Ông Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu tiếp tục làm Chủ tịch MTTQ VN

25/09/2014 - 23:54

PNO - PN - * Giám sát chặt để đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân

edf40wrjww2tblPage:Content

Hôm nay 26/9, Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ tám khai mạc tại Hà Nội. Hôm qua, 25/9, tại phiên họp trù bị, Đại hội đã thảo luận các nội dung như hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký Đại hội; báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội; thông qua quy chế, thống nhất chương trình của Đại hội...

Ong Nguyen Thien Nhan duoc gioi thieu tiep tuc lam Chu tich MTTQ VN

Theo tờ trình về dự kiến nhân sự đã được thông qua tại hội nghị lần thứ 16 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 7, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 7 được giới thiệu để hiệp thương tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 8.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 7 cũng được giới thiệu tiếp tục giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 8. Các ông, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Pha, Bùi Thị Thanh, Lê Bá Trình được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 8.

Liên quan tới nội dung được người dân kỳ vọng nhất ở cơ quan MTTQ các cấp - hoạt động giám sát, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua, công tác này chủ yếu được Mặt trận thực hiện theo các vụ việc có tính thời sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Việc giám sát có tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm thì chưa làm được. Thời gian vừa qua, Mặt trận thực hiện giám sát ở cơ sở chủ yếu thông qua ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở phường, xã. Do đó, để tăng cường hiệu quả, Mặt trận đang chuyển trọng tâm sang giám sát có tính hệ thống, có tầm nhìn dài hơn, sâu rộng hơn, qua đó đảm bảo tốt hơn vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Dù vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có quy định nào cho phép Mặt trận yêu cầu đối tượng được giám sát phải báo cáo với Mặt trận và cho phép Mặt trận đưa ra các biện pháp chế tài.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Qua nghiên cứu Hiến pháp, chúng tôi đã tìm ra hướng đi để triển khai thực hiện chức năng giám sát xã hội. Khoản 8, điều 96 về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ quy định: Chính phủ “phối hợp với Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Dựa vào quy định này, Mặt trận đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Chính phủ để triển khai năm hoạt động giám sát quy mô lớn.

Thứ nhất là giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Thứ hai là giám sát việc chấp hành luật pháp về bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp. Thứ ba, sẽ giám sát nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân. Thứ tư, sẽ giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân. Thứ năm, Mặt trận sẽ giám sát việc thực hiện Luật Khoa học công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6 về khoa học công nghệ".

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Giám sát không chỉ để tìm ra những yếu kém mà còn nhằm khẳng định và phát huy cả những mặt được. Giám sát phải đi đôi với chế tài. Giám sát của Mặt trận phải phát huy đội ngũ chuyên gia và phải dựa vào lực lượng của nhân dân”.

 Phương Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI