Những câu chuyện ác đến khó tin

06/12/2014 - 16:14

PNO - PN - Dưới tốc độ đổ dồn như thác lũ của thông tin, đến một lúc nào đó, những câu chuyện tàn ác, man rợ như chuyện đứa bé 14 tuổi giết chết đứa bé 9 tuổi, quăng xác xuống giếng; chuyện hai anh em nhập viện vì ngộ độc thuốc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyện xảy ra là chuyện ở đâu đó, với ai đó, không phải chuyện của mình. Cái còn lại trong tâm trí người đọc, người nghe là nỗi bất an: vậy nếu lỡ chuyện xảy ra đối với con mình thì sao? Câu hỏi ấy sẽ ám ảnh người ta, cho dù có khi chỉ là vô thức. Nó khiến người ta phòng thủ hơn, lo lắng dè chừng hơn và cũng cảm giác mình bất lực hơn, vì quả thật không biết làm sao mà tránh, mà che chắn bảo vệ cho gia đình mình, khi mối hiểm nguy có thể đến từ mọi đối tượng. Một đứa bé có thể thủ ác, một người mẹ bị nghi ngờ có thể đã chích thuốc trừ sâu vào cơ thể hai đứa con mình, một người cha giết con… Toàn những câu chuyện ác đến khó tin, đến phải bật lên câu hỏi: tại sao vậy?

Nhung cau chuyen ac den kho tin

Tang vật trong vụ án thiếu niên 14 tuổi giết dã man bé trai 9 tuổi.

Trong tất cả những câu chuyện trên, có thể thấy một bối cảnh chung: gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình đã được giải quyết một cách tiêu cực trong sự tối tăm tàn ác đến vô nhân tính. Trước đó, những gia đình đã ít nhiều đổ vỡ, mỗi cá nhân đều mang một tổn thương tinh thần hoặc tổn thương vật chất nào đó: mối hận lòng khi vợ chồng ly hôn, những đứa trẻ lớn lên trong cảnh thiếu sự quan tâm chăm sóc, đứa con trai hư hỏng tù tội…

Khi bế tắc trong cuộc đời, người ta tìm về với gia đình như chốn nương thân sau cùng. Vậy nên khi bản thân gia đình cũng lâm vào cảnh bế tắc, đổ vỡ, dễ làm cho con người ta trở thành điên loạn. Trong ánh mắt thất thần của người đàn bà nông dân khi đột ngột mất cả chồng và con (chồng vừa bị bắt giam, con trai vừa chết) như thấy cả nỗi bất lực khốn cùng, như một lời kêu cứu câm lặng: hãy tin đi, trong hoàn cảnh ấy làm cách nào được nữa. Lưỡi dao trong tay chú kề vào cổ đứa cháu mới bốn tuổi, mũi kim tiêm thuốc diệt cỏ trong tay người mẹ… là những thứ quá gần, không thể phòng, không thể tránh.

Nhưng chẳng lẽ chỉ đọc, chỉ nghe, chỉ bình phẩm lo lắng và rồi ngồi yên, mong cho tai họa ấy không rớt xuống đầu mình? Chắc không ai muốn thế. Và chắc cũng không ai nghĩ mình đang làm đúng như thế.

Nếu có thời gian để quan sát, bạn sẽ nhận ra các gia đình quanh chúng ta đang trở thành các ốc đảo, nơi những mâu thuẫn là của riêng, phải được giải quyết riêng, và do đó những bế tắc cũng trở thành “tài sản riêng” - một thứ ngõ cụt. Hệ thống đại gia đình đã bị những lưỡi dao mang tên quyền tự do cá nhân cắt rời thành các gia đình bé hơn và biệt lập. Nỗi bất hạnh của ai nằm trong nhà của người ấy, vì thiếu sẻ chia, nên cũng thiếu thông tin, thiếu tình cảm. Khi không có những lối đi thông nhau giữa các gia đình, khi trong hoàn cảnh nào đó cùng quẫn bức bách, con người ta chỉ có thể vẫy vùng, cào cấu, làm bị thương những người thân ngay bên trong chốn nương thân sau cùng của nó mà thôi.

Hàng loạt những người - không chỉ người trẻ, mỗi ngày chúi mũi vào máy tính, vào điện thoại di động, chụp hình, chơi games, coi phim, lướt web, tưởng đâu thế giới mở ra trên màn hình là vô tận; sức mạnh, quyền năng của mình là vô tận, để rồi khi quay lại với cuộc đời thực thì thất bại, bất hạnh, thậm chí có khi trở thành tâm thần, lưu manh, hung dữ. Họ hành xử với người xung quanh cũng bạo liệt như xử sự với cái bàn phím, cái màn hình máy tính.

Rất có thể trong những kẻ tâm - thần - tiềm - năng ấy có người thân của mình. Nếu biết vậy, nếu lo lắng vậy mỗi ngày, mỗi thành viên trong gia đình đã tìm cách kéo người ấy về lại với đời thực, với những mối quan hệ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng được, nhưng sự ích kỷ công nghệ đã khiến nó có nguy cơ nhanh chóng lụi tàn. Mặt trái của công nghệ đã được nhận thức: khi thế giới mở ra mênh mông hơn, phẳng hơn, cũng là khi người ta dễ mất phương hướng, dễ tha hóa hơn.

Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, nhưng bản thân các tế bào biệt lập không thể tạo nên cơ thể xã hội. Khi nhìn vào những hiện tượng xảy ra nơi này nơi kia, những kẻ thủ ác ngày càng trẻ, ngày càng thân cận với nạn nhân, mức độ độc ác ngày càng khủng khiếp…, người ta dễ quy kết đó là vấn đề xã hội. Nhưng nếu nhìn mỗi một gia đình là một xã hội thu nhỏ, sẽ thấy cơ chế tự bảo vệ của gia đình hiện đại vẫn chưa được khởi động. Không chỉ là tự bảo vệ, tự phòng thủ. Không thể tự biến mỗi gia đình thành một pháo đài, bởi như thế cũng là ngõ cụt mà thôi. Cần nối lại, khơi thông nguồn mạch cưu mang, yêu thương, chia sẻ giữa những gia đình, để con người không rơi vào cảnh cùng đường, không khi nào bế tắc đến thành điên loạn, rồi tàn hại lẫn nhau...

HẰNG PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI