Ở những nơi ngày 20/11 không có hoa hồng

19/11/2014 - 15:14

PNO - PN - Dù chưa bao giờ nhận được hoa của học trò trong ngày Nhà giáo, nhưng các cô giáo tại các trường chuyên biệt, hòa nhập cho trẻ khuyết tật vẫn coi đó là cái nghiệp đầy vinh dự…

edf40wrjww2tblPage:Content

O nhung noi ngay 20/11 khong co hoa hong

Một giờ học của cô trò Trường Chuyên biệt Tương Lai 3 (Q.3) - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Những con đường đầy chông gai

Lớp 1 của Trường Chuyên biệt Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM chỉ có bảy học sinh. Vào giờ học, đứa nằm, đứa ngồi, đứa lăng xăng chạy nhảy, đứa chui sát gầm bàn thẫn thờ nhìn vào khoảng không, trong khi cô giáo Vũ Thanh Bạch nhẫn nại dạy cho từng em gấp giấy làm đồ chơi. Cả buổi trời cô lật đật đi lại xếp, gấp cùng với từng em, nhưng cuối cùng chỉ có một em làm được, một số em lảng đi… Cô Bạch cười khi quay nhìn chúng tôi: “Bài học này, tôi dạy các con bốn ngày rồi, mới có mỗi bé Thảo lanh lẹ khéo léo làm được thôi”.

Thấy tôi ngỡ ngàng với cách xưng hô của cô, cô Bạch giải thích: “Cô giáo cả trường này đều thương trẻ như con mình vậy đó. Hiểu từng ý muốn, thuộc từng tính nết, nhớ từng bàn tay…”.

Cô giáo Bạch đến với nghề rất tình cờ. “Năm đó, một vị linh mục lập ra ngôi trường này, ban đầu tôi chỉ ghé qua thăm, gọi là trường nhưng chỉ có năm-bảy bé. Nhìn cảnh các con, có những bé bị liệt vẫn cố trườn người chào mình, thấy thương quá chừng. Tôi xin cha cho phép mỗi ngày đến trường chơi với các con. Lâu dần mến tay chân, tôi ở lại trường làm giáo viên, rồi đi học chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ…”, cô Bạch kể. Theo lời cô Nguyễn Thị Hoài Thu, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Cần Thạnh, trường có tám giáo viên, bốn nhân viên. Tương tự cô Bạch, một số giáo viên lớn tuổi đến với trường do cơ duyên, tình thương trẻ níu chân họ lại với cái nghề vất vả, gian nan này.

Từ hơn 5g sáng, nhiều cô giáo đã có mặt ở trường lau dọn, vệ sinh lớp học, rồi đón từng học trò trên tay phụ huynh. Kể từ giờ phút đón bé, các cô gần như không có giờ nghỉ, bởi nếu không bám sát trẻ thì chỉ cần một chút sơ sẩy là bé có thể bị tai nạn. Cô Thu nói: “Dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, phải nâng niu từng thành quả nhỏ. Từ việc con biết chào cô, biết nói thêm một từ hay bước đi thẳng lối… đều phải động viên, khuyến khích kịp thời. Khi trẻ gặp tai nạn, thương tích, cô giáo là người đau xót nhất. Vì khi con đau, con nằm, nghĩa là con đã chậm lại nhiều bước so với chính bản thân con…”.

O nhung noi ngay 20/11 khong co hoa hong

Cô giáo Vũ Thanh Bạch đang cùng học trò xếp pháo

Đêm ngắn của cô giáo trẻ

Theo khảo sát của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từ năm học 2003-2004, ngành giáo dục đặc biệt được mở ra, các sinh viên chọn nghề này, phần lớn xuất thân từ các gia đình có người thân, lối xóm bị khuyết tật, hoặc đã sống gần các cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm khuyết thân thể, trí tuệ. Chính vì thế, họ đều lường trước về những thách thức trong công việc ở tương lai.

Cô Lý Thị Quyền là giáo viên can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ ở Trường Mầm non 8 (Q.3, TP.HCM). Cô Quyền sinh năm 1990 trong một gia đình nông dân nghèo ở Đồng Nai. Khái niệm "giáo dục đặc biệt" hoàn toàn xa lạ với ba mẹ. Nhưng trong ký ức của cô Quyền, một người bạn hàng xóm thân thương khiếm thính bị ghẻ lạnh và xa lánh lại chính là người hoàn toàn có thể “nghe”, “nói”, “hiểu” và chia sẻ được nhiều điều với cô. Quyền kể: “Mỗi lần tâm sự với anh ấy, thấy mình hiểu được anh, anh hiểu được mình, tôi tự hào lắm. Từ anh, tôi có niềm tin rằng những người khuyết tật đều sẽ hiểu, và học được nếu có sự trợ giúp. Cho nên tôi nuôi lớn ước mơ của mình là đến với nghề”.

Khi biết chọn lựa của Quyền, ba mẹ cô đã khóc. Nhưng rồi bảy năm trôi qua, Quyền chứng minh cho ba mẹ thấy hướng đi của cô là phù hợp, đúng đắn. Qua từng cuốn băng ghi lại hình ảnh những đứa trẻ khiếm thính ban đầu không biểu lộ cảm xúc, qua quá trình dạy, bật thốt lên tiếng nói, bật khóc, bật cười đúng lúc..., cô Quyền đã khiến ba mẹ thông hiểu con đường mà con gái mình sẽ đi.

Cùng hoàn cảnh như cô Quyền, hơn một nửa giáo viên của các trường chuyên biệt, trường có trẻ khuyết tật tại TP.HCM hôm nay đều đến với nghề bằng lòng nhiệt huyết, tận tâm như vậy. Các cô giáo trẻ ham học hỏi, được đào tạo bài bản từ các trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương, ĐH Sư phạm TP.HCM chính là lực lượng hùng hậu của chuyên ngành giáo dục đặc biệt.

Cô Đỗ Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường Tương Lai 3 (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) khẳng định: “Họ dấn thân vì nghề. Ở cương vị quản lý, tôi khâm phục và mang ơn từng đồng nghiệp của mình. Bởi mỗi trẻ khuyết tật đều là một ca đặc biệt, cần một giáo án và kế hoạch lên lớp từng ngày khác hẳn nhau. Một cô giáo dạy ở trường chuyên biệt này thường phụ trách từ 12-15 trẻ, tức các cô phải chuẩn bị từng ấy bộ giáo án, chương trình. Mà giáo án của trẻ khuyết tật thì cần đủ thứ hình ảnh, màu sắc, âm thanh... Để đảm bảo công việc, tôi chắc chắn không cô giáo nào có thể đi ngủ trước 12g đêm và thức dậy sau 5g sáng”.

O nhung noi ngay 20/11 khong co hoa hong

Cô giáo Lý Thị Quyền trong giờ lên lớp với học trò “can thiệp sớm”

Chật vật đeo đuổi khát vọng

Dù dấn thân để chọn con đường đầy chông gai nhưng các thầy cô giáo làm việc ở ngành giáo dục đặc biệt lại đang đối diện với nhiều rào cản cơ chế đáng phiền lòng. TS Lê Thị Minh Hà, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Nhìn số lượng các lớp tuyển sinh trong những năm gần đây, mỗi khóa xấp xỉ 50 sinh viên, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì ngành nghề được sự quan tâm của cộng đồng, được nhiều bạn trẻ tâm huyết lựa chọn, lo vì tương lai đầu ra của ngành sẽ bó hẹp. Sinh viên của chúng tôi chủ yếu từ các tỉnh đăng ký thi tuyển, nhưng khi các em ra trường ôm bằng về quê đều bị từ chối với lý do đã “đủ nhân sự” (dù ai cũng biết nhân sự giáo dục đặc biệt ở các tỉnh thừa thiếu ra sao). Các em phải quay về thành phố tìm việc. TP.HCM nhiều chỗ làm, nhưng do Nhà nước chưa quy định mã nghề nên các chế độ của giáo viên giáo dục đặc biệt vẫn còn bị bỏ lửng. Đã vậy, còn thêm cơ chế “hộ khẩu thành phố” làm rào cản, thách thức tấm lòng thiện nguyện của những người trẻ đang nhiệt huyết dấn thân. Nhìn các học trò tất tả tìm việc, tìm mọi cách để trụ được với nghề mà chúng tôi không khỏi xót xa”.

Ban giám hiệu nhiều trường mầm non chuyên biệt hay hòa nhập, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật chua xót: “Mỗi năm mỗi phải ký lại hợp đồng với giáo viên, trường còn bị dọa: cuối năm này, nếu giáo viên đó chưa có hộ khẩu thì không ký nữa…”. Chật vật bám trụ với nghề bởi ngoài lương theo quy định, cộng với 70% phụ cấp cho ngành giáo dục đặc biệt, hầu như các cô giáo dạy trẻ khuyết tật không có một khoản thu nào thêm. Cô Phương Nga cho biết, Trường Tương Lai 3 chỉ có 45 học sinh, hơn một nửa trong số đó có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Một bữa ăn trưa đơn giản tại bếp trường, cũng phải nhờ tấm lòng từ thiện của biết bao người”.

Một số trường nhận can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật hòa nhập, trú đóng ngay trung tâm thành phố mà chúng tôi ghé thăm có ba-bốn giáo viên giáo dục đặc biệt, tất cả đều ký hợp đồng theo từng năm, lại còn có nguy cơ sang năm trường không được cho tái ký. Các cô giáo trẻ yêu nghề, yêu trẻ đang phải hùn nhau thuê nhà trọ để giảm bớt chi phí sinh hoạt, tự học nâng cao trình độ… cho dù nguy cơ mất việc luôn cận kề. Cô Phạm Thị Thúy An, giáo viên Trường Tương Lai 3 tâm sự: “Nghề thì khó khăn, vất vả, nhưng hễ thấy các con sà vào lòng, gọi mẹ, hay chỉ nghe các con biết nói đúng một từ thôi, là mọi mệt nhọc dường như tan biến”.

 NGHI ANH 

Không một đóa hoa hay những lời chúc mỹ miều, “quà” 20/11 của các cô giáo làm nghề đặc biệt nhận được đôi lúc rất "đặc biệt": là cái ôm hôn thắm thiết của bà ngoại, hay bà nội đứa học trò chậm chạp, hoặc một rổ đầy rau củ quả, một cái giò heo, một vài con cá, mớ trái cây… từ tay những người mẹ, người dì của trẻ chân chất quê mùa, làm nghề buôn gánh bán bưng. Nhận quà, có khi các cô rưng rưng nước mắt bởi biết rằng món thơm thảo đó, những người thân của bé phải chắt chiu mới có.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI