Nước mắt mẹ già ngày con gái nhận đặc xá: "Nó chưa lập gia đình..."

06/09/2015 - 09:15

PNO - Chặng đường phải khoác lên mình chiếc áo cải tạo, với phạm nhân nào cũng là giai đoạn tối tăm nhất của đời mình.

Những tháng ngày sống đối mặt, thấm thía tội lỗi để sám hối, ăn năn, lại là thời khắc giúp họ nhìn ra và bùng cháy khát khao hướng thiện, mong mỏi sống cuộc đời đầy ý nghĩa. Tha trước hạn chẳng những là sự khoan hồng của Nhà nước mà còn mang ý nghĩa nhân đạo, kịp "trả" các phạm nhân về để gầy dựng lại đời mình.

Biết bản thân đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện xét đặc xá, nhưng khi nhận quyết định đặc xá, phạm nhân V.T.T.T. (SN 1983) vẫn không tin. Chị thổ lộ: “Tựa một phép màu, một giấc mơ, tôi như được sinh ra lần nữa”.

Mừng đến nỗi những ngày cuối cùng ở trại giam Thủ Đức, T. gần như thức trắng, đếm từng khoảnh khắc thời gian trôi đi. Đêm trở nên nhẹ nhàng, ngày đầy hứng khởi. Ánh bình minh khi mỗi sáng rời buồng giam bỗng rạng rỡ, đẹp đẽ, tươi sáng hơn trong đôi mắt của chị.

Chặng đầu nhập trại thi hành án, T. ủ dột, buồn chán đến mức không thiết tha mọi điều, kể cả sống. Kết quả cải tạo của chị, hai chữ “trung bình” kéo dài trong một quý.

Nuoc mat me gia ngay con gai nhan dac xa:
Chị T. (hàng đầu thứ 2) khi còn khoác áo phạm nhân

Quê T. ở Kiên Giang, cha bỏ đi năm chị lên sáu tuổi. Cuộc rẽ ngang, buông bỏ đầy lạnh lùng, tàn nhẫn của người đàn ông trụ cột khiến ba mẹ con T. ngoài nỗi đau bị phụ bạc, còn đối mặt với khó nghèo.

Không tiền đi học, mẹ lại đau yếu nên T. trở thành trụ cột cho gia đình mình. Chị làm thuê làm mướn, vất vả mấy cũng không quản ngại, miễn có tiền chăm mẹ nuôi em. Quãng ấy, đời sống ba mẹ con vẫn là cảnh phải đắp đổi, chạy ăn từng bữa.

Đến tuổi trưởng thành, T. rời quê lên TP.HCM lập nghiệp, mang hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Là cô gái có sắc vóc, T. được một người dìu dắt sang Malaysia làm massage trong một khách sạn. Cú vấp ngã của chị cũng bắt đầu từ đó.

Quen đất quen người và rành rọt cả những đường dây mua bán dâm, T. bàn với chủ khách sạn nơi mình làm, lừa đưa các cô gái từ Việt Nam sang Malaysia, ép bán dâm. Mỗi cô gái “tuyển chọn”, đưa sang thành công, T. thu lợi 45 triệu đồng.

Rồi một ngày, có cô gái liên hệ được gia đình, xin chuộc về, viết đơn tố cáo; T. bị bắt, bị truy cứu tội “mua bán người”, nhận mức án chín năm tù giam. T. nhớ, ngày tòa xử, chị đau đến thắt dạ trước hình ảnh người mẹ già ngồi gục đầu.

Bên tai chị văng vẳng lời nhiều người dự khán: “Ác độc! Mất hết tính người”, “Chín năm còn nhẹ”… T. bảo, hình ảnh mẹ và những lời ấy cứ bám theo chị vào trại giam, trở thành nỗi ám ảnh, vết kim đâm làm chị nghĩ rằng khó có thể quay về.

Tháng ngày suy sụp, không làm sao để chết, T. tìm quên trong lao động. Rồi được cán bộ trại khuyên nhủ, động viên, chị quyết tâm cải tạo, mong muốn sớm được tha để về bù đắp cho mẹ, gầy dựng lại đời mình.

Nhập trại tháng 4/2013, kể cả thời gian tạm giam, T. được đặc xá khi chưa quá bốn năm thi hành án, nhờ vào nỗ lực vươn lên của mình. Những ngày cuối ở trại giam, chị hào hứng chia sẻ: “Tôi thích làm đẹp cho người khác. Ra tù, tôi muốn mở một tiệm trang điểm, vừa kiếm sống vừa thỏa sở thích”.

Khi T. đi tù, dù đau đớn, buồn tủi nhưng bà P.T.K.H. - mẹ chị chưa một lần trách móc con. Bà đổ lỗi cho mình: “Do tôi không giữ được cho nó người cha, không răn dạy tốt để con sa ngã”.

Nghe tôi chuyển lại ước mơ về công việc ngày hoàn lương của T., bà rưng rưng, xa xăm: “Mẹ con tôi cùng nhau cố gắng”. “Cố gắng” của bà, là sẽ nán lại TP.HCM làm giúp việc thêm vài năm nữa, cho đến khi có đủ tiền giúp con gái mở cửa tiệm.

Kể từ T. bị bắt, để có tiền cho con bồi thường người bị hại, lẫn chi phí mỗi tháng đi trại giam thăm T., bà đã bán đổ bán tháo ngôi nhà ở quê. Không còn chỗ cư ngụ, bà dừng chân tại TP.HCM sống vất vưởng một thời gian rồi nhờ người xin việc.

Hỏi bà: “Khi T. về sẽ tính sao?”. Bà chảy nước mắt: “Có người quen thương tình, cho mượn miếng đất nhỏ ở quê để dựng tạm túp lều. T. ra tù, tôi sẽ bảo con về trước, ở đậu nhà người ta rồi làm thuê chi đó một thời gian, chờ tôi đủ tiền mở tiệm, về mẹ con sum họp”.

Bà trầm ngâm, khẽ khàng rồi bất giác níu tay tôi, gương mặt hoảng hốt: “Nó chưa lập gia đình. Nó phải về quê mới có tương lai”.

Tôi, cho đến giờ vẫn khắc khoải ám ảnh đôi mắt đục ngầu thăm thẳm nỗi bất an, lo lắng của người mẹ luôn tự trách bước sa chân của con là do chính mình. Dẫu vậy, tôi tin rằng từ đây, trong cuộc dựng lại đời của T. có mẹ làm điểm tựa, nhắc nhớ, tiếp sức bằng tất cả sự bù đắp, thương yêu.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI