Ôm chầm lấy mưa

13/07/2014 - 08:10

PNO - PNCN - Mỗi lần xa nhà, trong khí hậu oi bức mùa hè ở Đà Nẵng, Sài Gòn hay Hà Nội, tôi lại nhớ khí trời se lạnh và những cơn mưa Plâyku da diết, chỉ muốn chạy ào về nhà để ôm chầm lấy mưa. Mùa mưa Plâyku bắt đầu từ tháng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những cơn mưa dai dẳng xuất hiện, có khi kéo dài ba bốn ngày hoặc cả tuần mới dứt. Ngày còn nhỏ, cả nhà tôi sống trong căn nhà gỗ bé xíu. Xung quanh toàn đất trống, chỉ có cỏ và cỏ, con đường hẻm vào xóm cũng là đường mòn đất đỏ nên lúc nào cũng ẩm ướt, dẻo quẹo một màu đỏ quạch đặc trưng của xứ sở bazan. Chỉ cần mang đôi dép nhựa đi một vòng ngoài vườn về là đôi dép phải nặng gấp đôi trọng lượng ban đầu do bị đất dính vào. Trong nhà không khí luôn ẩm, những bộ quần áo mẹ giặt phơi thành một dây dài, không kịp khô, nên mẹ thường nhóm lò than để hong quần áo và sưởi ấm cho ngôi nhà.

Khi tôi được bốn tuổi, chị lớn đi học xa nhà. Ba đi làm xa một tháng về một lần, nhà chỉ có hai mẹ con. Tôi hay ngóng ra ngoài cửa sổ rồi thở dài, sao ba lâu về vậy mẹ! Mẹ thường bảo: “Con ngoan rồi ba đi làm về mua kẹo cho con”, rồi mẹ lại cười, cô bé cụ non của mẹ, thở dài vậy con sẽ làm ông trời khóc đấy. Đôi mắt hướng ra cửa sổ trong cơn mưa nặng hạt, ngân ngấn nước. Có lẽ mẹ cũng đang nhớ ba như tôi.

Ngày bà ngoại mất cũng vào mùa mưa. Tin dữ khiến mẹ suy sụp, bà mất quá bất ngờ. Đưa tang bà, trời vẫn không ngớt mưa, cái huyệt đào lên toàn nước, tát nước ra nhưng không thể hết hoàn toàn. Quan tài của bà được đặt xuống huyệt mộ, lạnh lẽo trong mưa, tiếng khóc mọi người dường như to hơn. Mẹ đã ngất sau tiếng nấc, ba ôm lấy mẹ, chị ôm chặt lấy tôi vào lòng. Cơn mưa ngày hôm đó thật sự là nước mắt của ông trời, dầm dề, da diết tới mấy ngày sau mới dứt.

Những mùa mưa qua, chị tôi đi lấy chồng. Tôi lớn lên như cái cây trên mặt đất. Không biết mình trở thành thiếu nữ tự bao giờ, khi ngồi trước gương soi, đôi mắt đã biết cười, đôi môi mọng ướt, mái tóc đen dài và suôn thơm mùi bồ kết. Mẹ bảo con gái mẹ đã lớn rồi, khi nào có người yêu thì nhớ kể cho mẹ nghe. Tôi bẽn lẽn đỏ mặt. Rồi mối tình ô mai đó cũng kết thúc bằng giọt nước mắt vào một chiều mưa. Cơn mưa nặng hạt táp vào mặt bỏng rát, tôi cứ thế đi về nhà, ướt nhẹp. Mẹ không hỏi vì sao không mặc áo mưa, cũng không quật vào mông tôi mấy cái như hồi nhỏ mà chỉ lặng lẽ đứng lau tóc cho tôi.

Om cham lay mua

Rồi, tôi vào đại học. Bắt đầu những ngày xa nhà. Nhìn những cơn mưa vội đến vội đi của Sài Gòn, tôi nhớ nhà da diết. Nhấn điện thoại, gọi về nhà, mẹ bảo năm nay mưa lớn nhà mình bị dột, gió thốc bay mất một miếng tôn. Ba thì không có ở nhà, chỉ có mỗi mẹ đợi mưa tạnh, rồi tự trèo lên lan can kéo lại miếng tôn bị rơi. Nghĩ tới cảnh một mình mẹ leo ra ngoài lan can đầy nguy hiểm, lỡ như… Nước mắt tôi chợt rơi.

Cuộc sống sinh viên khiến những đứa xa lạ trở nên thân quen và chăm lo nhau như ruột thịt. Rồi có buổi, một đứa đỏ hoe mắt sau mối tình đầu tan vỡ, giọng Tuấn Ngọc réo rắt: “Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa em có lạy trời mưa, anh vẫn xin mưa phong kín đường về, anh nhớ suốt đời mưa tháng Sáu…” chợt thấy nhớ mẹ vô cùng, khi những đêm mẹ thức khuya may đồ cho khách cũng với những bản nhạc buồn rười rượi như thế này, réo rắt ăn sâu vào giấc mơ tôi.

Tháng ngày qua đi, tôi trở về Plâyku làm việc. Đi giữa phố Plâyku trong những buổi cuối tuần mưa phùn, đã không còn những cây thông già, những cây xà cừ lâu năm, những ngôi nhà gỗ nằm thấp thoáng sau rặng thông già mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, ô tô cũng nhiều hơn, đậu kín cả một góc đường với cây non mới trồng, lơ thơ, yếu ớt trong mưa. Phố Plâyku đã không còn “đi dăm phút trở về chốn cũ”, cũng không còn sương mù đọng lại trên những cành thông vào sáng sớm... Nhà tôi cũng không còn là ngôi nhà gỗ giữa vườn cây nữa, nó đã được xây lại, mảnh đất trống được thay thế bằng những ngôi nhà mọc lên san sát.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhiều. Duy chỉ có mưa là không thay đổi, mỗi mùa mưa đến lại gợi lên cho tôi biết bao ký ức xưa cũ, không điều gì có thể thay thế được.

Lê Vi Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI