp nước tận nhà.

Không hiểu vì sao 15 năm qua, ở ngay giữa trung tâm TP.HCM lại tồn tại một khu dân cư với hàng trăm hộ dân sống khổ sở vì thiếu điện, thiếu nước mà chính quyền địa phương không sớm tìm cách giải quyết cho dân?

 Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI