Nỗi buồn ở nơi phụ nữ lấy chồng “trả góp”

02/12/2015 - 07:24

PNO - Con gái phải bắt chồng, con trai được quyền thách cưới lễ vật như tiền, trâu, bò, lợn, gà…

Cưới nợ vì bị thách giá trên trời

Anh Y Nâu và chị Hờ Riu (cùng SN 1993, ở buôn Thinh) sau một thời gian thương nhau đã quyết định đi đến hôn nhân. Tháng 2/2014, khi bàn chuyện cưới xin, gia đình anh Nâu đã thách cưới số tiền 20 triệu đồng cùng rất nhiều món lễ vật.

Noi buon o noi phu nu lay chong “tra gop”
Vợ chồng anh Y Nâu và chị Hờ Riu

Trong đó có 3 con bò, 1 con dùng để thịt trong đám cưới đãi bà con họ hàng làng bản, 2 con sống để cho gia đình nhà chồng dắt về nuôi; lợn 3 con, trong đó 1 con dùng để thịt cho thanh niên trai tráng hai bên gia đình, 2 con còn lại mỗi con 20 ký thì đãi người lớn tuổi; chưa hết, gia đình chị Riu còn phải chuẩn bị 20 ghè rượu cần loại hảo hạng; 1 bộ váy cho mẹ chồng mặc; 1 chiếc nồi bằng đồng giá 1 triệu đồng; 2 cái chăn.

Theo chị Riu, để tổ chức đám cưới, gia đình chị phải vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền nên phải xin nhà trai cho cưới nợ. Trước ngày cưới, gia đình nhà gái trả trước cho gia đình nhà trai nửa số tiền thách cưới, tức 10 triệu đồng. Số tiền còn lại, vợ chồng chị Riu làm lụng chắt bóp để trả góp. Tuy nhiên, lấy nhau đã hơn 1 năm, hai vợ chồng chị Riu vẫn chưa thể trả được đồng nào cho gia đình nhà chồng.

Nuôi con một mình vì hủ tục

Không ít trường hợp nam nữ thương nhau nhưng khi tính chuyện cưới thì phải đôi ngả chia ly. Nhiều trường hợp người phụ nữ phải làm mẹ đơn thân vì trót lỡ có thai, nhưng vì bị thách cưới quá cao nên không bắt được chồng.

Người dân ở buôn Thu vẫn chưa thể quên được câu chuyện buồn của anh Y Nho (SN 1988). Cách đây gần 6 năm, anh Nho và chị Hờ Nao (SN 1990) có tình cảm với nhau, muốn tính chuyện cưới hỏi, nhưng không được vì gặp phải rào cản thách cưới. Dù gia đình anh Nho chỉ thách cưới 1 con bò đãi tiệc và một ít tiền nhưng gia đình chị Nao vì quá nghèo nên xin giảm xuống còn 1 con heo. Thế nhưng, gia đình anh Nho trước sau vẫn một mực thách con bò. Điều đáng buồn hơn, chị Nao sau đó mang bầu, sinh đứa con gái với anh Nho, nhưng cha mẹ anh vẫn không đồng ý. Cuối cùng, hai người phải chia tay, anh Nho đi tìm người con gái khác, chị Nao phải một mình nuôi con.

Noi buon o noi phu nu lay chong “tra gop”
Anh Y Nho

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây 5 năm, anh Y Thun (SN 1986, ở buôn Thinh) có tình cảm với một cô gái trong làng, nhưng gia đình anh thách cưới quá cao, khiến anh và người thương không thể đến được với nhau. Đau khổ chuyện tình cảm, anh Thun uống thuốc diệt cỏ tự tử. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dù không làm chuyện dại dột nhưng vì đau buồn chuyện tình bị hủ tục ngăn cản mà đâm ra bất đắc chí, cả đời khổ sở.

Cưới một lần, trả nợ cả đời

Những trường hợp người phụ nữ có con nhưng không thể bắt chồng vì bị thách cưới quá cao, họ phải đối mặt với bi kịch một mình nuôi con cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hạnh phúc mới. Trong khi đó, những đôi nam nữ may mắn nên vợ nên chồng, cuộc sống cũng gặp rất nhiều khổ sở. Sau khi về chung sống, họ chẳng những không có vốn liếng để lo cho cuộc sống, mà ngược lại còn gánh các món nợ trên đầu. Lúc này, trách nhiệm không chỉ của riêng người phụ nữ mà đè nặng lên chính người chồng. Người đàn ông phải làm lụng để trả nợ cho chính cha mẹ ruột của mình.

Hủ tục thách cưới đã trở thành rào cản, gánh nặng trong đời sống của đồng bào Ê Đê bao đời nay. Bà Hà Thị Thìn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Trol cho biết: “Số tiền thách cưới quá nhiều, đồng nghĩa với việc tổ chức đám cưới của đồng bào cũng tốn kém, lãng phí. Như vậy, thay vì thách cưới, các gia đình để số tài sản này vun đắp cho các cặp đôi thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Đằng này, các cặp đôi sau khi lấy nhau về còn nai lưng ra làm để trả nợ. Sau này, khi con cái lớn lên và cưới vợ gả chồng thì họ cũng thách cưới, tiếp tục làm khổ con trẻ. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân nơi đây chưa cao nên công tác xóa bỏ hủ tục còn gặp nhiều khó khăn”.

LÊ TRÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI